Đi Sa Pa lên Bản Cát Cát thăm chốn bình yên
Lượt xem: 91

Nhắc đến Sa Pa, một chốn tiên cảnh hội tụ mây, núi, đất, trời và là vùng đất kết tinh văn hóa của những con người chân chất, thấm đượm nghĩa tình; trong đó phải kể đến bản Cát Cát, một điểm dừng chân, nghỉ dưỡng của biết bao du khách khi đặt chân đến với Sa Pa. Với vẻ đẹp truyền thống của một làng vùng cao giữa đại ngàn núi rừng hùng vĩ, bản Cát Cát là một điểm đến mang vẻ đẹp bình yên của làng bản cổ xưa trong nét đơn sơ, mộc mạc hòa quyện trong từng nếp nhà, từng tấm thổ cẩm, từng nụ cười của người dân tộc Mông.

Nằm ngay dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bản Cát Cát, một ngôi làng thuộc địa phận xã San Sả Hồ, thị xã Sa Pa. Để đến được bản Cát Cát từ trung tâm thị xã Sa Pa, bạn có thể đi trên con đường bê tông với những khúc cua tay áo uốn lượn với 2 bên là những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà mộc mạc bằng gỗ lấp ló hướng thẳng về phía đỉnh núi Fansipang.

Bản Cát Cát có khoảng 80 hộ dân, đa phần các nhà dân nằm dọc theo con đường lát đá trong bản. Một số nhà khác nằm rải rác trên sườn núi. Trung tâm của Cát Cát có 3 dòng suối thơ mông: Suối Vàng, suối Bạc, suối Tiên Sa và thác Cát Cát hùng vĩ. Tiếng nước suối róc rách và tiếng thác nước đổ ngày đêm làm cho khung cảnh nơi này vừa thanh bình vừa hoang sơ.

Bên cạnh thác Tiên Sa là cầu A Lứ và cầu Si duyên dáng. với cây cối hoa lá xanh tốt bao bọc tạo nên một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp. Đứng trên cầu ngắm cảnh thật thú vị.

Xa xa là những thửa ruộng bậc thang được xếp lên nhau cao dần đến tận chân trời. Vào mùa lúa chín phủ một màu vàng óng ả trong nắng, tạo nên khung cảnh nên thơ giữa núi non hùng vĩ. Mùa đông sau mùa vụ thu hoạch, một mầu nâu cần cù của đất mẹ đầy mênh mang và ẩn hiện lẫn trong sương. Ruộng bậc thang chính là một phần bản sắc của Sa Pa, là cảnh đẹp độc đáo có ở nơi đây.

Ngoài phong cảnh xinh đẹp, bản Cát Cát còn có những nét rất đặc sắc như: Nhà ở của người Mông với kiến trúc 3 gian bằng gỗ, không gian bên trong chia làm nơi thờ cúng, nơi tiếp khách, nơi trữ lương thực, bếp đun nấu và bếp sưởi... Những ngôi nhà đơn giản, bình dị nhưng cũng nói lên bản tính phóng khoáng vốn có của người Mông. Những hôm lạnh giá, vào các ngôi nhà người dân ở bản Cát Cát, ngồi bên bếp lửa bập bùng và nghe họ kể chuyện mới thấy hết được cái thú vị của nơi này.

Trong bản Cát Cát có làng nghề thủ công truyền thống như: Nghề dệt thổ cẩm, chế tác trang sức... Đồ thổ cẩm ở đây được nhuộm từ lá rừng và tro, với nhiều hình dáng và hoa văn phong phú. Còn các món đồ trang sức được chạm đồng, bạc, nhôm cũng rất đa dạng và được các du khách yêu thích, có thể mua về làm kỷ niệm.

Người dân bản Cát Cát luôn giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền. Phụ nữ và đàn ông trong bản thường mặc những bộ trang phuc của người Mông truyền thống. Du khách còn có thể thấy các điệu múa, điệu hát, các nhạc cụ truyền thống được chơi trong bản. Vào dịp năm mới, còn có lễ hội Gầu tào để cầu phúc cho bản, rất thú vị.

Với tất cả những nét hấp dẫn trên, bản Cát Cát càng ngày càng thu hút nhiều du khách đến hơn. Sức hấp dẫn của bản làng này được gói gọn trong bốn chữ "Sơn thủy hữu tình". Có "sơn" là vì bản Cát Cát nằm giữa vùng núi rừng Tây Bắc, dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, cảnh quan hoang sơ. Có "thủy là vì nơi đây có thác, có suối nước trong vắt. Đặc biệt đến bản làng nhỏ này, du khách được gặp những con người hồn nhiên, mến khách và trọng tình.

Đến với Cát Cát không chỉ đơn thuần là một chuyến du lịch mà còn là một cuộc hành trình khám phá đầy thú vị, mới mẻ và ý nghĩa để mỗi chúng ta thêm phần yêu quê hương đất nuớc, con người Việt Nam.    

 

Gia Lâm
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập