Một số giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 5809

Tình trạng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn tồn tại và có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi hủ tục lạc hậu đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh.

Qua khảo sát và báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố từ năm 2015 đến 2020 trên địa bàn tỉnh có 2.585 trường hợp tảo hôn và 47 cặp kết hôn cận huyết thống; tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm đa số là đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao; tình trạng này xảy ra tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố; trong đó huyện Mường Khương có 482 trường hợp tảo hôn, huyện Si Ma Cai có 471 trường hợp tảo hôn và 04 cặp hôn nhân cận huyết thống, huyện Bắc Hà có 407 trường hợp tảo hôn và 10 cặp hôn nhân cận huyết thống, thị xã Sa Pa có 367 trường hợp tảo hôn và 25 cặp hôn nhân cận huyết thống, huyện Bát Xát có 303 trường hợp tảo hôn và 05 cặp hôn nhân cận huyết thống, huyện Bảo Yên có 241 trường hợp tảo hôn, huyện Văn Bàn có 190 trường hợp tảo hôn và 03 cặp hôn nhân cận huyết thống, huyện Bảo Thắng có 124 trường hợp tảo hôn.

Tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống không chỉ vi phạm quy định của Luật Hôn nhân gia đình mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống, cuộc sống, tâm sinh lí và sự phát triển thể chất của trẻ em. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành và hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra những đứa con bị suy dinh dưỡng, còi cọc, khả năng chống các bệnh tật rất kém cho nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, trí tuệ kém phát triển; là trở lực ngăn cản xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ; vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, là trái với đường lối của Đảng về “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”...

Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gia tăng trong những năm gần đây là do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu, ăn sâu vào nhận thức của người dân, chi phối trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số: Lấy vợ lấy chồng sớm để có thêm lao động, để có đông con nhiều cháu, bậc cha mẹ sớm được lên chức ông, bà… Nữ sớm có chỗ dựa, nam lấy vợ sẽ nhanh chóng trưởng thành trụ cột, sớm ra ở riêng vì còn đông em trong nhà…; trong hôn nhân cận huyết thống, đồng bào dân tộc thiểu số quan niệm cứ khác họ là lấy nhau được. Bên cạnh nhận thức của đồng bào thì năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác tuyên truyền ở tuyến cơ sở cũng còn yếu, hiệu quả chưa cao; cùng với đó các địa phương chưa có các giải pháp hữu hiệu và chế tài đủ sức răn đe nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn đang diễn ra tại địa bàn.

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: tăng cường công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các hội thảo, hội nghị, xây dựng phiên tòa giả định; tranh thủ thầy cúng, thầy mo trong công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số huyện trên địa bàn tỉnh đã ban hành nghị quyết về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà; đưa tiêu chí không tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào quy định trong hương ước các dòng họ và quy ước thôn, bản. Đến nay việc thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tiếp tục xảy ra trong đồng bào dân tộc thiểu số; đặt biệt trong năm 2020, tình trạng tảo hôn lại có chiều hướng gia tăng.

Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản giảm thiểu tình trạng tảo hôn và chấm dứt hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:

 Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng chống tảo, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thứ haiđẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung có trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, cán bộ tuyên vận xã, thôn; thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật... Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín, thầy cúng, thầy mo trong công tác tuyên truyền, vận động.

Thứ banâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là cấp xã. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng, chống tảo hôn; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; phụng dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hạn chế các luồng văn hóa ngoại lai độc hại xâm nhập vào địa bàn.

Thứ năm, đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập