Kết quả triển khai thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1442
Trong những năm qua dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành liên quan, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai, thực hiện có hiệu quả.
Thông qua việc triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo… với những kết quả nổi bật như:

Các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020: Trong những năm qua, bên cạnh việc việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương cho tỉnh để đầu tư công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, như: đường giao thông, điện sinh hoạt, nước ăn, thuỷ lợi, trường học, tram y tế, trụ sở làm việc; hàng năm tỉnh đã bố trí 65-70% nguồn kinh phí đầu tư phát triển kinh tế -  xã hội, cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã thực hiện hỗ trợ trên 10.000 hộ nghèo làm nhà ở; sắp xếp ổn định cho trên 7.000 hộ gia đình ở phân tán, rải rác, hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm, khu vực biên giới được quy tụ đến nơi ở mới. Trên 80% hộ gia đình vùng nông thôn, miền núi được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có trên 3.000 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi xuất để phát triển sản xuất. Đến nay, 100% số xã vùng nông thôn, miền núi có đường ô tô đến trung tâm, trên 80% số thôn, bản có đường giao thông, trong đó khoảng 20% đường được rải mặt cấp phối; 100% các xã trên địa bàn tỉnh đều có trường, lớp học kiên cố; 80% diện tích đất ruộng nước đã được tưới tiêu; trên 75% số hộ vùng cao được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có điện lưới quốc gia; cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển dịch tích cực. Thông qua các chính sách dân tộc người dân từng bước được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới để áp dụng và sản xuất, đã làm thay đổi căn bản suy nghĩ của đồng bào, từng bước xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó việc thực hiện các chính sách văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào; các thiết chế văn hoá được đầu tư; hệ thống phát thanh, truyền hình từ chỗ còn nhiều vùng chưa được phủ sóng đến nay đã có trên 90% người dân được nghe đài phát thanh và xem truyền hình. Các hoạt động văn hoá - thể thao được duy trì tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc; những giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tiếp tục được khôi phục bảo tồn, phát triển.

Chính sách về giáo dục và đào tạo tiếp tục được triển khai hiệu quả. Mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tiếp tục được quy hoạch, mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Đến nay, 100% xã duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 96%. Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc.

Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào đạt được những thành tựu quan trọng: Từ năm 2016 – 2018, có 811.262 lượt bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đã cấp thẻ BHYT cho 427.556 người; trong đó có 150.681 thẻ cho người nghèo, 236.398 thẻ cho người DTTS, 7.308 thẻ cho người thuộc hộ cận nghèo, 23.169 thẻ cho người vùng ĐBKK và 93.379 thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Đến nay 100% xã đã có trạm y tế; 100% thôn bản có nhân viên y tế; thực hiện tốt việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào; kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Đã nâng cao nhận thức của người dân, người ốm được đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh; từng bước xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 9.262 cán bộ công chức là người DTTS, chiếm 29,46% CBCCVC của tỉnh.

Chính sách đào tạo nghề  trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai với việc tập trung trang bị kiến thức, kỹ thuật sản xuất nông lâm - nghiệp để nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm; phát triển các nghề gia công, kỹ thuật góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào. Từ năm 2016 – 2018 đã tổ chức đào tạo nghề cho 26.280 người dân tộc thiểu số, chiếm 56,7% tổng số người tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh.

Chương trình xây dựng nông thôn mới: Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2016 -2018 là 5.261.611 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 611.640 triệu đồng; ngân sách địa phương 1.696.111 triệu đồng; vốn lồng ghép 1.505.561 triệu đồng; vốn nhân dân, doanh nghiệp đóng góp 340.820 triệu đồng; vốn khác 1.107.479 triệu đồng. Kết quả đến 2018 trên địa bàn tỉnh có 43 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 30,1% tổng số xã trên địa bàn; Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã: 11,76 tiêu chí.

Với việc triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn;  cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng đổi mới; hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được củng cố kiện toàn; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh. Những kết quả nêu trên đã mang lại chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn đó là: Nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm, đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ, có nơi chồng chéo; cơ sở hạ tầng thiết yếu một số địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số công trình, dự án đầu tư chưa hiệu quả, gây thất thoát, bức xúc trong nhân dân; Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; một số phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào chưa được xóa bỏ; Một bộ phận đồng bào dân tộc còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, chưa dám bức phá vươn lên.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau đây:

- Tiếp tục quán triệt những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc, Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chỉ thị 40-CT/TU ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện các chính sách dân tộc.

- Cụ thể hóa đồng bộ và toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hệ thống chính sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương. Tổ chức triển khai kịp thời và có hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, các dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chú trọng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Quan tâm xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy hơn nữa nội lực của đồng bào và vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc có trình độ chuyên môn và năng lực để tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề mới trong lĩnh vực công tác dân tộc.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn.

 Tác giả: Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập