Công tác dân vận tham gia thúc đẩy bình đẳng giới ở tỉnh Lào Cai - Thực trạng và giải pháp
Lượt xem: 152
Bình đẳng giới luôn được các cấp các ngành tỉnh Lào Cai quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã có những đóng góp đáng ghi nhận.

Từ quan điểm chỉ đạo của tỉnh

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện với diện tích tự nhiên 6.364,25 km2, dân số hơn 746,36 nghìn người, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 49,2% dân số. Xác định công tác bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, như: Chỉ thị  số 19-CT/TU ngày 31/8/2007 của Tỉnh ủy Lào Cai về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người nghèo tỉnh Lào Cai mắc bệnh phải điều trị nội trú và phụ nữ sinh con tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; Chỉ thị số 05/2010/CT-UBND ngày 20/05/2010 của UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 3030/QĐ-UBND ngàỵ 8/11/2011 của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt Chương trình hành động về bình đẳng giới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020… Theo đó, các cấp, các ngành đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương nhằm thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong từng giai đoạn và hàng năm.
         
Những kết quả đạt được

Đến nay, công tác bình đẳng giới của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ nữ các cấp trong tỉnh cơ bản đã trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn, cơ bản ở các cấp, các ngành đã bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 14% (cấp tỉnh), 18,93% (cấp huyện), 26,54% (cấp xã); tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 38,18% (cấp tỉnh), 49,51% (cấp huyện), 37,22% (cấp xã).  Lực lượng lao động nữ từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh đạt 47,91%; trong đó, tỷ lệ lao động nữ đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt 14,16%. Tỷ lệ học sinh nữ các nhóm tuổi từ mầm non đến trung học phổ thông tăng qua các năm học và đều đạt, vượt kế hoạch. Các cơ sở y tế công lập đảm bảo được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình. Nam, nữ trên địa bàn đã bình đẳng trong thụ hưởng và tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thông tin, thể thao; tư tưởng trọng nam khinh nữ, tập quán lạc hậu trong gia đình, tình trạng bạo lực gia đình… dần được cải tạo và giảm thiểu; bản thân người phụ nữ đã tích cực phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Quyền lợi học tập, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, nuôi con của phụ nữ đã được cải thiện; vị thế, vai trò của phụ nữ được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

            Công tác dân vận trong thực hiện bình đẳng giới

          Để đạt được những kết quả trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, sự quản lý, điều hành đồng bộ của các cấp chính quyền, sự tích cực tham gia của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh; trong đó có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác vận động, tuyên truyền về bình đẳng giới luôn được quan tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, như: Biên soạn và phát hành tờ rơi, lịch bàn, sổ tay Hỏi - Đáp tìm hiểu một số quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới; xây dựng phóng sự, tin, bài, tiểu phẩm, chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về bình đẳng giới; tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trực tiếp với Nhân dân tại cơ sở về pháp luật bình đẳng giới; tổ chức các chương trình tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới; xây dựng và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với các câu lạc bộ và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã, phường, thị trấn… Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo về pháy huy vai trò của phụ nữ như: Mô hình “Thôn, bản không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”; “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”…“Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; mô hình “5 không, 3 sạch”; mô hình “Phòng, chống tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”; mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình”; mô hình lồng ghép bình đẳng giới trong hương ước, quy ước làng, bản… đã góp phần thực hiện bình đẳng giới một cách  hiệu quả. Tại các hội nghị tuyên vận hằng tháng và qua hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp với người dân của các tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về bình đẳng giới và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh…

Hệ thống dân vận các cấp luôn nắm chắc tình hình cơ sở, chủ động, tích cực tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo những vấn đề phát sinh liên quan đến bình đẳng giới. Cụ thể, trước thực trạng phụ nữ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số bỏ đi khỏi địa phương, nguyên nhân được xác định là do đời sống còn quá khó khăn cùng với những hủ tục lạc hậu về giới, người phụ nữ luôn phải chịu những thiệt thòi trong cuộc sống gia đình, do đó, người phụ nữ bỏ nhà đi để lại những hệ luỵ cho gia đình, cộng đồng và xã hội… Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã tham mưu Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 25/5/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương” và Đề án số 01-ĐA/TU về “Một số giải pháp phòng, chống tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, giai đoạn 2012-2015”. Công tác phòng, chống phụ nữ đi bỏ đi khỏi địa phương được quan tâm đẩy mạnh thực hiện với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng với các giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, môi giới lấy chồng ngước ngoài trái pháp luật. Ở các địa bàn biên giới, cấp uỷ, chính quyền xã  tổ chức vận động thực hiện ký cam kết giữa các thôn, bản với các dòng họ, từng dòng họ với các gia đình, giao ước thi đua xây dựng gia đình, địa bàn dân cư không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, nhất là các xã, thị trấn trọng điểm... Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xây dựng và nhân rộng các mô hình thôn, bản, dòng họ phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, đó là các mô hình “Dân vận khéo”, như: Mô hình“Hội phụ nữ tự quản”, “Thôn bản không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”, “Thôn, bản bình yên, gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “Không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”,... Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng, số chị em phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương đã có chiều hướng giảm rõ rệt qua các năm[1].

Nói đến bất bình đẳng giới, còn phải kể đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đây là tình trạng còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của phụ nữ, đặc biệt là làm suy giảm chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nói riêng và sự phát triển bền vững của tỉnh nói chung. Trước thực trạng đó, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời, từng bước đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phù hợp với thực tế của từng địa phương, từng đối tượng; trong đó các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình... Tăng cường nắm tình hình Nhân dân, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị tuyên vận, qua tiếp xúc, đối thoại, các buổi họp thôn; giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh tại cơ sở; phát hiện và tổ chức vận động các gia đình có dấu hiệu tổ chức tảo hôn... Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phối hợp triển khai xây dựng các “Mô hình điểm” về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện, thị xã, thành phố: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; câu lạc bộ “Không cưới tảo hôn”; “Dòng họ tự quản”; diễn đàn “Thanh niên với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”..., qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho Nhân dân[2].

 Có thể khẳng định rằng, công tác dân vận đã có những đóng góp tích cực trong việc thay đổi nhận thức về bình đẳng giới và công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh để chuyển đổi hành vi trong nhân dân về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tài liệu truyền thông còn thiếu và chưa phong phú. Tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Sự tiếp cận thông tin và nhận thức của người dân về công tác bình đẳng giới còn hạn chế, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân. Một bộ phận phụ nữ nông thôn thiếu việc làm,

          Những việc cần làm để công tác dân vận tiếp tục góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, công tác dân vận cần chú trọng những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

          Một là, tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, từng bước rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa vùng nông thôn và thành thị; giữa các dân tộc trên địa bàn. Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội  để đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển.

          Hai là, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; ngăn chặn kịp thời nguy cơ phụ nữ bị bạo lực gia đình; xoá bỏ tình trạng phụ nữ sinh đẻ tại nhà, phụ nữ sinh con trước 18 tuổi... góp phần tích cực trong công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

          Ba là, hệ thống chính trị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho Nhân dân về pháp luật bình đẳng giới; dần xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân, quan niệm sinh con cái, định kiến, rào cản về việc nâng cao trình độ học vấn, giao tiếp, chia sẻ công việc gia đình đối với phụ nữ. Đồng thời, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy ước, hương ước của thôn, bản, dòng họ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nhận thức về bình đẳng giới ngay từ cơ sở.

          Bốn là, tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo” về bình đẳng giới, tạo sức lan toả trong cộng đồng về trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện bình đẳng giới trong các cấp, các ngành, các địa phương và trong mỗi người dân.

                                                                                         


[1] Báo cáo số 282-BC/TU, ngày 24/7/2017 Tỉnh uỷ Lào Cai về đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 25/5/2012 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phong chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương: Tổng số phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương năm 2011 có 700 trường hợp đến hết tháng 12/2015 giảm xuống còn 406 trường hợp.

 

[2]  Báo cáo số 97-BC/TU, ngày 31/5/2021 của Tỉnh uỷ về sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai.Các cấp, các ngành, các địa phương đã kịp thời phát hiện, tổ chức tuyên truyền, vận động ngăn chặn được 659 người có ý định tảo hôn. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra và có chiều hướng ngày càng gia tăng; trong 03 năm 2018- 2020, trên địa bàn tỉnh có 897 người tảo hôn và 05 cặp hôn nhân cận huyết thống (năm 2018 có 287 người tảo hôn và 01 cập cận huyết thống, năm 2019 có 295 người tảo hôn và 03 cặp cận huyết thống, năm 2020 có 315 người tảo hôn và 01 cặp cận huyết thống).

 

 

Đình Lộc
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập