Gìn giữ vốn cổ Dao đỏ
Lượt xem: 577

Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa khác nhau và được thể hiện qua trang phục, tiếng nói, chữ viết, nếp sống, sinh hoạt hàng ngày... Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế được cải thiện và ngày càng phát triển; sự giao thoa văn hóa trong và ngoài nước càng sâu rộng. Những yếu tố đó tác động tác động không nhỏ đến bản sắc văn hóa của các dân tộc. Dù là tác động theo chiều hướng nào thì việc gìn giữ và huy những giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai là hết sức cần thiết. Trong bài viết này tác giả muốn gửi tới độc giả một tấm gương đã miệt mài gìn giữ những giá trị văn hóa của người Dao. Ông là nghệ nhân ưu tú Triệu Nguyên Minh ở thôn Thượng, xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn, người đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2019, cụ Triệu Nguyên Minh là 1 trong 10 nghệ nhân của tỉnh Lào Cai và 561 cá nhân trong cả nước vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

  Dù đôi chân đã mỏi, mắt đã mờ, nhưng tinh thần ham học, đam mê tìm hiểu vốn cổ với một người đã ở vào tuổi 89 này vẫn luôn cháy bỏng. Cụ Triệu Nguyên Minh hàng ngày vẫn làm bạn với chiếc Radio nhỏ và những trang sách chữ Nôm Dao. Cụ thường xuyên nghe đài để trau dồi kiến thức, tham khảo cách làm hay rồi hệ thống, sắp xếp lại những giá trị trong kho tàng sách cổ theo tư duy và lôgích mới để người đọc tiếp cận một cách dễ dàng nhất.

Điều đặc biệt là cụ đến với chữ Dao, đến sách cổ của người Dao đỏ như một cơ duyên của cuộc đời. Cho đến giờ, trong tâm trí cụ vẫn không phai mờ về ký ức thủa cơ hàn. Vào những năm 1930, khi đất nước còn chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Ở vùng quê nghèo của xã Lại Trì, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình lúc bấy giờ người dân không có đủ cơm ăn, áo mặc. Cũng vì nghèo đói, bệnh tật mà cha mẹ đẻ của cụ lần lượt qua đời, để lại các con nhỏ nheo nhóc. Thương cảnh sớm mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, một người hàng xóm đã dắt cậu bé mồ côi đi theo trong một chuyến di chuyển lên vùng Tây Bắc mưu sinh. May mắn, cụ đã được một gia đình người Dao ở xã Nậm Dạng nhận làm con nuôi và cho đi ăn học. Thấy con nuôi sáng dạ, ngoan ngoãn, chăm chỉ nên bố mẹ nuôi đã động viên, khuyến khích con đi học văn hóa và học chữ Nôm Dao. Thấu hiểu được tình cảm sâu sắc của cha mẹ nuôi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn của một gia đình người dân tộc vùng cao, cậu bé ấy đã quyết tâm đi học văn hóa và theo học ngành y về công tác tại xã nhà.

Cho tới khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian, cộng với vốn kiến thức chữ Nôm Dao đã được học từ trước, cụ Minh tập trung tìm hiểu nghiên cứu sâu về tri thức, văn hóa người Dao qua những trang sách. Càng đọc nhiều càng thấy được sự phong phú, đa dạng và sâu sắc về triết lý, giáo lý dạy làm người trong những con chữ. Đây chính là động lực thôi thúc cụ không ngừng học hỏi, trao đổi thêm với những lớp người đi trước. Cho tới nay, trong tủ của cụ có hàng trăm quyển sách chữ Dao, chứa đựng đủ các nội dung. Có thể nói, trong những cuốn sách này đã hội tụ đủ về “Kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội” thông qua việc cụ tự biên soạn, sắp xếp lại một cách khoa học dựa trên cơ sở nội dung những quyển sách cũ để lại.

Về tổng quan thì chữ nôm Dao là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Ở hầu hết các gia đình người Dao đều còn giữ những cuốn sách cổ do ông cha để lại. Những cuốn sách này phản ánh mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc Dao trước đây. Thầy cúng thường được coi là trí thức của dân tộc Dao, là người lưu giữ và khai thác kho sách cổ vô cùng quý giá này. Đặc biệt sâu sắc và thấm thía là những câu chuyện cổ dạy ứng xử, dạy làm người, hướng con người vào cách sống chân, thiện, mỹ, tránh những thói hư, tật xấu, chống lại cái ác. Những câu chuyện này không những mang tính giáo dục mà còn mang tính văn học rất cao, là cẩm nang trong việc dạy dỗ con cái, tình đoàn kết anh em, biết kính trên nhường dưới, hiếu nghĩa với cha mẹ. Nội dung sách cổ thì sâu sắc, nhưng rất rộng, nên cụ Minh đã chia nhỏ thành từng phần một để dễ đọc, dễ hiều và dễ nhớ. Với cách biên soạn của cụ, người chỉ cần đọc thạo chữ Nôm là có thể hiểu và làm theo.

Khi được hỏi, cụ Triệu Nguyên Minh cho hay: Trước đây việc lưu trữ rất khó khăn, ví dụ như bài khấn gia tiên chẳng hạn, hiện nay tôi đã ghi chép đầy đủ thành một quyển riêng. Rồi đến cúng Mụ, giải hạn và nhiều nghi lễ khác đều được phân xếp loại hợp lý. Khi cần là người đọc được chữ nôm sẽ sử dụng được. Được sắp xếp khoa học dễ tìm thấy, dễ sử dụng. Khi viết thành sách như thế này sẽ thống nhất được cách sử dụng thể hiện được tính trang trọng, tôn nghiêm khi hành lễ. Hiện nay tất cả các thôn, bản ở Nậm Dạng này đều sử dụng theo sách này hết.

Sau gần 30 năm miệt mài với những trang sách cổ, cụ Triệu Nguyên Minh không những làm chủ được về những cuốn sách hay mà còn truyền dạy được nhiều lớp thế thệ trẻ trở thành thầy cúng nổi tiếng. Hầu hết các xã trong huyện Văn Bàn đều có người tới theo học cụ, riêng xã Nậm Dạng cũng đã có trên 20 người đã được cụ truyền dạy thành người làm được những lễ cúng cao nhất theo phong tục. Đó là chưa kể những người còn đang học, mới làm được những lễ nhỏ, đơn giản. Những khởi đầu tốt đẹp đó đang gieo niềm hy vọng việc truyền dạy dạy văn hóa, góp phần trong việc giúp giới trẻ Dao tiếp cận về giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa của dân tộc mình thông qua việc đọc được những cuốn sách cổ, đồng thời bảo tồn được một nét văn hóa đặc sắc của người Dao. Từ đó, những bản sắc văn hóa, giá trị tri thức của cha ông còn lưu giữ trong từng trang sách cổ sẽ dần được nghiên cứu và phát triển.

Với 8 người con trai của cụ, hiện ai cũng đã trưởng thành, ra ở riêng. Tất cả đều giỏi chữ Nôm Dao và là các thày cúng nổi tiếng; được bà con dân bản quý trọng bởi gia đình sống hạnh phúc, hiếu học, sống có đạo đức, chan hòa với cộng đồng. Riêng anh con trai út là Triệu Kim Hữu, do có thời gian học  nhiều hơn nên anh gần như thuộc hết từng chữ, từng trang sách cha mình biên soạn. Hiện nay, anh Hữu có thể sáng tác bài hát Dao bằng chữ Nôm và tự mình làm được những nghi lễ cao nhất của một thầy cúng theo truyền thống. Khi cha mình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “ Nghệ nhân ưu tú”, anh lại càng hiểu và trân trọng thêm về giá trị cũng như công sức của người cha, đã công phu gìn giữ lưu truyền vốn cổ bấy lâu và cũng là nguồn động viên lớn để anh thêm quyết tâm học tập.

Anh Triệu Kim Hữu tâm sự:  Từ bé tôi đã vừa học chữ phổ thông vừa học chữ Nôm và các nghi lễ của dân tộc mình. Hiện nay tôi đã có thế làm được nhiều loại lễ từ thấp tới cao. Tuy nhiên để hiểu được hết ý nghĩa trong kho tàng sách cổ này thì tôi còn phải cố gắng nhiều. Giờ tranh thủ bố còn khỏe thì chỉ bảo, phân tích thêm để mình còn lĩnh hội được 1 cách đầy đủ nhất. Thấy công sức của bố tôi đã được Đảng và Nhà nước vinh danh, được công nhận là Nghệ nhân ưu tú thì tôi như càng được tiếp thêm quyết tâm học tập, nghiên cứu sách cổ do cha ông để lại.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, khi việc tiếp cận ngày càng rộng rãi với các phương tiện nghe nhìn, cộng với sự giao thoa và tiếp biến giá trị văn hóa của các dân tộc, các tộc người thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng đang có nhiều cơ hội lựa chọn các giá trị văn hóa cho mình, nhằm phù hợp với điều kiện sống mới. Những giá trị mang tính bản sắc, dù bền vững cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, nếu bảo tồn không tốt sẽ có nguy cơ mai một, biến đổi. 

Trên thực tế hiện nay, những nghệ nhân, người am hiểu, cử hành được những nghi lễ trong đời sống văn hóa người Dao như cụ Triệu Nguyên Minh ở xã Nậm Dạng huyện Văn Bàn ngày càng ít đi. Một bộ phận lớp trẻ người Dao lại thờ ơ với văn hóa truyền thống, một phần không được truyền dạy một cách hệ thống nên dần bị mai một. Thêm vào đó, để phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều nghi lễ trong văn hóa của đồng bào Dao đã giản tiện đi nhiều, chính vì vậy mà ý nghĩa giáo dục, truyền tải văn hóa của dân tộc đến cộng đồng bị hạn chế. Do đó mà sự liên kết, gắn bó giữa các thế hệ trong một gia đình, trong dòng họ hay cộng đồng có nguy cơ lỏng lẻo, không bền chặt như trong truyền thống. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc  Dao. Có thể thấy rằng, trong lịch sử và phát triển của dân tộc, người Dao đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc riêng, góp phần làm cho bức tranh văn hóa cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam luôn thống nhất trong đa dạng. Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu, tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, trong đó có người Dao nói riêng đang biến đổi để thích ứng với điều kiện mới. Sự biến đổi ấy là hết sức cần thiết, bởi nó sẽ làm phong phú hơn các giá trị văn hóa, song cũng đặt ra không ít những thách thức, cần được nhìn nhận, đánh giá và tìm hướng bảo tồn một cách hiệu quả và bền vững. 

Cả chặng đường dài của cuộc đời, cụ Triệu Nguyên Minh luôn tâm huyết, tận tâm, tận tụy trong khôi phục, giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa người Dao. Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú là phần thưởng cao quý, là động lực để cụ Triệu Nguyên Minh tiếp tục truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung./.

 

Hoàng Cường - Trường Chính trị Lào Cai
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập