Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Sơn Hà huyện Bảo Thắng
Lượt xem: 510

Xã Sơn Hà là xã vùng thấp của huyện Bảo Thắng với tổng diện tích đất tự nhiên là 2152ha. Mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi, đại bàn xã chạy dài theo dọc sông Hồng. Toàn xã có 1571 hộ, với 5580 nhân khẩu, gồm 12 dân tộc anh em cùng chung sống, xã có 11 thôn, 16 chi bộ. Cơ cấu các ngành kinh tế của xã (sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi chiếm 38%; sản xuất TTCN, xây dựng 30%; thương mại, dịch vụ và tiền công, tiền lương chiếm 32%). Có thể nói bước đầu triển khai thực hiện đề án xây dựng Nông thôn mới sẽ được đầu tư nhiều về kinh phí, vật chất nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên. Các tiêu chí cứng còn đạt ở mức thấp. Cụ thể sau rà soát năm 2015 đường giao thông mới đạt chuẩn 8/33km, thủy lợi mới kiên cố hóa được 11/29km, nhà văn hóa thôn mới có 6/11 nhà đạt chuẩn, 1 trường đạt chuẩn quốc gia, Trạm Y tế chưa đạt chuẩn, nhà ở dân cư mới đạt 60% chuẩn, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia mới đạt 85%, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 32,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu/người/năm, vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, hình thức tổ chức sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ…sau rà soát xã mới đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới ở mức tối thiểu.

Đảng ủy xã căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của huyện về việc xây dựng nông thôn mới nâng cao đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao sát với tình hình thực tế và mang tính thời sự. Đồng thời ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Xác định muốn xây dựng nông thôn mới thành công thì công tác tuyên truyền vận động là then chốt, phải liên tục triển khai, quán triệt sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và trong Nhân dân. Làm sao cho người dân hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình, chính người dân là chủ thể thực hiện chương trình. Ngay sau khi đề án được phê duyệt Ban chỉ đạo đã tham gia cho Đảng ủy chỉ đạo các tổ chức chính trị phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai vận động Nhân dân thực hiện từng phần việc trong Bộ tiêu chí. Quá trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm từ năm 2015-2020 đã tổ chức được 320 hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho trên 6.000 lượt người tham gia; tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở 11/11 thôn nêu gương người tốt, việc tốt. Trong tuyên truyền đã vận dụng phương thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tổ chức cam kết “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao” để các hộ tự nguyện đăng ký, kết quả có 99,7% hộ dân đồng tình chung tay thực hiện. Nhờ vậy, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mình để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, điều tạo nên sự chuyển biến và tác động mạnh, hiệu quả đến người dân đó là xã đã tổ chức tốt phong trào thi đua Chung sức xây dựng nông thôn mới trong toàn xã. Các phong trào thi đua đã được đẩy mạnh, cụ thể hóa từng nội dung, mỗi một nội dung đều có một tổ chức đoàn thể chủ trì, theo dõi, đánh giá: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã xây dựng được nhiều phong trào, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, như: Hội nông dân áp dụng các mô hình sản xuất tập trung có ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, liên kết tiêu thụ sản phẩm; phụ nữ với mô hình “5 không 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”; Đoàn thanh niên có phong trào “Chung sức bảo vệ môi trường”… Kết quả các phong trào thi đua được cập nhật thường xuyên và công bố trên hệ thống loa truyền thanh hàng tuần, công bố trong cuộc họp giao ban hàng tháng, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được đề nghị khen thưởng kịp thời, nhờ đó đã tạo nên khí thế thi đua giữa nhà với nhà, thôn với thôn, doanh nghiệp với doanh nghiệp, qua đó đã có 185 hộ dân tự nguyện hiến 68.000m2 đất để làm các công trình công cộng (trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, nghĩa trang…) Tổng số vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 261 tỷ đồng trong đó huy động được 61 tỷ 550 triệu đồng từ sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hoàng Mạnh Phúc trao đổi một số tiêu chí tổ chức thực hiện thành công cao là:

Tiêu chí Nhà nước đầu tư tiền cột, dây điện xã thành lập mỗi thôn 1 tổ tình nguyện phối hợp với điện lực Nhân dân hiến đất, bỏ công dựng cột và kéo dây…

Tiêu chí đường giao thông Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát sỏi Nhân dân bỏ công để làm đường. Đã phát động xã hội hóa trên toàn xã sau đó hỗ trợ trực tiếp vào các thôn khó khăn để hỗ trợ tiền máy móc, tiền nhân công…

Tiêu chí nhà ở dân cư sau rà soát còn 470 chưa đạt chuẩn xã đã thành lập 01 đội tình nguyện nòng cốt là Ban Công an, Quân sự và Đoàn thanh niên tổ chức giúp đỡ những hộ khó khăn nhất. Đồng thời lồng ghép các chương trình hỗ trợ nhà ở, vay vốn ưu đãi để tổ chức thực hiện.

Tiêu chí môi trường với đặc thù là xã miền núi, đồng bào sinh hoạt, chăn nuôi theo phong tục tập quán. Muốn thay đổi suy nghĩ, nếp sống là cả một quá trình. Thời gian đầu làm nhà vệ sinh xong không đi vào nhà vệ sinh. Nhân dân không có khái niệm hố rác. Tuy nhiên mưa dầm thấm lâu thì người dân đã cơ bản thay đổi nhận thức. Hố rác xây tập trung từ 7 đến 10 hộ chung một hố, chăn nuôi cũng đã tách rời ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường sống.

Hình thức tổ chức sản xuất xác định gắn với tiêu chí thu nhập và giảm nghèo. Chủ động vận động các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cùng lĩnh vực vào hợp tác xã như hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến lâm sản, gia công cơ khí… chủ động tìm đầu ra cho người dân. Tổ chức cho người dân đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm về áp dụng tại địa phương.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 48 triệu/người/năm tăng 28 triệu so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo từ 32,5% năm 2015 giảm còn 4,7% năm 2020; gia thông đã bê tông hóa và cấp phối được 33,33km đạt 100%, thủy lợi kiên cố hóa được 29/29,7km đạt 97,5%; nhà ở dân cư đã xóa và nâng cấp được 470 nhà ở đạt 99,6%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 11/11 thôn có nhà văn hóa, có 4/4 trường và trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia, 97% dân số tham gia bảo hiểm y tế; về hình thức tổ chức sản xuất, xã có nhiều liên minh hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến lâm sản, gia công cơ khí áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao hoạt động hiệu quả; làm mới được 450 nhà vệ sinh, đào và xây dựng mới được 750 hố rác; có 91% người trong tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ chỉ đạo của các cấp và sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân các dân tộc, xã Sơn Hà đang nỗ lực phấn đấu chậm nhất tháng 3/2021 được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình chỉ đạo, vận động thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, như sau:

Một là, cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị phải hiểu được bản chất của xây dựng nông thôn mới, thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đồng bộ theo quy hoạch.

Hai là, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.

Ba là, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thất nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra đột biến, sự chuyển biến rõ nét.

Bốn là, phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp, không dập khuôn máy móc.

Năm là, phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời sẽ tạo được sự khích lệ kịp thời, người dân sẽ phấn khởi nâng cao tính tự giác tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Sáu là, lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân./.

 

Thảo Nguyên
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập