Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông
Lượt xem: 107

 Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là một trong những cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân tại thôn, bản. Trong những năm qua, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự tại thôn, bản.

Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông các già làng, trưởng các dòng họ, trưởng thôn, chức việc tôn giáo, thầy cúng, thầy mo, cán bộ hưu trí... Đây là những người được đông đảo đồng bào tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và khả năng tập hợp nhân dân tin tưởng nghe và làm theo. Họ không chỉ gương mẫu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn là lực lượng lượng cốt trong việc tuyên tuyền, vận động anh em, dòng họ, con cháu tại thôn, bản  đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước như: "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc", phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cải tạo tập quán lạc hậu...; người có uy tín đã tham gia ý kiến thiết thực vào chương tŕnh phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền.

Nhiều người có uy tín đã trở thành những gương sáng về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vươn lên thoát nghèo trở thành điển hình cho cộng đồng học tập, trong số tiêu biểu đó có ông Lý Xuân Lẩu, thôn Sừ Pà Phìn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai - người đã tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mận, cây lê; hiện gia đình ông đã trồng 500 cây mận, cây lê, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm; đồng thời ông đã tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chuyển sang trồng mận, lê để đem lại hiệu quả kinh tế cao và tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho người dân. Thấy được hiệu quả thực tế, bà con trong thôn đã tin tưởng làm theo ông, hiện nay mô hình trồng cây mận, lê ở thôn Sừ Pà Phìn được nhân rộng ra toàn xã. Đến nay, xã Quan Hồ Thẩn đã trồng 307 ha cây mận và lê, trong đó cây mận là 20,5 ha cho giá trị khoảng 320 triệu đồng/năm, cây lê là 44,7 ha, cho giá trị giá trị khoảng 1,34 tỷ đồng/năm.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều người có uy tín đã huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các tuyến đường liên thôn. Tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, người có uy tín đã vận động nhiều hộ gia đình trong xã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, tiêu biểu như gia đình bà Hồ Thị Dung, thôn Lùng Phìn A đã hiến trên 3000m2 đất hoa màu để xây dựng đường giao thông nông thôn; gia đình ông Hoàng Seo Sấn, thôn Mào Phìn hiến trên 4000 m2 đất để thực hiện đường tuần tra biên giới (từ mốc 117 đến mốc 131); từ đầu năm đến nay người có uy tín đã vận động nhân dân trong xã hiến đất và ngày công xây dựng mới 5 km đường liên thôn.

Người có uy tín trong đồng bào Mông còn có vai trò quan trọng trong giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trong số những người uy tín tiêu biểu đó có ông Lý A Vàng thôn Phìn Páo, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát là một điển hình. Trước thực trạng một số các hủ tục lạc hậu trên địa bàn xã vẫn còn nặng nề, nhất là trong việc cưới, việc tang, như: tảo hôn, thách cưới cao; tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày; người chết vẫn còn để lâu ngày, mổ nhiều lợn, gà, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống cho gia đình có người chết... Ông đã tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các đoàn thể đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; đến nay nhận thức của bà con trong xã đã có sự chuyển biến tích cực; các hủ tục lạc hậu từng bước được thay đổi, cơ bản đã khắc phục được các tập quá lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Trong việc cưới, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn xã Trung Lèng Hồ có 36 cặp kết hôn đều thực hiện đúng quy định của pháp luật; đồng thời người có uy tín đã phối hợp tuyên truyền, vận động thành công 9 cặp có nguy cơ tảo hôn; Trong việc tang, năm 2022 và 9 tháng năm 2023 trên địa bàn xã có 18 người chết, các gia đình có người chết đều đến trụ sở UBND xã làm thủ tục khai tử, tổ chức đám ma theo phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, các hủ tục lạc hậu trong việc tang đã được xóa bỏ.

Có rất nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu mà người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh nói riêng đã và đang đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ thực sự là lực lượng góp phần đắc lực giúp cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ sở.

                                                                             

Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập