Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới
Lượt xem: 107

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”[1]. Suy rộng ra, hoạt động xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội phải luôn gắn kết chặt chẽ với tăng cường quốc phòng - an ninh và tăng cường quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội là một nhu cầu đòi hỏi tất yếu khách quan. Ở những địa bàn có vị trí chiến lược của Tổ quốc, phát triển kinh tế luôn gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh nhằm tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững. Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có trên 182 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, cửa khẩu, Lào Cai trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình trọng tâm hướng về cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, gắn với xây dựng Nông thôn mới các xã biên giới với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Đồng thời, xây dựng, cải thiện diện mạo khu vực nông thôn các xã vùng cao, biên giới theo hướng khang trang, hiện đại, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh nông thôn, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

 Với chủ trương đúng đắn và sáng tạo, hơn 30 năm qua, tỉnh Lào Cai đã đạt những thành tựu to lớn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng. Khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn được tập trung nguồn lực đầu tư có chuyển biến mạnh mẽ; các khu kinh tế, du lịch, đô thị phát triển, từng bước hình thành các vùng kinh tế động lực. Khu vực nông thôn, biên giới được ưu tiên phát triển. Kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư. Chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được triển khai hiệu quả, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

 Thương mại phát triển nhanh, Lào Cai trở thành một trong những cửa ngõ, cầu nối, trung tâm trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với Trung Quốc. Các loại hình dịch vụ tại cửa khẩu ngày càng đa dạng, phong phú. Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tăng cao, bình quân tăng 16,49%/năm; kim ngạch luôn duy trì xuất siêu, trung bình chiếm 65-70% giá trị xuất nhập khẩu. Du lịch là ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh. Hợp tác, liên kết trong và ngoài nước về du lịch được mở rộng, tạo những chuỗi sản phẩm du lịch và dịch vụ đồng bộ.

Chủ quyền biên giới luôn đảm bảo, quốc phòng được củng cố, “thế trận lòng dân” được tăng cường. Chất lượng tổng hợp và khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng, công tác huấn luyện và diễn tập khu vực phòng thủ, phòng chống lụt bão. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc, ngăn chăn và làm thất bại chiễn lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, tập trung xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng thôn bản an toàn, làm chủ, nhất là ở những địa bàn xung yếu, phức tạp. An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân trên địa bàn được phát huy. Đấu tranh hiệu quả hoạt động tuyên truyền thành lập "Nhà nước riêng"; ngăn chặn hiệu quả hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo vi phạm pháp luật. An ninh biên giới, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh mạng được bảo đảm; đấu tranh có hiệu quả, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội. Các phong trào và mô hình "Điểm sáng biên giới", "Tổ tự quản về an ninh trật tự ở khu vực biên giới", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", "Quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc"… đã được triển khai nhân rộng.

Hoạt động đối ngoại được mở rộng, hợp tác quốc tế được tăng cường toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội. Với phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa” các quan hệ, hợp tác quốc tế trở thành định hướng đối ngoại của tỉnh. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng toàn diện, tin cậy, cùng có lợi, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Quan hệ với các các địa phương nước ngoài, các vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế được mở rộng, là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ quốc tế. Hợp tác với các địa phương trong nước được đẩy mạnh….

Bên cạnh những kết quả đã đạt được về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh kể trên, những năm gần đây, trên địa bàn các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số xuất hiện những vấn đề rất đáng quan tâm đó là tội phạm ma túy, người dân sang bên kia biên giới làm thuê; khiếu kiện đông người, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, đạo lạ, tà giáo xâm nhập địa bàn… làm cho tình hình an ninh trật tự nông thôn có nơi, có lúc trở nên phức tạp. Do đó để tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự cần thiết phải gắn bó giữa các lĩnh vực kinh tế - quốc phòng - an ninh - đối ngoại. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của cán bộ đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị, mỗi xã, phường, thị trấn.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý nhà nước các cấp. Cấp ủy đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời ban hành những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương có liên quan đến nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Ba là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng - an ninh và kiến thức kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh cho toàn dân, nhưng trước hết cần cần tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Bốn là, tiếp tục đầu tư có trọng điểm vào các địa bàn chiến lược (vùng biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo) và những ngành, những lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh (nông nghiệp, công nghiệp, cửa khẩu; giao thông, bưu chính - viễn thông…). Kết hợp trong xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh.

Năm là, xác định rõ nhim vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng. Từng bước điều chỉnh sắp xếp dân cư, bố trí lại lực lượng quốc phòng - an ninh phù hợp với thực tiễn. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với xây dựng các công trình quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự, trang thiết bị… đảm bảo mỗi công trình đều có tính “lưỡng dụng” cao.

Sáu là, củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ năng lực, trách nhiệm của các cơ quan làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Bảy là, xây dựng lực lượng vũ trang vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng vừa tham gia giải quyết các nhiệm vụ xã hội, tham gia phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa nơi đóng quân nhất là những vùng khó khăn, vùng biên giới. Phát triển lực lượng dân phòng, các tổ, đội liên kết của cùng nhau bảo vệ hoạt động sản xuất và bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.

                                                                                 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, trang 157.

 

Đình Lộc
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập