Lào Cai thực hành dân chủ theo di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh
Lượt xem: 529
50 năm qua, Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang. Di chúc là áng văn thể hiện cô đọng và sâu sắc nhất những tư tưởng của Người về sự nghiệp cách mạng, về công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Trong đó, tư tưởng dân chủ là một trong những nội dung cốt lõi, được Bác đặc biệt quan tâm chú trọng. Theo Người, thực hành dân chủ sẽ huy động và sử dụng được tối đa quyền hạn, lực lượng của toàn dân để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng vì lợi ích của nhân dân. Trước hết là thực hành dân chủ trong Đảng, trong Di chúc người viết “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”, vì Đảng ta là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi cách mạng thắng lợi, giành được chính quyền, Đảng ta trở thành đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo xã hội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Muốn lãnh đạo tốt, Đảng phải thực hành dân chủ.

Vấn đề dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những tư tưởng cơ bản xuyên suốt trong tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kế thừa và phát huy tư tưởng “lấy dân làm gốc” của các bậc minh quân trong lịch sử, vấn đề dân chủ ở cơ sở luôn được Bác để cập đến trong rất nhiều tác phẩm. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người khẳng định: "nước ta là nước dân chủ", "bao nhiêu lợi ích đều vì dân", "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"[1]... và Người cũng chỉ rõ: "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn"[2], hay tư tưởng về "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã được Người cập đến trong trong bài báo Dân vận, phát hành vào ngày 15/10/1949, Người viết: "Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rằng: việc đó là lợi ích cho họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Trong lúc thi hành phải theo dõi, đôn đốc, khuyến khích. Điểm thứ hai là bất kỳ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”

Thực hiện tư tưởng dân chủ của Người; nghiêm túc quán triệt, học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chi Minh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo những lời huấn thị, chỉ dẫn quý báu của Người xây dựng tinh thần đoàn kết, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo của nhân dân, động viên sức mạnh vật chất tinh thần to lớn trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Trước hết là về thực hiện dân chủ trong Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cộng cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt sự đoàn kết cả trong Đảng và trong nhân dân; trước hết là sự đoàn kết trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xác định các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Tùy theo phân cấp, mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận, thống nhất cao trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, xin ý kiến tại các hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh, sau đó mới tổ chức triển khai thực hiện tới các chi, đảng bộ cơ sở. Từ đó đã tạo sự thống nhất cao trong toàn đảng bộ, trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu, đồng thuận cao trong thực hiện. Nhờ vậy mà các nhiệm vụ đề ra đều được triển khai thực hiện tốt. Đoàn kết đã trở thành sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong trong tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định.

Về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị Trung ương Đảng về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các nghị định của Chính phủ, Pháp lệnh của Quốc hội về thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở. Các cấp ủy Đảng luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các cấp chính quyền ban hành nhiều quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện QCDC nhằm đảm bảo phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức và công dân. Cụ thể hóa các nội dung thực hiện QCDC thành các quy định, quy chế, quy ước phù hợp với tình hình thực tế, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm “gần dân, sát cơ sở”...

Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn luôn được triển khai thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc theo đúng quy định. Luôn chú trọng công tác tuyên truyền, thông báo, niêm yết công khai để nhân dân biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là công khai về thực hiện các chương trình, dự án được đầu tư, như chương trình 134, 135, NQ 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới…Các nguồn vốn được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, các khoản chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ xóa nhà tạm, các loại quỹ, các khoản đóng góp, phí và lệ phí trên địa bàn dân cư… Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính, đơn vị hành chính sự nghiệp có những chuyển biến về nhiều mặt. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ, quy chế đổi mới lề lối, phương pháp làm việc. Nhiều cơ quan, đơn vị đã có những quy định cụ thể, rõ ràng. Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan có đặc thù giải quyết công việc trực tiếp với nhân dân luôn chú trọng đảm bảo công tác cải cách thủ tục hành chính; niêm yết công khai thủ tục hành chính giải quyết công việc, mẫu đơn từ, hồ sơ, phí, lệ phí, thời gian giải quyết cho từng loại công việc. Lãnh đạo cơ quan thường xuyên kiểm tra thái độ phục vụ nhân dân cán bộ, công chức trong khi giải quyết công việc của công dân, tổ chức. Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp luôn được triển khai nghiêm túc và đồng bộ. Các doanh nghiệp luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc các nội dung cần công khai tới người lao động như: kế hoạch đầu tư sản xuất, chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quy chế tuyển dụng, đề bạt, định mức lao động, chế độ khen thưởng, hình thức kỷ luật, hoạt động tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh….

Việc thực hành dân chủ theo di chúc của Bác trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã tăng cường sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn dân, tác động tích cực đến công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Trong hơn 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bản tỉnh luôn được duy trì ổn định, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây luôn được duy trì ở mức cao, bình quân đạt 13,4%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; Thu ngân sách trên địa bàn luôn đạt ở mức tăng trưởng cao; công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả quan trọng; thu nhập và đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 5-6%/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng trong top đầu so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước….

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, tỉnh cũng xác định việc thực hiện dân chủ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần được khắc phục. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chủ trương tập trung đẩy manh thực hiện dân chủ gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp;  Chỉ thị số 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị Quy định số 08- QĐ/TU, ngày 26/3/2018 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chương trình hành động số 111-CTr/TU, ngày 16/01/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XII); với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đảm bảo thiết thực, hiệu quả... để góp phần  thực hiện có hiệu quả ý nguyện thiêng liêng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chi Minh kính yêu và hướng tới xây dựng tỉnh Lào Cai ngày một giàu, đẹp, văn minh./.       

[1] Hồ Chí Minh, 2000, tập 5, tr. 698

[2] Hồ Chi Minh, 2000, tập 12, tr. 249

 Tác giả: Thanh Bình
Thanh Bình
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập