Ban dân vận tỉnh ủy vấn đề dân chủ và phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 550
Xây dựng nông thôn mới là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X (Nghị quyết 26-NQ/TW) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

Quan điểm cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là: việc xây dựng nông thôn mới phải là một phong trào quần chúng rộng lớn; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, có sự tham gia tích cực chủ động của mỗi người dân; mỗi cộng đồng dân cư. Phương châm chỉ đạo là: coi cộng đồng dân cư là chủ thể, phát huy dân chủ và sự đóng góp của mỗi người dân, dựa vào dân để xây dựng nông thôn mới; người nông dân tự xây dựng là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

Vấn đề dân chủ rất quan trọng, vừa là mục tiêu vừa là động lực, là giải pháp mấu chốt, quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới lần này.

I. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ DÂN CHỦ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

1. Xã hội nông thôn dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản của nông thôn mới; một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới lần này

Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “nông nghiệp - nông dân - nông thôn” xác định rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo qui hoạch; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh nông thôn giữ vững… còn có một mục tiêu quan trọng là xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Nông thôn phải là chủ nhân của xã hội nông thôn. Các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc xây dựng nông thôn mới cũng đều xác định mục tiêu đặc trưng này. Nông thôn mới phải có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và nhất định phải có con người mới - con người làm chủ, biết vượt qua tâm lý tự ti, an phận, ỷ lại cố hữu, năng động, tự lực, tự cường vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no; đồng thời mang khát vọng làm giàu và biết làm giàu cho gia đình, thôn, bản. Xã hội nông thôn mới phải là một xã hội mà ở đó người nông dân thực sự là chủ nhân: làm chủ ruộng vườn, làm chủ sản xuất và đời sống của mình.

2. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực. Người nông dân và cộng đồng cư dân nông thôn phải là chủ thể trong nông thôn mới

Mục tiêu nông thôn mới là vì người nông dân. Nông dân xây dựng nông thôn mới là để cho bản thân, gia đình và làng xã mình. Người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, chủ nhân của nông thôn mới, thụ hưởng kết quả mang lại từ nông thôn mới. Muốn xây dựng nông thôn mới thành công rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể; nhưng vai trò quyết định lâu dài, bền vững vẫn phải thuộc về chính bản thân người nông dân. Nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới có nghĩa người nông dân phải thật sự chủ động tham gia vào quá trình này ngay từ đầu; không chỉ tham gia một, hai khâu mà phải tham gia vào tất cả các khâu trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới: từ hiến kế xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư, hiến đất, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức, tiền của, trực tiếp làm và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện.

Để xây dựng thành công nông thôn mới, nhất định phải thực hành theo cách của Bác Hồ: mọi việc dân phải được biết, được bàn, phải do chính dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Muốn vậy, “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên tổ chức toàn dân ra thi hành”. Chỉ khi nào người dân tự giác, tự  nguyện, trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới; thực sự làm chủ quá trình “đổi đời” trên quê hương mình, bằng chính nội lực của mình thì các mục tiêu xây dựng nông thôn mới mới trở thành hiện thực.

II. PHÁT HUY DÂN CHỦ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

1. Để phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới phải mở cuộc vận động dân chủ sâu rộng ở nông thôn nhằm phát động vai trò chủ thể, ý thức làm chủ của từng cộng đồng, từng gia đình, từng người dân trên tinh thần “dân vận” của Bác Hồ: “vận động lực lượng của mỗi người dân, không bỏ sót người dân nào nhằm thực hiện những việc nên làm”; làm sao để mỗi người dân thực sự hiểu mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới lần này là làm cho chính mình và chính mình phải làm; “Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.

Để phát động vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm quảng bá sâu rộng phong trào xây dựng nông thôn mới đến từng thôn, bản, từng người dân để mọi người dân hiểu được lợi ích, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới; coi xây dựng nông thôn mới là việc của chính mình, gia đình mình, mình làm cho mình; bản thân gia đình mình trực tiếp hưởng lợi, không còn tâm lý trông trờ, ỷ lại mà chủ động tham gia thực hiện.

2. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới trên cơ sở thực hiện Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH về dân chủ ở xã, phường, thị trấn, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/4/2007, trong đó quy định cụ thể về nội dung và hình thức thực hiện các quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới

2.1. Những việc chính quyền và Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới xã phải công khai cho dân biết (vận dụng Điều 5, Chương II, Pháp lệnh 34)

2.1.1. Đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới; qui hoạch xã nông thôn mới (bao gồm: qui hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất đai; qui hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có; qui hoạch thôn, bản, nhà cửa vườn tược ở từng gia đình).

2.1.2. Các dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện các công trình; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

2.1.3. Nguồn lực và việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, các loại quỹ, các khoản đầu tư để xây dựng nông thôn mới (bao gồm cả 5 nguồn: nguồn đóng góp của cộng đồng (10%); vốn đầu tư của doanh nghiệp (20%); vốn tín dụng (30%); nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (40%) - bao gồm cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn (23%) và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (17%); vốn tài trợ khác từ vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân).

2.1.4. Chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn, trợ cấp xã hội, xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp thẻ bảo hiểm y tế…

2.1.5. Nhiệm vụ quyền hạn, qui chế, kế hoạch, chương trình hoạt động của ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới xã. Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến nhân dân đối với những vấn đề chính quyền và ban quản lý chương trình nông thôn mới xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Kết quả giám sát, kiểm tra việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và hoạt động quản lý, điều hành của ban quản lý chương trình.

* Về hình thức công khai cho dân biết, thực hiện theo Điều 6, Chương II, Pháp lệnh 34. Nhất thiết phải công khai đến từng hộ gia đình, từng người dân.

2.2. Những việc nhân dân bàn bạc, tham gia ý kiến trước khi chính quyền, ban quản lý chương trình và các cấp có thẩm quyền quyết định (Vận dụng Điều 19, Chương 4, Pháp lệnh 34).

2.2.1. Đề án xây dựng nông thôn mới, qui hoạch xã nông thôn mới. Yêu cầu tất cả các khâu liên quan đến đất đai, nhà ở, sản xuất và đời sống nhân dân phải trình bày kỹ để dân hiểu rõ, lấy ý kiến đóng góp của dân ngay từ đầu và lấy ý kiến dân nhiều lần.

2.2.2. Dự kiến chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ, phương án tái định cư, phương án giải phóng mặt bằng các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới.

2.2.3. Phương án, kế hoạch thực hiện các công trình, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước (7 danh mục công trình nhà nước đầu tư 100% vốn) và các dự án đầu tư của doanh nghiệp liên quan đến các tiêu chí: công trình giao thông (đến trung tâm xã), thuỷ lợi, trường học, chợ, trạm xá, nhà văn hoá…

* Về hình thức để nhân dân tham gia ý kiến, thực hiện theo Điều 20, Chương 4, Pháp lệnh 34. Chủ tịch UBND và ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới xã chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu ý kiến và thông báo công khai với nhân dân về kết quả tiếp thu. Trường hợp chính quyền và ban quản lý chương trình quyết định khác với ý kiến đa số nhân dân thì phải nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2.3. Những việc dân bàn, quyết định và làm trực tiếp. Đây là vân đề quan trọng thiết yếu trong phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân xây dựng nông thôn mới (vận dụng Điều 10, Mục 1, Chương III, Pháp lệnh 34).

2.3.1 Người dân tự bàn bạc và quyết định những việc của gia đình và nội bộ cộng đồng như: xoá đói giảm nghèo, xây nhà tình thương, khuyến học, hiến đất mở đường, xây dựng nếp sống văn hoá, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ thuần phong mĩ tục, bài trừ tệ nạn xã hội, hoà giải… Từng hộ gia đình tự quyết định việc qui hoạch, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, hàng rào, cổng ngõ phù hợp quy hoạch chung của xã, thôn; tự bàn bạc trong gia đình thay đổi cung cách ăn ở, sản xuất; động viên gia đình con cháu tự giác thực hiện qui ước thôn, bản…

2.3.2. Người dân tự bàn bạc và quyết định trực tiếp chủ trương, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, thôn do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí. Đặc biệt là việc huy động nguồn lực đóng góp của cộng đồng (10%) để sửa sang, chỉnh trang các công trình đầu tư sản xuất của chính họ trên đất của họ và một phần tham gia vào các công trình công cộng ở xã, thôn - liên quan đến các tiêu chí: đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, nhà văn hoá thôn, bản, sân thể thao, nước sinh hoạt, nước thải dân cư, hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp… (8 danh mục Nhà nước hỗ trợ kinh phí cũng theo quy định này).

Cách thức thực hiện những việc này cần lưu ý: Một là, khi triển khai để cho người dân tự bàn bạc và quyết định cái gì làm trước cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp nguồn lực của địa phương và của Trung ương hỗ trợ cho họ để mang lại hiệu quả nhất; Hai là, thực hiện quy phạm “dân bàn và quyết định trực tiếp” trong huy động đóng góp của dân xây dựng nông thôn mới phải tuyệt đối đảm bảo tính tự nguyện và ý chí của dân; sự đồng thuận tuyệt đối của cộng đồng.

2.4. Những việc dân giám sát (vận dụng Điều 23, Chương 5, Pháp lệnh 34): Người dân phải được giám sát việc thực hiện tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới ở xã với các nội dung cụ thể sau: hoạt động của ban quản lý; việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực kinh phí: vốn dự án, vốn chương trình, các khoản nhân dân trực tiếp đóng góp; tiến độ và chất lượng thi công các công trình, dự án; việc hoàn thành các chương trình mục tiêu, các tiêu chí nông thôn mới.

* Mỗi xã thành lập 01 ban giám sát xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở gắn kết Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (theo quyết định 80/TTg). Định kỳ Ban giám sát báo cáo kết quả giám sát trước dân.

3. Xây dựng thiết chế dân chủ ở nông thôn - các cộng đồng dân cư tự quản ở thôn, bản

Thôn, bản tự quản là một hình thức dân chủ trực tiếp - ở đó cộng đồng dân cư tự quyết định, tổ chức, quản lý cuộc sống cộng đồng. Thiết chế nhân dân tự quản ở thôn (làng, bản) bao  gồm: Một là, chế độ trưởng thôn do dân bầu trực tiếp, với tư cách người đại diện chính quyền cơ sở và đại diện cộng đồng tại thôn. Hai là, thiết chế Mặt trận - đoàn thể (Ban Mặt trận thôn). Ba là, hội nghị nhân dân thôn. Bốn là, quy ước (hương ước) cộng đồng. Trong các yếu tố trên, quy ước (hương ước) cộng đồng là yếu tố công cụ tự quản quan trọng.

Vấn đề dân chủ trong xây dựng nông thôn mới rất quan trọng. Thực hành dân chủ phải trở thành ý thức thường xuyên của người nông dân, cũng như nề nếp trong mọi hoạt động của chính quyền và ban quản lý chương trình nông thôn mới ở từng xã. Phải tập cho dân thực hành dân chủ trong từng việc, tuyệt đối tránh hình thức.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã qua 8 năm, từng bước sẽ kết thúc; các tiêu chí nhanh hay chậm cũng sẽ được địa phương tổng kết hoàn thành; diện mạo nông thôn chắc hẳn sẽ có những đổi thay qua các công trình điện, đường, trường, trạm; nhưng kết quả ấy, diện mạo ấy có bền vững hay không và điều quan trọng tinh thần xã hội nông thôn mới có được hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào việc người nông dân có thực sự là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới hay không. Trong vận động hợp tác hoá nông nghiệp trước đây, ai cũng nhớ luận điểm quan trọng của Lenin “Hãy để người nông dân tự suy nghĩ trên luống cày của họ”. Hôm nay hãy để người nông dân nghĩ suy và tự quyết định công cuộc xây dựng nông thôn mới trên chính mảnh đất quê hương, làng xã thân yêu của mình./.


 Tác giả: Nguyễn Trung Tuyến
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập