Huyện Văn Bàn thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú, trường PTDT BT và trường phổ thông có học sinh bán trú năm 2022-2023
Lượt xem: 21

Những năm qua, mô hình trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) được triển khai tại các xã vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Việc thực hiện mô hình trường PTDTBT, đã tiếp thêm động lực cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng cao biên giới có điều kiện tốt hơn để học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Văn Bàn là một huyện khó khăn của tỉnh Lào Cai, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rộng, mật độ dân số không đều. Toàn huyện có 21 xã và 01 thị trấn với 195 thôn bản và tổ dân phố, trong đó có 12 xã thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

       Trong những năm gần đây mô hình trường bán trú, trường có học sinh bán trú luôn được ngành giáo dục tham mưu UBND huyện dành sự quan tâm đặc biệt và đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất nhằm đảm bảo tốt nhất các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Ưu tiên bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm tạo bước đột phá nâng cao chất lượng dạy và học, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, huyện và với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao của các trường, với phương trâm bán trú như một gia đình, kỉ luật, an toàn, thân thiện, và phát triển đến nay 100% các trường bán trú, trường có học sinh ở bán trú trên địa bàn huyện đã khang trang, sạch sẽ, an toàn và cơ bản đảm bảo các điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng, giáo dục học sinh.

Hiện tại huyện Văn Bàn có 85 trường cấp Tiểu học, THCS và trường THPT. Qua nhiều năm thực hiện mô hình trường PTDTBT, đã tiếp thêm động lực cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng cao, vùng sâu, xa có điều kiện tốt hơn để học tập. Tỷ lệ học sinh chuyên cần, chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường học bán trú, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo quy định tại Nghị định 116, về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã đặc biệt khó khăn, do Chính phủ ban hành năm 2016, học sinh tiểu học, học sinh THCS có nhà ở cách trường lần lượt là 4 km và 7 km, hoặc nơi có địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn, đều thuộc diện được thu hưởng chính sách dành cho học sinh bán trú. 

Năm học 2022-2023 toàn huyện có 44/85 trường được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ với 686 lớp, 19.497 học sinh, trong đó cấp Tiểu học có 29 trường với 411 lớp, 9971 học sinh; cấp THCS có 24 trường với 202 lớp, 6683 học sinh; cấp THPT có 04 trường với 73 lớp, 2843 học sinh.

Số trường Phổ thông dân tộc bán trú 11 trường với 3109 học sinh (số học sinh thực ở bán trú 1793 học sinh), trong đó cấp Tiểu học có 04 trường với 1139 học sinh, có 555 học sinh ở bán trú; cấp THCS có 06 trường với 1658 học sinh, có 1083 học sinh ở bán trú; trường TH&THCS có 01 trường với 312 học sinh, có 155 học sinh ở bán trú.

Số trường có học sinh bán trú 29 trường với 9036 học sinh (số học sinh thực ở bán trú 1442 học sinh), trong đó cấp Tiểu học có 17 trường với 5449 học sinh, có 944 học sinh ở bán trú; cấp THCS có 12 trường với 3587 học sinh, có 498 học sinh ở bán trú.

Số kinh phí đã chi cho việc thực hiện chính sách của các trường PTDT bán trú năm 2022 -2023 về hỗ trợ tiền ăn 8.733 triệu đồng, số lượng gạo được hỗ trợ 220 tấn, kinh phí đầu tư CSVC, thiết bị 35.528 triệu đồng, kinh phí mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao 1.465 triệu đồng, kinh phí lập tủ thuốc 733 triệu đồng, kinh hỗ trợ phục vụ việc nấu ăn cho học sinh 885 triệu đồng.

Số kinh phí đã chi cho việc thực hiện chính sách của các trường phổ thông có học sinh bán trú năm 2022 -2023 về hỗ trợ tiền ăn 4.753 triệu đồng, số lượng gạo được hỗ trợ 120 tấn. Kinh phí đầu tư CSVC, thiết bị 42.118 triệu đồng. Kinh hỗ trợ phục vụ việc nấu ăn cho học sinh 815 triệu đồng.

Từ các điểm bản xa xuống trường trung tâm để học tập, mái trường giờ đây đã trở thành ngôi nhà chung, còn các thầy cô giáo chính là những người cha, người mẹ thứ 2 của các em học sinh bán trú. Thời gian học tập sinh hoạt có nền nếp, nên tỷ lệ học sinh chuyên cần của các trường PTDTBT ở huyện Văn Bàn luôn đạt từ 95% trở lên. Các thầy cô giáo có thêm nhiều thời gian, để truyền thụ kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh của trường.

Hệ thống trường PTDTBT đã và đang làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, MN; sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng đã khẳng định được vai trò to lớn của hệ thống trường này trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp phần quan trọng vào việc củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS; nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS, MN.

ThS. Mai Trung Sâm
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập