Nông dân Văn Bàn học Bác…
Lượt xem: 330

Sáng nay tôi dậy sớm, chuẩn bị cho chuyến thực tế tại Văn Bàn. Mở cửa thấy sương mù dày đặc, rét buốt, nghĩ đến quãng đường cả trăm cây số mà thấy ngại. Nhưng nghĩ đến lời hẹn, tôi nai nịt gọn gàng, cưỡi “ngựa sắt” lên đường.

Mãi hơn 9 giờ sáng những tia nắng mùa đông yếu ớt mới xua hết sương mù, những triền núi ẩn hiện, qua những thửa ruộng đã được đổ nước, làm ải, chuẩn bị cho bước xuống giống vụ Đông Xuân tôi lại nhớ chuyến về Văn Bàn dịp tháng 10, đúng mùa lúa chín. Dọc các tuyến đường của huyện từ Võ Lao, thị trấn hay Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ đến Liêm Phú là những triền ruộng miên man, vàng ruộm, thơm ngát...Tiếng máy liên hợp giòn tan đang gặt - đập để cho ra những bao lúa căng đầy. Máy móc ra đồng, không khí rất công nghiệp, mà sức máy thay cho sức người đương nhiên là hiệu quả sản xuất tăng hơn nhiều.

Mải mê ngắm cảnh, ngẫm nghĩ về những thay đổi của miền đất được mệnh danh là “nghĩa tình” này qua ca khúc của nhạc sỹ Minh Sơn, tôi đã chạm tới trung tâm huyện lỵ có cái tên cổ truyền dịu êm, xinh đẹp duyên dáng như tên thiếu nữ: thị trấn Khánh Yên. Tới nơi, tôi được tiếp cận ngay với những thông tin mới: Năm 2021, dù ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh, đã từng có thôn xã phải phong tỏa, nhưng Văn Bàn vẫn đạt tổng sản lượng lương thực có hạt hơn 33.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 42 triệu đồng, bằng 105% so với cùng kỳ..., nhiều chỉ tiêu đang đạt và vượt so với Kế hoạch chung của Đại hội Đảng bộ huyện. Phấn khởi lắm chứ.

Có được những kết quả này, cùng với vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thì sự chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn của chính người dân là yếu tố quan trọng giúp Văn Bàn phát triển ổn định trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Không chỉ cần cù trên các thửa ruộng, nương ngô, nông dân Văn Bàn còn sáng tạo, năng động trong nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và hỗ trợ các lao động khác có thu nhập ổn định.

Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Nhân (thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú), người mới được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác nhân dịp sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05của Bộ Chính trị. Theo ông Nhân, học Bác như là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước. Ông đã học Bác bằng các hành động thiết thực nhất khi tích cực cùng gia đình tăng gia, lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Những năm qua, gia đình ông đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nuôi ếch thịt, nuôi gà đẻ trứng và nuôi dế mèn. Sau khi đi tham quan, học hỏi rồi vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, 5 năm trở lại đây, các mô hình sản xuất của gia đình ông đã đi vào ổn định, cho nguồn thu không nhỏ: Trung bình mỗi năm xuất bán 5 tấn ếch thịt, đem lại nguồn thu khoảng 250 triệu đồng; với hơn 500 con gà đẻ trứng, mỗi năm cho ra đời hơn 10.000 quả trứng gà, đạt doanh thu 50 triệu đồng; riêng mô hình nuôi dế mèn mới thực hiện đầu năm 2020 nhưng đã bắt đầu bán ra thị trường khoảng 1 tấn dế, bỏ túi không dưới 200 triệu đồng. Đặc biệt, ông còn nuôi chùn quế với sản lượng 1-2 tấn/năm để lấy nguồn thức ăn cho ếch, cho gà và bán ra thị trường. Với nguồn thu trên 450 triệu mỗi năm cùng với kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, gia đình ông Nguyễn Văn Nhân đã chủ động chia sẻ, hỗ trợ các hộ trong thôn, trong xã kinh nghiệm, con giống và cả kinh phí để cùng phát triển kinh tế. Trong 4 năm vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của gia đình ông Nhân, đã có 3 hộ trong thôn thoát nghèo. Ông Nhân còn tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương bằng ngày công, bằng vật liệu với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng. Hằng năm, ông đều được công nhận và ghi danh là cá nhân tiêu biểu, xuất sắc.

Đó là gia đình bà Đỗ Thị Hà (thôn Tam Đỉnh, xã Sơn Thủy), một điển hình trong phát triển kinh tế hộ, luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để phát triển kinh tế, bà và gia đình đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc với sự phong phú về chủng loại: Từ trâu, bò, ngựa đến đà điểu, lợn, gà. Trong chăn nuôi, bà chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, với đàn bò hơn 60 con, đàn trâu 45 con, đàn đà điểu gần 200 con, đàn ngựa 20 con và nhiều lợn, gà...trung bình mỗi năm, gia đình bà có thu nhập ổn định với khoảng 500 triệu đồng. Ngoài nhân lực trong gia đình, để “phục vụ” đàn gia súc, bà đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng. Với sự gương mẫu, đi đầu, tháng 8/2020, bà Đỗ Thị Hà được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cá nhân tiểu biểu trong Đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lào Cai, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đó là gia đình ông Triệu Tòn Nhỉ (thôn Phiêng Đoóng, xã Nậm Xây). Gia đình ông được suy tôn là điển hình tiên tiến của xã Nậm Xây về phát triển kinh tế hộ. Từ kinh nghiệm chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây, năm 2016, ông mạnh dạn đầu tư và gây dựng mô hình nuôi lợn rừng. Ông đã dày công nghiên cứu các tập tính của lợn rừng như thức ăn, cách uống, tính bầy đàn, thói quen đào bới… Ông áp dụng các cách phòng tránh dịch bệnh của lợn nhà cho đàn lợn rừng. Nhờ đó, ông giảm thiểu được những rủi ro trong chăn nuôi và dần dần thành công. Hiện gia trại của ông Nhỉ thường xuyên có hơn 300 con lợn, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn thịt lợn thương phẩm, đem lại nguồn thu gần 400 triệu đồng. Từ việc sản xuất của gia đình, ông đã hỗ trợ, tạo công việc ổn định cho 5 lao động tại địa phương. Không chỉ chú trọng lao động, sản xuất, gia đình ông còn là điển hình về thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc trong thực hiện các hương ước, quy ước của địa phương, chủ động đóng góp xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ông cũng là một trong những điển hình mới đây được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cá nhân tiểu biểu trong Đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lào Cai, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều tấm gương nông dân Văn Bàn tích cực, tiêu biểu, chủ động trong học tập và làm theo Bác, làm giàu chính đáng cho bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh, chan hòa với xóm làng, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, đóng góp tích cực cho địa phương, xã hội. Nhờ có những cá nhân, hộ gia đình yêu nước đó, Văn Bàn đang vươn lên mỗi ngày, khang trang, hiện đại nơi đô thị, trù phú, no ấm nơi làng quê. Văn Bàn hiện có 10/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn trong năm 2021. Trên cơ sở đó, Văn Bàn đang xây dựng Dự thảo Đề án xây dựng huyện nông thôn mới để phấn đấu đạt được vào năm 2025.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tin rằng với ý thức tự giác của Nhân dân các dân tộc, của những nông dân chăm chỉ, cần cù, chịu khó, Văn Bàn sẽ đi những bước chắc chắn đến đích đạt chuẩn huyện nông thôn mới, để “Xuân này hơn hẳn những xuân qua...” khi đói nghèo đang từng bước được đẩy lùi bền vững.

Năm 2021 đang qua, năm 2022 và Xuân Nhâm Dần đang ngấp nghé gõ cửa, nhiều vườn đào đã lác đác những cành khoe sắc sớm, những thành quả của người nông dân Văn Bàn chắc chắn sẽ khiến cho Xuân này, vùng đất nghĩa tình Văn Bàn thêm vui tươi, phấn khởi, hân hoan...

Trương Lân - Hội VHNT tỉnh Lào Cai
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập