Đẩy mạnh công tác dân vận góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 121
Giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là giải pháp quan trọng và cấp bách để hướng tới thực hiện mục tiêu chung “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Là tỉnh vùng cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, cửa khẩu, Lào Cai trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh còn 4 huyện nghèo, 66 xã và 605 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó 90% số hộ nghèo thuộc người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao. Những năm qua, công tác dân vận nói chung và vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi mới cả về nội dung, phương thức vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Các cấp ủy Đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đồng thời xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn; tăng cường nắm tình hình cơ sở, triển khai có hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo; tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh…

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra nhiều biện pháp, giải pháp triển khai 18 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI). Chính quyền các cấp triển khai cụ thể hóa các kết luận, chỉ thị của trung ương và của Tỉnh ủy Lào Cai về công tác dân vận trong tình hình mới, phát huy dân chủ của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách cũng như các chương trình, dự án; dân chủ bàn bạc các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ người dân để họ tự nguyện tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiện toàn các bộ phận tiếp dân, bố trí cán bộ có năng lực, kĩ năng làm công tác tiếp dân. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế triển khai công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nắm chắc tình hình đoàn viên, hội viên và Nhân dân, phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở, tập trung vào các địa bàn vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn và vùng biên giới; tổ chức các cuộc giám sát đối với UBND cấp huyện về việc thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước; triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19…

Các lực lượng vũ trang luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, nắm chắc địa bàn, tình hình nhân dân, triển khai có hiệu quả việc thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, phong trào “Dân vận khéo”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…Tăng cường các hoạt động phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ, đội công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới vv.

Có thể khẳng định, công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiều đổi mới, sáng tạo, thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác này trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dân vận thực sự đã góp một phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Trước tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới, công tác dân vận phải không ngừng đổi mới toàn diện từ nội dung đến hình thức và phương pháp cho phù hợp với thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới phương thức vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai, cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, đổi mới phương thức vận động, tập hợp quần chúng, triển khai có hiệu quả các hình thức dân vận, hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân theo phương châm “Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn, xã nắm dân”. Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng đến nhóm đối tượng người lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Hai là, triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận và Quyết định số 23- QĐ/TW, ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quyết định Quyết định số 441/QĐ-UBND, ngày 21/02/2022 Về Quy định công tác dân vận trong thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai”. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

 Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo’ của hệ thống chính trị gắn với phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt Quy chế số 17-QC/TU, ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Tỉnh ủy Lào Cai “về việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai”; giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân cũng như các ý kiến phản ánh, những kiến nghị bức xúc của Nhân dân.

Bốn là, từng bước nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Năm là, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của dân vận, Mặt trận, các đoàn thể và các hội quần chúng, nhất là khối dân vận cấp xã, phường, thị trấn, ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội trong công tác vận động quần chúng. Nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư. Phát huy vai trò công tác dân vận trong vận động nông dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Sáu là, công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, cần đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, không chung chung, dàn trải. Người cán bộ dân vận phải nắm được những gì người dân cần nghe chứ không phải là chỉ nói những kiến thức/những thứ mà ta có. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phải đổi mới hơn nữa về nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, từng địa bàn. Phải tuyên truyền để đồng bào thấy được công tác xóa đói, giảm nghèo chỉ thành công khi chính tự thân người dân nỗ lực vươn lên làm kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi hay tham gia làm dịch vụ. Họ cảm thấy rất tự hào khi hộ gia đình mình được công nhận là hộ thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập ổn định. Người dân không còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc không muốn được ra khỏi diện hộ nghèo để còn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi…

 Tóm lại, công tác giảm nghèo là một chủ trương lớn, thường xuyên, lâu dài, liên tục và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành các cấp quan tâm chú trọng, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Với hàng loạt các chính sách hướng về cơ sở, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng giảm mạnh; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Để có được kết quả đó là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhưng yếu tố quan trọng nhất đó là khát vọng, là ý chí, là sự nỗ lực và quyết tâm thoát nghèo của người dân. Bởi giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số không đơn thuần là sự trợ giúp một chiều của Nhà nước đối với các đối tượng có nhiều khó khăn mà mà cần tạo ra động lực tăng trưởng tại chỗ, tuyên truyền, vận động để người dân chủ động tự vươn lên thoát nghèo.

                                                                   

Lê Đình Lợi - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập