Cam Đường đang tiếp nối những trang sử tự hào của quê hương cách mạng
Lượt xem: 103

Ngày 10/10/1948, tại thôn Soi Lần, 8 người con ưu tú của xã Cam Đường (Thành phố Lào Cai) được kết nạp Đảng và Chi bộ nông thôn đầu tiên của tỉnh Lào Cai được thành lập đã lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc xã Cam Đường không ngừng vươn lên, đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xã Cam Đường hiện có 1.560 hộ với 5.877 khẩu với 9 dân tộc sinh sống ở 13 thôn. Năm 2014, xã Cam Đường về đích Nông thôn mới, là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Lào Cai hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, đời sống người dân trong xã không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua từng năm; 96% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 11/13 thôn đạt thôn văn hóa.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Cam Đường luôn nỗ lực triển khai các giải pháp đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của từng đảng viên.

Đảng viên Trần Văn Pảo, dân tộc Tày, 30 năm tuổi đảng ở thôn Tát, là một điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Nhiều năm trước, gia đình ông Pảo cũng gặp vô vàn khó khăn; thiếu đất, thiếu vốn để phục vụ sản xuất... Là đảng viên, ông Pảo không cam chịu đói nghèo. Khi nhà nước có chủ trương giao khoán đất trồng rừng, ông mạnh dạn nhận 7 ha đất trồng cây lâm nghiệp. Với diện tích đất được giao, ông Pảo đưa cây quế, cây mỡ, bạch đàn vào trồng. 

Đến nay, khu rừng của gia đình ông đã được hơn 10 năm tuổi, giá trị ước tính hàng tỷ đồng. Cùng với trồng rừng, ông còn mở rộng diện tích chăn nuôi, với 1.500 m2 mặt nước và chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với quy mô hàng trăm con. Hiện bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng từ rừng, chăn nuôi lợn và cá. “Không chỉ làm giàu cho gia đình, bản thân tôi cũng hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi lợn, hướng dẫn đào ao thả cá cho nhiều hộ gia đình trong thôn, trong xã”, ông Pảo cho biết.

Cũng như gia đình ông Pảo, với mô hình tổng hợp chăn nuôi, dịch vụ xay xát, hộ gia đình ông Trần Văn Thấm, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Dạ 2, mỗi năm cũng cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Nhiều năm liền gia đình ông Thấm đạt danh hiệu Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi” của thành phố Lào Cai. Ông Thấm chia sẻ thêm: “Hiện nay, Chi bộ Dạ 2 có 18 đảng viên đều thuộc diện có thu nhập khá của xã. Chúng tôi xác định, đã là đảng viên thì phải đi đầu trong mọi phong trào để bà con trong thôn, trong xã học tập và làm theo. Nhờ đó mà hiện nay, thôn Dạ 2 có 140 hộ, thì chỉ còn 2 hộ nghèo do già cả, ốm đau không lao động được”.

Theo ông Đặng Hoàng Long, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cam Đường, Đảng bộ xã hiện có 17 chi bộ, với 241 đảng viên. Nhiều năm liền, Đảng bộ đạt danh danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu". Bên cạnh việc xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, những năm qua, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội: “Chúng tôi phân công từng đồng chí cấp ủy viên phụ trách các chi bộ khu dân cư nắm bắt, rà soát, tham mưu cho cấp ủy thực hiện việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con. Trong đó, tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn để phát triển kinh tế; cụ thể như chăn nuôi thủy sản, trồng rừng… Đặc biệt, hiện nay với thực trạng đất sản xuất đang dần bị thu hẹp, xã chủ trương vận động bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng hoa, rau chuyên canh…”, ông Long cho biết.

Với hướng đi đúng, cách làm phù hợp, kinh tế - xã hội của xã Cam Đường đã có nhiều khởi sắc. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt 23 triệu đồng/người/năm, thì đến hết năm 2020 thu nhập đầu người của xã đạt 42 triệu đồng. Địa phương đang phấn đấu đến năm 2025, con số này sẽ đạt 70 triệu đồng.

Về Cam Đường hôm nay, không khó để cảm nhận được sự đổi thay, phát triển; những ngôi nhà xây dựng khang trang, kiên cố; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng… Sự đổi thay, phát triển đi lên của vùng quê cách mạng có được chính bởi sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Sự đổi thay ấy bắt nguồn từ những chủ trương, chính sách đúng đắn kết hợp với sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân. Thành tựu này là nền tảng để Cam Đường viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới./.

Hoàng Dũng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập