Bảo Yên thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở 6 tháng đầu năm 2021
Lượt xem: 1388

Ngay từ đầu năm Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ huyện Bảo Yên đã ban hành Chương trình số 09-CTr/BCĐ, ngày 17/02/2021 về công tác chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2021. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở huyện Bảo Yên đã kết quả đạt một số kết quả như sau:

 Kết qủa thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn (Theo Pháp lệnh số 34/2007/PL - UBTVQH11)

Công khai các dự án trọng điểm trên địa bàn năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025; công trình đầu tư về xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất; rà soát điều tra hộ nghèo, vay vốn phát triển sản xuất… Nhân dân đều được bàn bạc dân chủ, trực tiếp quyết định và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực; công khai các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, BHYT cho người nghèo, trợ cấp cho hộ nghèo, trẻ mồ côi, người cao tuổi, chế độ cho quân nhân phục viên, chế độ chính sách cho những người phục vụ dân quân hỏa tuyến; các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến Nhân dân được thực hiện theo mô hình “Một cửa”; việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố được Nhân dân bàn bạc dân chủ, công khai, quyết định. 

UBND các xã, thị trấn đều có bộ phận “Một cửa” để hướng dẫn, thực hiện các thủ tục, chế độ, chính sách cho Nhân dân, tiếp nhận và trả kết quả đúng thời gian quy định; thực hiện nghiêm Chỉ thị 06/CT-UBND, ngày 06/4/2015 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương đạo đức công vụ.

Thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã tạo động lực làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các xã, thị trấn trên nhiều phương diện; QCDC đã tạo ra những tác động rộng lớn hơn trong việc huy động nguồn lực từ Nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới[1]

Các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban thanh tra Nhân dân ở xã, thị trấn đã giám sát hoạt động của đại biểu HĐND, cán bộ công chức sinh sống tại khu dân cư, giám sát việc thực hiện giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát quy trình tinh gọn các chức danh cán bộ thôn, bản, tổ dân phố; giám sát quy trình sát nhập thôn, bản, tổ dân phố. 

Kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

          Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã xác định rõ trách nhiệm của mình quán triệt thực hiện dân chủ các chủ trương, chính sách, pháp luật đến với cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện quy chế dân chủ theo quy định của Nghị định.

Theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ Ban hành Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, trong 6 tháng đầu năm 2021 có 42/42 CĐCS khối các cơ quan, đơn vị, xã, Công ty, doanh nghiệp phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động đạt 100%.

Các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, thực hiện Quy tắc ứng xử, các quy chế, quy định, nội quy, thực hiện văn hóa công sở, từng bước nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần phòng, ngừa tham nhũng. Nhìn chung, việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức ngày càng được chuyển biến về mặt nhận thức; phong cách ứng xử trong hoạt động giao tiếp và thực thi công vụ giữa cán bộ công chức với công dân và doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt.

Công tác thanh tra: Thanh tra huyện đã tiến hành xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2021, quán triệt bám sát kế hoạch, thực hiện đúng trình tự các bước thanh tra. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thực hiện có trách nhiệm trong công tác tiếp nhận và tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại tổ cáo của công dân; tham mưu UBND huyện xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống tham nhũng năm 2021 với các giải pháp cụ thể đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành trong công tác phòng chống tham nhũng; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, có năng lực và trình độ chuyên môn; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 triển khai 02 cuộc thanh tra. Nội dung: Thanh tra hành chính đối với UBND xã Việt Tiến về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản và các nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước; công tác quản lý, sử dụng đất đai; Thanh tra đột xuất đối với Ban Quản lý di tích Đền Bảo Hà trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính.

Công tác tiếp dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo (số liệu tính đến 17/5/2021): Tổng số lượt tiếp: 42 lượt/44 người/39 việc (tăng 18 lượt, tăng 15 người, tăng 15 việc so cùng kỳ). Nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực đất đai, đền bù GPMBTĐC và lĩnh vực khác; Tổng số đơn tiếp nhận: 35 đơn/34 việc (giảm 07 đơn, 03 việc so cùng kỳ).

Thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán                                           bộ, công chức, viên chức”, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiểu quả”: 6 tháng đầu năm 2021 huyện Bảo Yên đã hoàn thiện thủ tục, giải quyết cho 05 trường hợp (huyện 04 người, xã 01 người) nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP, ngày 09/3/2015 của Chính phủ và 11 trường hợp (huyện 06 người, xã 05 người) thôi việc theo Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND, ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Lào Cai.

Thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ Ban hành Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, Quý II năm 2021 đã có 114/114 CĐCS khối các cơ quan, đơn vị, xã, Công ty, doanh nghiệp phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động đạt 100%. Toàn huyện có 113/114 Ban thanh tra Nhân dân (BTTND) của cơ quan, đơn vị, của các đoàn thể (01 doanh nghiệp ngoài nhà nước không có Ban Thanh tra ND). Kết quả đánh giá phân xếp của 113 BTTND khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2021: Có 96 BTTND đạt loại Tốt (85%); 16 BTTND đạt loại Khá (14,1%); 01 BTTND đạt loại Trung bình 01 (0,9%), không có BTTND yếu kém.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính thông qua cải tiến lề lối làm việc, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính; thiết lập và duy trì thường xuyên hoạt động thông tin qua đường dây nóng, từ đó việc thay đổi phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về những nội dung công việc phải công khai và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện những nội dung công khai như: Tự chủ về tài chính, quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở, quy chế quản lý tài sản công; thực hiện công khai trong mua sắm tài sản, văn phòng phẩm, các chế độ định mức tiêu chuẩn thực hiện theo quy chế, công khai theo quy định… từ đó cán bộ, công chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp

Kết quả thực hiện QCDC theo Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ; Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động: Lãnh đạo các doanh nghiệp, Ban giám đốc Công ty TNHH chủ động tổ chức hội nghị người lao động để công khai các nội dung về kế hoạch sản xuất kinh doanh, nội quy, quy chế hoạt động, công khai về tài chính, chế độ chính sách của Nhà nước với người lao động. Phát huy tốt quyền làm chủ của công nhân, người lao động trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nội quy, quy chế an toàn lao động, các chủ trương bảo đảm chính sách, quyền lợi của người lao động đối với doanh nghiệp, công ty trước khi ban lãnh đạo quyết định thực hiện. Ban Giám đốc các doanh nghiệp, đại diện người lao động bàn bạc, thỏa thuận trước khi quyết định những nội dung liên quan đến lợi ích và việc ký kết hợp đồng lao động. Qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người lao động, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động được giải quyết ngay tại hội nghị.

Tổ chức công đoàn tham gia thực hiện QCDC tại nơi làm việc: Việc thực hiện các chế độ tiền lương, bảo hiểm lao động, đóng nộp bảo hiểm y tế, thực hiện chính sách thai sản đối với công nhân. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở giúp người lao động tin tưởng vào các doanh nghiệp, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động được đảm bảo; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; quan hệ giữa các lao động trong doanh nghiệp cởi mở và đoàn kết.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như: Vai trò lãnh đạo thực hiện QCDC của một số cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn chưa thể hiện rõ trách nhiệm, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở một số nơi chất lượng công tác và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; một số thành viên Ban Chỉ đạo huyện chưa thường xuyên quan tâm, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở được phân công phụ trách. Hiệu quả hoạt động giám sát của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát cộng đồng, tổ hoà giải khu dân cư tuy có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn hạn chế nhất định về trình độ, năng lực công tác của một số cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ còn ngại va chạm…   Để phát huy kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2021:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên, công nhân viên chức và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và tác dụng thiết thực của việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Hai là, tham mưu giúp Huyện ủy tiến hành tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân theo kế hoạch tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân năm 2021.

Ba là, ban hành Kế hoạch, Quyết định kiểm tra một số chi, đảng bộ cơ sở theo Chương trình số 09-CTr/BCĐ ngày 17/02/2021 của Ban Chỉ đạo QCDC huyện về công tác chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2021.

Bốn là, phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh Lào Cai tổ chức tập huấn QCDC cho cán bộ cơ sở theo kế hoạch.

Năm là, các thành viên Ban chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra tình hình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện QCDC ở các địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo huyện./.



[1]Tính đến 6/2021 tổng số ủng hộ quy ra tiền được: 13.908,75 triệu đồng. Trong đó: Tiền mặt: 2.305 triệu đồng, Hiện vật, đất, công: 11.603,75 triệu đồng (gồm: Diện tích hiến đất 46.600m2; Ngày công lao động 37.095 công; Cây cối, hoa màu; Vật liệu xây dựng như cát, sỏi, xi măng...); Kết quả thực hiện công tác cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện ước tính đến 6/2021 như sau: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh: 424 nhà; Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh: 40 chuồng; Xóa nhà tạm dột nát: 7 hộ; Triển khai làm đường GTNT: Dự kiến kế hoạch năm 2021 tổng số 56 tuyến/ 123,77km (Trong đó:  Đường BTXM: 49 tuyến/101,57 km; Đường mở mới + rải cấp phối: 7 tuyến/ 22,2 km). Trong đó, UBND tỉnh đã giao danh mục xây dựng đường GTNTcho 02 xã Bảo Hà và Vĩnh Yên, với tổng số 22,25 km. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ và các bước theo quy trình để cấp trên thẩm định và bố trí nguồn vốn. Tính đến 6/2021: có 02 xã Bảo Hà, Vĩnh Yên đã triển khai phát động NTM đổ được khoảng 200 m đường GTNT.

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập