Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 3964
Sau khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 15-KH/TU, ngày 10/01/2016 về triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, đồng thời chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch tổ chức, phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị  49-CT/TW phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.

Thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 49 đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác vận ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trong những năm qua Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường và đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo mỗi cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phân công một đồng chí ủy viên Ban thường vụ hoặc lãnh đạo cơ quan trực tiếp phụ trách công tác dân vận; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận theo phương châm tập trung mạnh về cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 25 - NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Kết luận số 03-KL/TW ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Quyết định số 783-QĐ/TU ngày 02/12/2013 của Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 13/12/2013 của Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh”, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 15/9/2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai”.

Các cấp chính quyền triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành; tập trung thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ công chức theo hướng gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu gây phiền hà đến nhân dân. Tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số triển khai đạt hiệu quả, như: Chương trình 135, Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 30a của Chính phủ; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ Tướng; chính sách đối với người uy tín; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Nhờ đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển dịch tích cực; trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã dần hình thành các vùng sản xuất theo hướng tập trung, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu, đến nay đã trên địa bàn tỉnh có 35 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xóa đói, giảm nghèo chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3 đến 5%/năm; năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh, từ 27,41% xuống còn 21,81% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn 29,51%). Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện; công tác giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm. Đến nay, 100% xã có điện lưới quốc gia và đường ô tô đến trụ sở UBND xã; trên 90% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 95% số hộ được xem truyền hình; trên 90% dân số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được hình thành và phát triển mạnh; Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng đồng bào DTTS; Đời sống vật chất tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, tổ chức xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, củng cố tổ chức cơ sở; đa dạng hóa các loại hình tập hợp nhân dân, hướng mạnh về cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tích cực trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương. Trong 3 năm (2016-2018) đã vận động ủng hộ quỹ vì người nghèo được 22.012.533.000đ đồng; đã hỗ trợ làm mới được 521 nhà “đại đoàn kết”, sửa chữa 466 nhà, trị giá 17.410.600.000đ; hỗ trợ học sinh nghèo đi học, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ khám chữa bệnh với số tiền 2.076.750.000đ, vận động ủng hộ quỹ cứu trợ được 14.933.570.418đ giúp đỡ đồng bào bị thiên tai; vận động nhân dân đóng góp 561.000 ngày công lao động, hiến trên 70 ha đất trong xây dựng nông thôn mới; làm mới 2.023,86km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp 1.117 hệ thống công trình thủy lợi với tổng chiều dài 4.363,8km.  

Các đơn vị lực lượng vũ trang đã tổ chức các tổ, đội công tác tăng cường về cơ sở, bám sát địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay có 20 cán bộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh được cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã; các lực lực lượng vũ trang đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, phường biên giới củng cố được 442 tổ chức; thành lập mới 23 chi bộ; cử 96 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản; Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức trên 1000 lượt cán bộ chiến sĩ xuống cơ sở tham gia hàng ngàn ngày công giúp dân xây, sửa chữa lớp học, làm đường giao thông, thủy lợi, giúp dân lao động sản xuất, khắc phục thiên tai.. qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cấp ủy luôn quan tâm củng cố hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Đến nay 100% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tổ chức Đảng; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, cán bộ người dân tộc thiểu số từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và tỷ lệ cơ cấu hợp lý; Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ dân vận cho cán bộ làm công tác dân vận; Chú trọng thực hiện công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ cho các xã vùng đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW vẫn còn một số hạn chế, tồn tại đó là:

Một số cấp ủy đảng, nhất là ở cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đội ngũ cán bộ dân vận nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng trong hệ thống chính trị tuy đã được quan tâm nhưng chất lượng và số lượng cơ cấu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thường xuyên, liên tục; Công tác nắm bắt, tổng hợp, dự báo tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Việc cải tạo các hủ tục, tập quán lạc hậu; vấn đề vệ sinh môi trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chuyển biến còn chậm; hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống phá Đảng, Nhà nước; tình trạng buôn lậu, buôn bán ma túy vẫn còn xảy ra trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc.

Hai là, Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chính sách dân tộc. Trong đó tập trung triển khai thực hiện tốt Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 18 -CT/TU, ngày 15/9/2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh.

Bốn là, Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; ngăn chặn có hiệu quả vấn đề truyền đạo trái pháp luật, tình trạng mua bán người, việc móc nối đưa người đi lao động nước ngoài bất hợp pháp.

Năm là, Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận của Đảng; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng nguồn cán bộ dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý.

Sáu là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiếu số./.


 Tác giả: Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập