Phát huy dân chủ, tăng cường vai trò của Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay
Lượt xem: 2920

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, trong đó, Nhân dân có vai trò vô cùng to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”[1]. Do đó phải huy động được sức mạnh của Nhân dân, dựa vào nhân dân để tiến hành đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đặt vị trí, vai trò của Nhân dân trong mối quan hệ với toàn thể hệ thống chính trị thực hiện cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Vận động Nhân dân tham gia xây dựng nhà nước là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đảng lãnh đạo Nhân dân xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Bởi, dân chủ vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong quá trình đổi mới xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN. Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” tiếp tục khẳng định và cụ thể hoá quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Đây là một vấn đề lớn và có tính chiến lược, nên ngoài việc xây dựng, hoàn thiện các bộ luật thì phải tuyên truyền, vận động Nhân dân để mọi người thực hiện theo đúng hiến pháp, pháp luật; phải tăng cường giáo dục đạo đức công dân, đạo đức làm người, hình thành một xã hội được quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ bằng luật nhưng ít người vi phạm pháp luật. Đó chính là một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Mọi người đều biết rằng, vấn đề mấu chốt của nhà nước là quyền lực và tổ chức quyền lực. Ở nước ta, quyền lực nhà nước lại thuộc về Nhân dân. Chính quyền từ trung ương đến địa phương do Nhân dân bầu ra để thay mặt Nhân dân quản lý toàn diện xã hội. Nhân dân vừa là người bầu ra chính quyền các cấp vừa là người quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của bộ máy quyền lực. Nền dân chủ XHCN tạo điều kiện cho Nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, phải “bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”[2]. Do đó, phát huy dân chủ cũng chính là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Mở rộng quyền dân chủ để nhân dân thực hiện quyền lực và quyền làm chủ đất nước, quyết định những vấn đề chủ yếu của đất nước và huy động được sức mạnh của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải đặt nhiệm vụ phục vụ Nhân dân lên trên hết, giải quyết đúng đắn các công việc liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Nhà nước có cơ chế phối hợp và bảo đảm cấc điều kiện cần thiết để MTTQ và các đoàn thể nhân dân phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; tập hợp động viên Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đối với các vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng của đất nước, cần có những hình thức thích hợp để nhân dân tham gia ý kiến. Trước khi ban hành những chủ trương, chính sách quan trọng cần chuẩn bị chu đáo, thiết thực để lấy ý kiến của Nhân dân, đảm bảo nhân dân có thể thẳng thắn đóng góp ý kiến. Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Phát huy vai trò, sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, giữa các vùng, địa phương”[3].

Từ những vấn đề lý luận trên, để phát huy hơn nữa vai trò của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, công tác dân vận cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; chú trọng tuyên truyền trực tiếp với Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là công tác tuyên truyền bằng tiếng dân tộc.

Hai là, phát huy tốt hơn và nhiều hơn quyền làm chủ của Nhân dân qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để người dân tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước, nhất là việc giám sát, kiểm tra của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan và cán bộ công chức Nhà nước

Ba là, tiếp tục tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp uỷ đảng trong việc chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong, lề lối làm việc, quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bốn là, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng phương thức dân chủ trực tiếp, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân; tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì quyền và lợi ích của Nhân dân.

Năm là, phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh.

Tóm lại, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong thời kì mới, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội phải vào cuộc, đặc biệt là phát huy dân chủ để có sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2011, tr. 232.

[2],3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII

 

Đình Lộc
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập