Nhiều giải pháp để đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai
Lượt xem: 100
Thời gian qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, ngành ở huyện Si Ma Cai triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Một trong những chính sách đang được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực là việc đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở, huyện Si Ma Cai đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm công tác Thông tin và Truyền thông cơ sở. Huyện đã đầu tư nâng cấp 13 đài truyền thanh không dây cho các xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, tiếp nhận chuyển về các thôn, bản hàng trăm ấn phẩm báo chí, tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới quốc gia và phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới. Ðến nay những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hợp lý, những gương điển hình về giảm nghèo, hướng dẫn ứng dụng khoa học tiến bộ trong sản xuất, chăn nuôi… thường xuyên được chuyển tải đến người dân trong huyện, đặc biệt là người dân ở vùng cao, vùng sâu đồng bào dân tộc thiểu số. Có được những thông tin về mọi mặt đã góp phần nâng cao nhận thức đồng bào; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Kinh tế của nhiều gia đình được cải thiện điển hình như: gia đình anh Lù Văn Khinh, ở thôn Na Pá, xã Bản Mế trước đây còn gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống chủ yếu dựa vào cây ngô cây lúa canh tác theo lối cũ, năng xuất thấp thu nhập bấp bênh. Cái khó, cái nghèo cứ thế bám riết lấy gia đình anh. Thế nhưng, những năm gần đây, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, qua sách, báo và các phương tiện thông tin, truyền thông khác, anh Khinh đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích từ các mô hình kinh tế trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó, gia đình anh đã áp dụng vào sản xuất, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát khỏi cái nghèo. Gặp chúng tôi anh phấn khởi nói:“Ngày xưa chỉ biết phát nương làm ruộng, chăn nuôi theo kinh nghiệm, giờ học được con chữ, lại có sách, báo, tivi để đọc, để xem và tìm hiểu, gia đình mình đã biết trồng rừng, chăn nuôi con bò, con lợn làm sao cho năng suất, chất lượng và còn biết nhiều cái hay khác để áp dụng vào cuộc sống”. Từ kiến thức đã học hỏi được anh đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển mô hình chăn nuôi gia súc và nuôi thủy sản, giúp kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển. Cũng như gia đình anh Khinh, nhiều hộ dân của thôn Na Pá cũng được tuyên truyền, hướng dẫn nhiều cách làm hay, tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế gia đình, như hộ gia đình anh Lùng Văn Thắng, thôn Na Pá, chăn nuôi ngựa bạch và trâu, nhờ vậy gia đình có nguồn thu nhập khá ổn định. Bản Mế bây giờ người dân đã biết trồng rừng kinh tế và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất các cây, con phù hợp. Nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu như gia đình ông Lèng Văn Sáng ở thôn Na Pá, bà  Giàng Thị Coi ở thôn Sín Chải, ông Vàng Văn Phương ở thôn Bản Mế.

Ông Thền Mạnh Hùng, Chủ tịch ủy ban nhân xã Bản Mế cho biết, để đạt được những kết quả như trên, thời gian qua, ngoài các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, việc đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhờ những kênh thông tin qua sách báo, tivi, đài truyền thanh cơ sở, thông tin lưu động... mà bà con đã tiếp cận được với kiến thức khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm làm ăn, gương người tốt việc tốt và đặc biệt là những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bản Mế đã tích cực nhận đất khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng, nuôi trồng những cây con phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với cương vị là Chủ tịch xã, thường xuyên tiếp xúc với bà con, vì vậy, ngoài việc trực tiếp vận động bà con lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, bản thân tôi cũng thường xuyên cập nhật, nắm bắt tin tức, kinh nghiệm làm ăn từ báo, đài, mạng Internet… để phổ biến cho bà con ở các thôn trong xã. Tôi vẫn thường nói với bà con rằng, muốn xóa đói giảm nghèo, phải nắm bắt được thông tin, thông tin phải đi trước một bước.

Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương ở  huyện Si Ma Cai luôn xác định công tác đưa thông tin về cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, huyện đã tiếp nhận và cấp phát miễn phí trên 20 đầu báo, tạp chí đến các thôn, bản. Công tác cấp phát báo, tạp chí được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như nhiều thông tin chính thống, quan trọng khác đến với người dân kịp thời, chính xác nhất. Ngoài các ấn phẩm báo chí, thông qua những kênh thông tin như: các hội nghị tuyên truyền, nói chuyện trực tiếp, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tivi, panô, áp phích, tờ rơi, v.v… cũng được các cấp, các ngành và địa phương ở Si Ma Cai chú trọng triển khai thực hiện, góp phần đưa thông tin kịp thời, chính xác và hiệu quả nhất về cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đình Nam
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập