Kết quả thực hiện Chỉ thị 33 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 2378

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tiếp tục được cải thiện; các chính sách về an sinh xã hội được quan tâm, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được củng cố; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vùng khó khăn so với các vùng khác trong tỉnh; mức sống và trình độ nhận thức của một bộ phận cư dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; việc cải tạo các hủ tục, tập quán lạc hậu trong một số đồng bào dân tộc vẫn chưa triệt để, đặt biệt là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra, để lại nhiều hệ lụy khiến chất lượng dân số suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh có có chiều hướng ngày càng gia tăng; Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung của Chỉ thị, đồng thời đã cụ thể hóa Chỉ thị 33-CT/TU bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Hằng năm cấp ủy các cấp đều đưa nội dung công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể hóa Chỉ thị 33-CT/TU; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-UBND, ngày 05/6/2018 quy định về trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Chỉ đạo kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống các cấp; Ban hành Kế hoạch hằng năm triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU. Qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ 33 đã đạt được một số kết quả như sau:

Công tác tuyên truyền, giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục là nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên và nhân dân về thực hiện phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp với thực tế của từng địa phương, từng đối tượng; trong đó các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật hôn nhân và Gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Cùng với đó, các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã chủ động đưa nội dung giáo dục giới tính, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép vào các môn học để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh. UBND huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức ký cam kết với ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng, các thôn, bản không xem ngày cưới cho các cặp nam - nữ chưa đủ tuổi kết hôn. Đồng thời triển khai xây dựng 5 mô hình điểm về “phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 05 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, huyện Bắc Hà, huyện Si Ma Cai) và xây dựng nhiều mô hình điểm khác như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; câu lạc bộ “Không cưới tảo hôn”;... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để cùng nhau tuyên truyền, vận động từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU gắn với Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của tỉnh, gồm 26 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh là Phó ban Chỉ đạo. Đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp mình theo quy định; đến nay 9/9 huyện, thị, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, 100% các xã đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ban Chỉ đạo các cấp đã xây dựng và sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban Chỉ đạo; hàng năm đã tham mưu cho UBND ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; duy trì tổ chức họp BCĐ định kỳ để đánh giá kết quả thực hiện. Các cấp chính quyền đã nêu cao trách nhiệm trong thực hiện quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đưa mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình, kế hoạch hoạt động của chính quyền; xây dựng, đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định… vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Hàng tháng, đều tổng hợp báo cáo tình hình và công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Tăng cường quản lý và xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua việc quản lý chặt chẽ nhân khẩu trên địa bàn, kịp thời phát hiện các cặp chưa đủ tuổi kết hôn về chung sống với nhau như vợ chồng, từ đó có các biện pháp tuyên truyền, vận động và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, với các biện pháp cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý 293 vụ, trong đó 288 vụ liên quan đến tảo hôn, 5 vụ liên quan đến hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức xét xử lưu động 53 vụ án liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...; đồng thời xây dựng phiên tòa giả định với các chủ đề “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xâm hại tình dục trẻ em”, thông qua việc xét xử lưu động và các phiên tòa giả định đã có tác dụng lớn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Công tác phối hợp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được quan tâm: Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên phối hợp trong công tác tuyên truyền vận động, giáo dục, thuyết phục hội viên, đoàn viên và nhân dân về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chấp hành chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện; xử lý các hành vi, vi phạm liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình; tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật thông qua các hội nghị tuyên vận, qua tiếp xúc, đối thoại, qua các các cuộc họp thôn, qua các buổi sinh hoạt đoàn thể... Phối hợp và giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh tại cơ sở; ngăn chặn, vận động các gia đình có dấu hiệu tổ chức cưới tảo hôn cho con; xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hộ gia đình cho con, em cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước thôn, bản. Một số xã đã chủ động phối hợp tốt trong việc thông tin cho nhau khi người dân của xã này có dấu hiệu tảo hôn liên quan đến người dân của xã kia; để cùng nhau vào cuộc ngăn chặn, vận động không tảo hôn.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời, đầy đủ các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc: Tỉnh Lào Cai đã quan tâm dành 60-65% nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đạt hiệu quả; đến nay đời sống kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực; trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho đồng bào; hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp; diện mạo nông thôn mới thay đổi với 61/127 xã hoàn thành nông thôn mới; 100% xã vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia và đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 96,7% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% số hộ được xem truyền hình; trên 95% dân số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh... Thông qua việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc; qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh. 

Mức độ hoàn thành mục tiêu của Chỉ thị về tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố: Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã kịp thời phát hiện, tổ chức tuyên truyền, vận động, ngăn chặn được 659 người có ý định tảo hôn. Tuy nhiên, trong 03 năm 2018- 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn còn 897 người tảo hôn và 05 cặp hôn nhân cận huyết thống. So với mục tiêu Chỉ thị 33-CT/TU hiện còn 02 huyện chưa đạt chỉ tiêu về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (huyện Si Ma Cai chưa đạt chỉ tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn, huyện Văn Bàn chưa đạt chỉ tiêu giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống).

Qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thi 33-CT/TU, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị có lúc, có nơi chưa thường xuyên; việc nắm bắt thông tin, phát hiện ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa kịp thời; công tác phối hợp triển khai giữa các cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên và chủ động; chế tài xử lý chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 33-CT/TU trên địa bàn tỉnh thời gian tới, các cấp các ngành cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đưa mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các cấp chính quyền và các đoàn thể tại địa phương.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ba là, triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, từng bước rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa vùng nông thôn và thành thị; giữa các dân tộc trên địa bàn.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp pháp luật về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn, người có uy tín ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Năm là, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

 

Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập