Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 một văn kiện lịch sử bất hủ
Lượt xem: 2060

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Bản Tuyên ngôn độc lập do lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm. Người đặt bút viết từ ngày 26/8 đến 29/8/1945, sau 4 ngày chuẩn bị kĩ lưỡng, cẩn trọng từng câu chữ, bản dự thảo đã được hoàn thành. Sáng ngày 30/8/1945, bản thảo được gửi các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng để tham gia ý kiến. Sau đó, Người chuyển cho đồng chí thư kí và thiếu tá tình báo Mĩ L.A. Patti (người mà Bác đã quen biết từ thời hoạt động ở Côn Minh- Trung Quốc). Người muốn được chính người Mĩ xem bản thảo Tuyên ngôn của Việt Nam trước khi nó chính thức được phát đi trên toàn thế giới.

 Về cấu trúc, Bản Tuyên ngôn độc lập được chia làm 3 phần, với 1.017 chữ, 49 câu; văn phong súc tích, lập luận sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy thuyết phục, giàu tính lý luận và thực tiễn. Đây vừa là một văn kiện lịch sử quan trọng, đồng thời là áng “Thiên cổ hùng văn” của thời đại, thể hiện một tư tưởng lớn, một tầm nhìn chiến lược vượt qua mọi thời gian và không gian.

 Ở phần mở đầu, Hồ Chí Minh nêu lên những chân lý về nhân quyền và dân quyền, làm cơ sở pháp lý cho Bản Tuyên ngôn. Người trích dẫn từ Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hành phúc”. Tiếp theo đó, Người dẫn thêm một câu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp, đó là: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Việc trích dẫn hai câu nổi tiếng ở hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và của Pháp nêu trên để làm lời mở đầu cho Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam có ý nghĩa sâu xa về chính trị, ngoại giao của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người không trích y nguyên hai câu trên, mà có sự phát triển, nâng lên một tầm cao mới. Nếu như Tuyên ngôn của Mĩ viết: “Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng, mọi người đều sinh ra bình đẳng”, (We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal) thì Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là: “suy rộng ra, câu nói ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đáng chú ý là, trong Tuyên ngôn của Mỹ năm 1776, từ “all men” bấy giờ trong tiếng Anh-Mỹ là chỉ những người đàn ông người da trắng và có tài sản (đàn ông da màu phải đến năm 1870 mới được đi bỏ phiếu. Với phụ nữ, sự bình đẳng về chính trị còn muộn hơn, phải đến năm 1923, họ mới có quyền này). Hồ Chí Minh dịch cụm từ “all men” thành “tất cả mọi người”, tức là tất cả mọi công dân, không phân biệt giới tính, dân tộc, giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, điều đó cho thấy tính ưu việt và nhân văn hơn hẳn 2 bản Tuyên ngôn của Mĩ và của Pháp.

Phần thứ hai của Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh dành một dung lượng lớn của văn bản (khoảng 80%) để tố cáo thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để áp đặt các chính sách cực kì phản động đối với nhân dân ta trên tất cả các phương diện. Người dùng phương pháp liệt kê để nêu ra hàng loạt những tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực: Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Phần cuối của Bản Tuyên ngôn, nói lên tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường và sự quyết tâm của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng. “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập ấy”.

Đã hơn ¾ thế kỉ trôi qua, thời gian càng lùi về phía sau thì những tư tưởng lớn của Bản Tuyên ngôn càng tiến ra phía trước, thể hiện giá trị vĩnh cửu của văn kiện này không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới; đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận mác-xít về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hôm nay đây, đọc lại Bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người dân Việt Nam như nghe được tiếng “vọng về của lịch sử bốn ngàn năm”; tiếng của “hồn thiêng sông núi”, bởi Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca chiến đấu và chiến thắng, được xem như “Nam quốc sơn hà”, “Hịch Tướng sỹ” hay “Cáo Bình Ngô” của thế kỉ XX. Ngày 2/9/1945 là một mốc son chói lọi, làm rạng rỡ lịch sử Việt Nam với hào khí của một dân tộc ngàn năm văn hiến. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử mang tính thời đại, trường tồn và bất hủ./.

 

Lê Đình Lợi - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập