Một số kết quả sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai ​
Lượt xem: 126

Tỉnh Lào Cai có 25 thành phần dân tộc cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số của tỉnh. Xác định việc phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tỉnh ủy. Chính vì vậy, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sau 7 năm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, công tác dân tộc của tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như sau:

Nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Quan tâm đến phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), bán trú, đây cũng chính là nòng cốt cho giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số (nâng cấp 8/8 trường PTDTNT cấp huyện thành trường PTDTNT THCS&THPT; có 134 trường phổ thông trung học bán trú (PTDTBT); trong đó 56 trường PTDTBT TH, 59 trường PTDTBT THCS, 19 trường PTDTBT TH&THCS; 131 trường phổ thông có học sinh bán trú). Công tác phổ cập được duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn. Việc học xóa mù chữ đã trở thành nhu cầu thật sự của người dân, giai đoạn 2015-2020 đã xóa mù chữ cho 12.948 người, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 lên 95,2%. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 30%, mẫu giáo đạt 97%, riêng 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%, trẻ từ 6 -10 tuổi đạt 99,8%, từ 11-14 tuổi đạt 99%...

Công tác phát triển kinh tế, văn hóa, công tác xóa đói, giảm nghèo

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt giá trị kinh tế cao, như: Cánh đồng một giống lúa tại huyện Văn Bàn, lúa Séng Cù chất lượng cao tại huyện Mường Khương, Bát Xát, vùng ngô hàng hóa ở Si Ma Cai, Bắc Hà; vùng dứa, chuối ở Mường Khương; vùng quế ở Bảo Yên, Bắc Hà; vùng hoa ở Sa Pa và thành phố Lào Cai; vùng dược liệu ở Bắc Hà, Sa Pa, vùng rau trái vụ tại Sa Pa, Bát Xát. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng trang trại, gia trại, sản xuất hàng hóa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất, đến nay giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác năm 2021 đạt 80 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên 65% năm 2021. Từ năm 2014 đến nay, đã giải quyết việc làm cho 65.970 người, trong đó có 41.560 lao động là người DTTS chiếm 63%.Việc triển khai thực hiện chương trình xuất khẩu lao động trong đồng bào DTTS được quan tâm, hiện trên địa bàn tỉnh có 34 doanh nghiệp tuyển lao động của Lào Cai đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã tuyển 550 lao động (265 trường hợp là người DTTS, có 73 lao động thuộc các huyện nghèo: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai) đi lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và các nước Trung Đông. Việc xuất khẩu lao động cơ bản cho thu nhập ổn định và có tích lũy.

Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho Nhân dân vùng DTTS được quan tâm, chú trọng; mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh đến thôn, bản; cơ sở vật chất trang thiết bị được tăng cường đầu tư, xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện: Bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Văn Bàn; xây mới 50 trạm y tế, 100% các xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Công tác chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc đã có sự chuyển biến tích cực: Số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 98,6%;  tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 18%, giảm 1,9% so với năm 2015; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng, các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Số bác sỹ trên 01 vạn dân đạt 12,3; gường bệnh trên 01 vạn dân đạt 41,1; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,2% bảo đảm duy trì mức sinh thay thế.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng, trong những năm qua các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, các di sản: “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được lựa chọn lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc các dân tộc được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội "Gặt Tu Tu" của người Hà Nhì đen ở Ý Tý (Bát Xát); lễ hội tạ ơn trâu (Sừ Dề Pà) của người Bố Y; lễ hội Gầu tào của người Mông; lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy; Hội cốm của dân tộc Tày; lễ bảo vệ rừng (cấm rừng) của dân tộc Nùng, dân tộc Mông; lễ cấp sắc của người Dao; lễ hội Roóng Poọc của người Giáy...

Phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển: 100% xã và 98% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 95% số hộ được xem truyền hình; trên 95% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% xã vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia, tỷ lệ thôn bản có điện lưới quốc gia đạt 95,8%. Công tác y tế được quan tâm, có 138/138 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Văn hóa, thể thao có nhiều khởi sắc, 123/138 xã có nhà văn hóa xã, 100% các thôn bản có nhà văn hóa thôn, 113/138 xã có sân luyện tập thể thao; 99/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa. Diện mạo khu vực nông thôn thay đổi nhanh, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục được cải thiện.

Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị:

Thực hiện hiệu quả việc ghép các chức danh tại thôn bản, tổ dân phố (3 người giữ 7 chức danh), với phương châm tinh gọn nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động tại cơ sở.

Công tác phát triển đảng viên và xây dựng, củng cố chi bộ thôn bản được các cấp ủy chỉ đạo sát sao. Các tổ chức đảng đã giới thiệu và kết nạp hàng ngàn đảng viên là người DTTS, quan tâm đến phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, là người DTTS, đã kết nạp được những đảng viên là phụ nữ dân tộc Hà Nhì, Phù Lá...; đến nay, 100% thôn bản, tổ dân phố đều có đảng viên và tổ chức đảng, tổng số đảng viên ở thôn bản, tổ dân phố là 25.025 đồng chí, sinh hoạt tại 1.215 chi bộ thôn, bản, (trong đó số chi bộ thôn bản có từ 9 đảng viên trở lên là 1.024/1.215, chiếm 84,3% số chi bộ thôn bản).

Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.


 

Vũ Văn Chung
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập