Một số kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1381
Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.

Công tác tuyên truyền, vận động được xác định là một trong những giải pháp cơ bản, hữu hiệu trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, lựa chọn nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, sát với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, đơn vị phối hợp tuyên truyền, vận động các đối tượng phụ nữ (nhất là học sinh nữ từ 13- 18 tuổi), thanh niên, học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số tại vùng có nguy cơ cao xảy ra tảo hôn và các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức như: Trực tiếp đến từng thôn, từng nhóm hộ, từng nhóm dân tộc để tuyên truyền, vận động; lồng ghép nội dung tuyên truyền tại hội nghị tuyên vận hằng tháng; xây dựng tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng; tổ chức đối thoại trực tiếp với hội viên phụ nữ; hoạt động ngoại khóa trong các trường học; tổ chức các phiên tòa giả định, tọa đàm, đưa nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước của thôn; tổ chức hội nghị cho đại diện các điểm nhóm tôn giáo, trưởng dòng họ, hộ gia đình ký cam kết không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thành lập các mô hình, các câu lạc bộ điểm về “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Chính quyền các cấp nêu cao trách nhiệm trong thực hiện quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đưa mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của chính quyền. Đưa các quy định về độ tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và đảm bảo thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kịp thời phát hiện tuyên truyền, vận động, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức xét xử lưu động các vụ án liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức các phiên tòa giả định tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Si Ma Cai với các chủ đề “Nhà trường, học sinh với phòng chống bạo lực học đường”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xâm hại tình dục trẻ em”, thông qua xét xử lưu động và các phiên tòa giả định đã có tác dụng nhất định trong việc răn đe, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Ngoài những giải pháp nêu trên, việc nâng cao trình độ dân trí, chất lượng cuộc sống, văn hoá tinh thần cho Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên dành từ 60 - 65% nguồn lực đầu tư xã hội để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai hiệu quả chương trình 135, Nghị quyết 30a và các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miềm núi giai đoạn 2021-2030. Đến nay, đời sống kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và nâng lên. Cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển dịch tích cực; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, đầu tư xây dựng. Công tác giáo dục tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả; chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét và toàn diện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp với cách làm quyết liệt, bền bỉ, lâu dài. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn giảm thiểu theo từng năm: Năm 2018 còn 301 người, năm 2019 còn 275 người, năm 2020 còn 350 người, năm 2021 còn 231 người và năm 2022 còn 165 người tảo hôn.

Tuy vậy, trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, đó là: Chưa tạo được phong trào mạnh mẽ trong quần; nắm bắt thông tin, phát hiện ngăn chặn, xử lý tình trạng tảo hôn một số chính quyền cơ sở chưa thực sự kiên quyết và kịp thời. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu chưa nhận thức đầy đủ tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cán bộ cơ sở ở một số nơi còn hạn chế về kỹ năng tuyên truyền, vận động; có biểu hiện nể nang, né tránh, chưa phát huy vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền các biện pháp xử lý; các cơ quan tư pháp chưa xử lý triệt để các vụ việc liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phối hợp triển khai giữa đơn vị chủ trì và các đơn vị, sở, ngành, các cấp ủy, chính quyền có lúc chưa chủ động và thường xuyên.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, triệt để công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, cần tập trung một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong đó: Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác dân số, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chỉ đạo đảm bảo nguồn lực thực hiện công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là cấp cơ sở. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thứ hai: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống các cấp; thành lập các tổ chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở tất cả xã còn có hiện tượng tảo hôn cao.

Thứ ba: Đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông, xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường công tác tuyên truyền miệng. Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh thiếu niên không cưới tảo hôn, lồng ghép nội dung phòng, chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng, tiêu chuẩn thôn, bản, gia đình văn hóa. Ứng dụng internet, mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thứ  tư: Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm Luật hôn nhân và gia đình.

Thứ năm: Kịp thời khen thưởng, biểu dương các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hiệu quả.

                                                                                          

Vũ Văn Chung
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập