Lào Cai làm theo lời Bác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số
Lượt xem: 250

Trong trái tim vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chứa đựng một tình cảm yêu thương, sự quan tâm lớn lao đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Người đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) và nhắc nhở tổ chức Đảng, chính quyền phải thường xuyên chú trọng đến công tác “huấn luyện” cán bộ. Người nhắc nhở các cấp các ngành: “Ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu, cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt, giúp đỡ họ, lâu ngày, chắc chắn họ tiến bộ[1] . Đội ngũ cán bộ DTTS phải được trang bị đầy đủ về kiến thức lý luận cũng như năng lực thực hành. Trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng cần phát huy dân chủ, tăng cường thảo luận để học luôn đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, vì: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn vạn quyển lý luận nếu klhông biết đem ra thực hành thì khác nào một cái hòm đựng sách[2]. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải chú trọng đến chất lượng, hiệu quả. Cán bộ ngành nào, lĩnh vực nào thì bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng thực hành ngành ấy, lĩnh vực ấy. Người yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS phải chú ý đến từng vùng dân tộc cũng như điều kiện hoàn cảnh của các địa phương; phải kết hợp tốt giữa học với hành. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS phải cụ thể, thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng, phù hợp với nhận thức, trình độ học vấn của người học. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thường xuyên rút kinh nghiệm để phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để chất lượng ngày càng nâng lên.

Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến Lào Cai. Người đã gửi 06 bức thư và lên thăm, nói chuyện thân mật với nhân dân và cán bộ của tỉnh vào ngày 23/91958. Tại đây, Người để lại những lời căn dặn, chỉ dẫn quý báu về mọi lĩnh vực, trong đó có công tác cán bộ người DTTS. Người nói: “Muốn công tác cán bộ tốt trong các dân tộc, trong các địa phương nhất định phải có cán bộ của dân tộc ấy.[3]

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn qua tâm đến công tác cán bộ người dân tộc thiểu số ở tất cả các khâu từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đến luân chuyển cán bộ. Trong đó, trọng tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ DTTS. Đây được Đảng bộ, chính quyền tỉnh xem là vấn đề vừa có tính trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài. Bởi theo Người, cán bộ vừa là “gốc của mọi công việc” vừa là “cầu nối” giữa tổ chức Đảng, chính quyền với Nhân dân. Đội ngũ cán bộ có trình độ, kiến thức sẽ tuyên truyền giải thích cho đồng bào hiểu rõ về mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt đời sống xã hội ở nông thôn vùng cao.

 Từ 2001-2015, Tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2001-2005”; đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, thôn bản, giai đoạn 2006-2010”; đề án “Quy hoạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong HTCT tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011-2015”…

 Giai đoạn từ 2015-2020, Tỉnh Lào Cai tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 16.379 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh là 7.358 người (cán bộ DTTS 3.352 người = 45,5% tổng số); bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước cho đội  ngũ cán bộ công chức cấp xã: 3.399 người; Bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp: 4.495 người...Do đó, chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS được nâng lên rõ rệt, hầu hết đạt chuẩn về trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng đã có sự chuyển biến về “chất” góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương.

Theo Đề án của Tỉnh ủy, từ nay đến 2025,  Lào Cai sẽ tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho khoảng 2.000 người, cụ thể: Tiến sĩ: 50 (ngành giáo dục 17; Y tế 03; Trường Cao đẳng nghề: 10; các Sở, ngành: 03; các huyện 04; trường quốc tế 03; Phân hiệu Đại học Thái Nguyên: 10), Thạc sĩ: 660 (ngành giáo dục: 400); Bác sỹ chuyên khoa: 200; tuyển chọn người xuất sắc đi học đại học: 350; học nghề: 740), trong đó: khu vực công: 1.150 người (Tiến sỹ: 50; CKII: 60; ThS: 510; CKI: 150; Đại học: 360; đào tạo nghề: 60). Khu vực tư: 850 người (Thạc sỹ: 10, ĐH: 110, Nghề: 730). Với đề án này, cán bộ DTTS được quy hoạch đào tạo theo cơ cấu chuyên ngành chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Để tiếp tục thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS, trong giai đoạn tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung vào những giải pháp sau:

            Một là, quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ DTTS ở tất cả các khâu: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển cán bộ. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng phải được coi là trọng yếu, vì theo Người: “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự học, tự rèn luyện bản thân với các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Cán bộ, đảng viên phải là những người không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt; chống những biểu hiện ngại học, lười học, học hình thức, không thực chất.

Ba là, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được kiện toàn về tổ chức bộ máy, có cơ cấu chuyên môn hợp lý, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy đảm bảo. Thường xuyên giảng viên đi học tập nâng cao trình độ, đồng thời xây dựng kế hoạch luân chuyển có thời hạn tại cơ sở để họ có kiến thức thực tế, tăng sự hiểu biết về vùng đồng bào DTTS, từ đó vận dụng vào các bài giảng được sinh động hơn.

Bốn là, không ngừng đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với tình hình mới; trang bị cho cán bộ địa phương cả về kiến thức và kĩ năng xử lý các tình huống; làm tốt công tác dân vận, thực hành dân chủ ở cơ sở.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS là “cẩm nang” quý báu để Lào Cai vận dung và làm theo, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS của tỉnh có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kì mới./.



[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 523

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, NXBCTQG,H. 2000, tr. 234-235

[3] Bác Hồ trong lòng người Yên Bái-Lào Cai, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2005, tr. 177

Lê Đình Lợi - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập