Nghĩa Đô xã người Tày có trên một ngàn ngôi nhà sàn truyền thống ​
Lượt xem: 442
Những mái nhà sàn lúp xúp, cổ kính, nhuốm màu của thời gian ở xã Nghĩa Đô huyện bảo Yên đang dần hình thành bảo tàng sinh thái của cộng đồng dân tộc Tày đầu tiên của Việt Nam, nơi đây sẽ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc tày Việt Nam.

Xã Nghĩa Đô, cách trung tâm huyện Bảo Yên tầm khoảng 30km, là một vùng lòng chảo bốn bề là núi với những cánh rừng, nương quế, dòng suối Nậm Luông uốn lượn qua cánh đồng bằng phẳng như một nét vẽ điểm xuyết vào bức tranh sơn thủy hữu tình. Quả nhiên có đến đây rồi mới thấy, Nghĩa Đô đúng là một một trong những vùng nông thôn miền núi tuyệt đẹp và yên bình bậc nhất Tây Bắc.

Cộng đồng người Tày ở xã Nghĩa Đô sống quần tụ dưới những mái nhà sàn lúp xúp, cổ kính, nhuốm màu của thời gian. Khác với nhiều đồng bào ở Tây Bắc vốn quen với du canh du cư, người Tày ở xã Nghĩa Đô rất coi trọng sự ổn định. Mái nhà sàn lợp cọ trở thành nét văn hóa lâu đời, vừa là nơi cư trú vừa mang nét văn hóa đậm bản sắc. Cả xã hiện có hơn 1.000 ngôi nhà sàn đã mấy trăm năm tuổi của đồng bào dân tộc Tày qua nhiều thế hệ. Những căn nhà truyền thống được dựng bằng vật liệu sẵn có, mái lợp bằng lá cọ hoặc cỏ gianh, sàn được lát bằng tre hoặc gỗ. Giàu hay nghèo cũng là nhà năm gian, lưng tựa vào núi, mặt quay ra dòng suối Nậm Luông chảy qua cánh đồng của bản.

Về Nghĩa Đô lần này đúng dịp xã chuẩn bị cho ngày hội văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông. Dẫn chúng tôi đi thăm mấy gia đình trong bản, ông Đỗ Văn Lưu, bí thư Đảng ủy xã cho biết: Gia đình nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, ông là pho sử sống đồng thời là người lưu giữ, trao truyền những câu tục ngữ, chuyện cổ và làn điệu hát ru của người Tày. Nghe đâu ông cụ còn là người xuất bản sách nhiều nhất ở huyện Bảo Yên, chủ yếu là các cuốn sách để dạy thế hệ sau về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Cụ Sợi chia sẻ, xã người Tày Nghĩa Đô là cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời nhất nơi đây nên đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét riêng, đặc trưng không một địa phương nào có được. Đó là nhưng giá trị về tập quán xã hội, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công và lễ hội truyền thống.

Trong hệ thống các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày vùng đất Nghĩa Đô đến nay được thể hiện nhiều nhất là tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công và lễ hội truyền thống. Người Tày ở xã Nghĩa Đô hiện nay vẫn duy trì các công thức ẩm thực độc đáo; các giá trị về dân ca, dân vũ và dân nhạc, các nghề thủ công và lễ hội dân gian…

Chúng tôi ghé thăm bà Nguyễn Thị San ở bản Nà Khương. Ở tuổi 62 bà San hiện đang là chủ nhiệm hợp tác xã nghề truyền thống của xã. Bà San cho biết, Nghĩa Đô nổi tiếng với các nghề đan lát, dệt thổ cẩm, qua thời gian từng bị mai một ít nhiều, nay đang được khôi phục để giữ gìn văn hóa và phát triển du lịch. Ở Nghĩa Đô từ mấy năm nay, cán bộ, người dân học sinh đều mặc trang phục truyền thống của đồng bào.

Trò chuyện với những người như ông Sợi, bà San không những có thêm thông tin về đời sống còn hiểu được nhiều phong tục tập quán thú vị của người Tày ở Nghĩa Đô. Theo quan niệm của người Tày, nhà sàn phải được dựng các gian theo số lẻ như 3, 5, 7, cầu thang lên xuống có 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của người phụ nữ. Bếp lửa được đặt ở nơi trang trọng, vừa để sưởi ấm ngôi nhà vừa là nơi thờ thần lửa. Mỗi khi có khách quý đến nhà gia chủ phải xuống tận chân cầu thang đón mời. Gian chính giữa của mỗi ngôi nhà sàn được chọn làm nơi thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh. Không gian linh thiêng nên được giữ gìn trang nghiêm, kiêng đến gần nhất là đối với phụ nữ.

Gia đình bà San tiếp đãi chúng tôi bằng một mâm cơm truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô. Có vịt bầu cổ xanh Nghĩa Đô thơm ngon nức tiếng, có măng đắng lấy từ rừng, nộm da trâu, rau dớn, ngọn cọ, xôi ngũ sắc, cá suối, toàn là sản vật của địa phương.

Ông Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư huyện ủy Bảo Yên cho biết thêm: 1.091 ngôi nhà ở các bản Mường Kem, Nà Luông, Bản Hốc, Bản Đon, Pác Bó, Nậm Cằn, Thâm Mạ được cộng đồng bảo tồn gần như nguyên vẹn cả về kiến trúc lẫn cảnh quan. Chúng tôi đang cùng với cộng đồng tìm cách xây dựng, phát huy tiềm năng lợi thế riêng có để làm nên một Nghĩa Đô xanh, điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà cả với cộng đồng quốc tế; Đề án Bảo tồn hệ sinh thái và không gian văn hóa dân tộc Tày Tây Bắc đang được thực hiện.

Cái khác biệt Nghĩa Đô làm so với nhiều nơi khác đó là xây dựng bảo tàng sinh thái nhằm thực hiện việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên ngay tại chỗ. Sự tham gia tự nguyện và chủ động của người dân sẽ giữ vai trò nòng cốt. Chính người dân sẽ gắn việc xây dựng bảo tàng sinh thái với phát triển du lịch cộng đồng, tạo lập và duy trì sinh kế, phát triển cộng đồng một cách bền vững. Có như vậy người dân mới được tiếp cận, hưởng thụ, quản lý di sản ngay tại không gian cộng đồng dân cư đang sinh sống, sinh hoạt, lao động sản xuất. Nói nôm na, mỗi người dân Nghĩa Đô sẽ là một “kho” tài liệu sống về văn hóa bản địa, là một tuyên truyền viên để quảng bá, lan tỏa tri thức bản địa trong cộng đồng và xã hội. Thông qua việc bảo tồn, nâng tầm các giá trị văn hóa, nghề thủ công truyền thống người dân sẽ được hưởng lợi từ việc làm dịch vụ du lịch.

Thật vui khi nghe người dân nơi đây tiết lộ, vừa rồi cụm homestay Nghĩa Đô vinh dự là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam, cùng với xã Sin Suối Hồ ở Lai Châu đoạt giải thưởng ASEAN Homestay Standard giai đoạn 2023 - 2025.

 

Gia Lâm
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập