A Mú Sung - Bát Xát Bảo tồn phát huy giá trị của cây chè cổ thụ ​
Lượt xem: 190

 

Xã A Mú Sung hiện có trên 95 ha cây chè, trong đó có 21,5 ha diện tích cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Những năm gần đây những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung có độ tuổi hàng trăm năm đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương. Những cây chè cổ thụ nơi đây nằm trên độ cao 700m so với mực nước biển, có đường kính từ 20 - 30cm, có những cây trên 40 cm; rêu phong bao phủ, mọc dưới tán rừng tự nhiên, năng xuất trung bình đạt 25 tạ/ha. Do chưa có kỹ thuật sao khô nên người dân chủ yếu thu hái chè búp tươi bán cho thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc với giá từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Nhằm bảo tồn và phát huy tối đa giá trị của những diện tích chè cổ thụ hiện có, xã A Mú Sung đã và đang có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, chăm sóc, phát huy giá trị của chè; tích cực tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm quý hiếm này.

Để bà con có kiến thức về chất lượng cũng như cách chăm sóc chè, vừa qua Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương mở lớp tập huấn về cách trồng và chế biến chè cho các hộ dân tại thôn Ngải Trồ. Trong đó chú trọng hướng dẫn về kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh, chế biến và quy trình sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng chè; tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và nâng cao thu nhập; có trách nhiệm đối với quá trình sản xuất và sản phẩm do mình làm ra, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Chảo San Mẩy, thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung phấn khởi nói: “Trước đây em chưa được học cách trồng và sao chè, giờ được học rồi hy vọng sau này chè sẽ tốt hơn, năng xuất cao hơn”.

Do đặc thù vùng khí hậu và chất đất đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng của cây chè nơi đây. Hiện nay 1 kg chè cổ thụ Shan tuyết ở xã A Mú Sung sau khi sao khô được bán ra thị trường với giá trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng/kg, loại hảo hạng có thể lên tới cả triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa được người dân chăm sóc, đốn tỉa đúng cách dẫn đến năng suất, sản lượng chè không phản ánh đúng như diện tích hiện có. Bảo tồn và phát triển chè cổ thụ tại thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung, tiến tới xây dựng thương hiệu chè cổ thụ, huyện Bát Xát đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nghiên cứu thực địa, xây dựng dự án hỗ trợ cải tạo toàn bộ diện tích chè cổ thụ hiện có. Hiện tại, chè cổ thụ đang được 77 hộ gia đình chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái.

Xã A Mú Sung đang tăng cường phối hợp với ngành chức năng để hỗ trợ nhân dân phát triển trồng mới diện tích chè, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, chăm sóc chè; cải tạo bằng phương pháp, cắt tỉa cành già, cành vượt để tạo tán và bón phân góp phần tăng năng suất, sản lượng chè. Bảo tồn phát triển và phục tráng giống chè cổ tại thôn Ngải Trồ để nâng cao giá trị vùng trồng chè. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè để ngày càng có nhiều người biết đến và tin dùng.

Đồng chí Lương Văn Thương, Bí thư Đảng ủy xã A Mú Sung cho biết: “ Hiện tại A Mú Sung có trên 21ha diện tích chè cổ. Tuy nhiên, trước đây nhân dân chủ yếu duy trì diện tích để thu hái hàng năm chứ không có sự đầu tư, chăm sóc. Chúng tôi xác định đây là cây trồng chủ lực của xã, do đó triển khai cho Nhân dân trước hết phải bảo tồn diện tích hiện có, hàng năm tổ chức đốn tỉa, tạo tán; cùng với đó là ủ phân chăm bón để tạo sản phẩm hữu cơ”.

Xác định cây chè thực sự trở thành cây trồng chủ lực của địa phương thì việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất từ hộ gia đình sang các hình thức khác có cách thức tổ chức sản xuất chặt chẽ hơn, khoa học hơn như các tổ hợp tác, hợp tác xã... là hết sức cần thiết. Đồng thời, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ phát triển các các sản phẩm chè truyền thống thành các sản phẩm chế biến sâu. Điều này không những nâng cao thu nhập cho người dân mà thông qua đó giúp A Mú Sung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10 - NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa” và giúp nhiều hộ dân ở xã vùng cao này có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

                                        

 

Quang Phấn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập