Thuyết phục trong công tác dân vận
Lượt xem: 984
Hiệu quả của công tác dân vận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ thể tiến hành công tác dân vận giữ vai trò quan trọng. Ở mỗi chủ thể, khả năng tiến hành công tác dân vận như thế nào, hiệu quả ra sao, là phụ thuộc vào hệ thống những phẩm chất và năng lực tiến hành, đặc biệt ảnh hưởng rõ rệt nhất chính là kỹ năng, như: thuyết phục, tuyên truyền, giáo dục, nêu gương của chủ thể...
Trong đó, kỹ năng thuyết phục như là một phẩm chất cần có, một kỹ năng đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Đó chính là mối quan hệ mật thiết, mối quan hệ nhân - quả, đồng thời thể hiện mối quan hệ tất yếu, bền vững trong một quá trình.

Trên thực tế, trong quá trình tiến hành công tác dân vận, người làm công tác dân vận phải tiếp xúc với nhiều đối tượng, với những đặc điểm về nhận thức, cảm xúc, tình cảm, thái độ hoàn toàn khác nhau đòi hỏi người làm công tác dân vận phải biết cách thuyết phục, thuyết phục thường xuyên, liên tục, phải coi đó là con đường, biện pháp cơ bản, chủ đạo khi tiến hành công tác dân vận. Trong khi đó, hiệu quả của thuyết phục vẫn còn những hạn chế nhất định, một bộ phận quần chúng nhân dân chưa tin vào Đảng, vào đội ngũ cán bộ các cấp..., một trong những lý do chính là khả năng thuyết phục chưa cao, có khi mang tính áp đặt, giáo điều hoặc dập khuôn, máy móc, gây nhiều phản cảm trong quần chúng nhân dân. Đây chính là kẽ hở mà kẻ thù thường lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo quần chúng nhân dân với chiêu bài “mị dân”, “nói dối”, “ru ngủ” quần chúng, làm cho quần chúng dễ tin, sẵn sàng quay lại chống phá cách mạng, nói xấu Đảng và Nhà nước.

Trước hết cần hiểu rõ khái niệm thuyết phục là gì?: Thuyết phục là phương pháp tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng, bằng những lời nói và việc làm sinh động, bằng các sự kiện thực tế khách quan, khiến người được thuyết phục hiểu rõ chân lý, tin ở chân lý và quyết tâm hành động theo chân lý. Thuyết phục tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng; đi vào chiều sâu tư duy bằng cách đưa ra những lập luận logic chặt chẽ; phân tích, lý giải, chứng minh; bằng các sự kiện sinh động nhằm kích thích về nhận thức, cảm xúc và tình cảm tích cực, lành mạnh của quần chúng nhân dân; tạo ra sự tự giác trong việc tiếp nhận những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cơ sở cho việc hình thành những động cơ, thói quen, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp.

 Để rèn luyện kỹ năng thuyết phục người làm công tác dân vận cần chú ý một số vấn đề sau:

Thuyết phục bằng lời nói: Trong thuyết phục, lời nói có vai trò quan trọng; là phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người; lời nói không chỉ chứa đựng nội dung mà còn phản ánh thái độ của chủ thể thuyết phục. Đặc biệt là bằng sức mạnh truyền cảm của ngôn ngữ nói để tác động vào nhận thức, tình cảm, ý chí của người khác. Hiệu quả của việc thuyết phục cũng chính là việc sử dụng tốt ngôn ngữ tác động vào đối tượng cụ thể.

Thực tế hiện nay, trong quá trình làm công tác dân vận, khi thuyết phục vẫn còn những rào cản nhất định, như: hiểu được đặc điểm tâm lý của quần chúng, biết sử dụng thành thạo ngôn ngữ vùng miền, nhất là sử dụng được tiếng dân tộc là vấn đề khá khó khăn. Người làm công tác dân vận khi thuyết phục quần chúng cần phải thật sự khéo léo, linh hoạt và sáng tạo. Đối với những dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức còn hạn chế thì chúng ta cần phải dùng ngôn ngữ mộc mạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi với mọi người, có như vậy họ mới tin tưởng, hay tâm phục, khẩu phục. Còn đối với những người có học thức, có trình độ học vấn cao hơn, có khả năng lập luận thì người thuyết phục phải bằng những luận giải sắc bén, khoa học. Trong quá trình thuyết phục, để dùng lời nói hiệu quả, người làm công tác dân vận phải biết sử dụng tổng hợp các biện pháp như: giải thích, chứng minh, bác bỏ:

Biện pháp giải thích: là lý giải cho quần chúng nhân dân hiểu rõ và nắm được bản chất của vấn đề. Giải thích được sử dụng để trình bày những nội dung thông tin mới, những kiến thức, quan điểm, quyền lợi, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm... để quần chúng hiểu và thực hiện đúng.

Biện pháp chứng minh: là dùng những dẫn chứng, sự kiện, tài liệu để chứng minh cho vấn đề mình muốn thuyết phục là đúng. Từ đó tạo lập và củng cố niềm tin, xóa đi sự nghi hoặc. Thường được sử dụng khi quần chúng còn phân vân, nghi ngờ chưa hiểu tường tận. Muốn chứng minh có tính thuyết phục cao, người làm công tác dân vận phải đưa ra được những dẫn chứng mang tính định tính và cả định lượng, tức là phải cụ thể, bằng con số, người thật, việc thật.

Biện pháp bác bỏ: trong quá trình thuyết phục phải bác bỏ những nhận thức, quan điểm, hành vi sai trái hình thành và củng cố những nhận thức, quan điểm, niềm tin đúng ở quần chúng nhân dân. Trên thực tế, một bộ phận quần chúng nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, chúng có thể dùng những lý lẽ mị dân, lừa gạt nhân dân bằng việc cho tiền bạc, phương tiện hoặc tuyên truyền văn hoá phẩm đồi trụy, xuyên tạc, nói xấu cán bộ lãnh đạo của Đảng... đánh vào tâm lý những người kém hiểu biết. Do vây, muốn bác bỏ một vấn đề nào đó không phải là dễ dàng, không thể thay đổi quan điểm chỉ trong chốc lát mà phải kiên trì, nhẫn nại chỉ rõ cho họ thấy những quan điểm sai trái đó ở chỗ nào? Hoặc những việc làm không đúng pháp luật, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ra sao.

Thuyết phục bằng việc làm: Khi tiến hành công tác dân vận muốn đạt hiệu quả cao thì không chỉ thuyết phục bằng lời nói mà phải bằng việc làm cụ thể, bằng sự kiện thực tế khách quan để xây dựng niềm tin cho quần chúng nhân dân. Vấn đề này đã được Lênin chỉ ra rằng: Đa số người ta tin vào những điều họ rút ra từ đời sống thực tế chứ họ không tin vào sách vở và những lời nói suông.

 Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu như trong thuyết phục giữa lời nói và việc làm đối lập nhau sẽ giảm hiệu lực của thuyết phục thậm chí còn gây ra hiện tượng phản giáo dục, dẫn đến hậu quả xấu trong công tác dân vận. Hồ Chí Minh cho rằng: những người phụ trách dân vận phải “miệng nói, tay làm”, họ sẵn sàng “nhúng tay vào việc”.

Người làm công tác dân vận không bao giờ sợ khó, sợ khổ, luôn phải là “kiểu mẫu” trước quần chúng nhân dân, họ phải hoà mình vào quần chúng nhân dân để cùng ăn, cùng ở, cùng làm như vậy mới có thể làm cho quần chúng tin tưởng một cách tuyệt đối.

Để làm tốt kỹ năng thuyết phục người làm công tác dân vận cần thực hiện các yêu cầu sau:

- Những nội dung, sự kiện, hoặc vấn đề đưa ra thuyết phục phải đảm bảo tính chân thực, khách quan, đúng đắn, chính xác, tránh cường điệu. Người làm công tác dân vận phải có niềm tin sâu sắc và những vấn đề sẽ thuyết phục cho quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó phải có phẩm chất mẫu mực, uy tín cao, chuyên môn giỏi, có kiến thức sâu rộng, am hiểu đặc điểm tâm lý của vùng miền, dân tộc, tính cách, nhu cầu của quần chúng.

- Người làm công tác dân vận cần có đức tính kiên trì, nhẫn nại, khéo léo, linh hoạt, gần gũi, chan hòa cởi mở với mọi người; đặc biệt gắn lời nói với việc làm. Quá trình thuyết phục phải tránh sự áp đặt, giáo điều.

- Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người làm công tác dân vận cũng phải hiểu được nguyện vọng của người dân, hiểu họ đang nghĩ gì, cần gì, giải quyết đến đâu, giải quyết như thế nào... để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tế cuộc sống. Đồng thời loại bỏ những tư tưởng lệch lạc, sai trái, cổ hủ trong suy nghĩ của họ.

- Kịp thời động viên quần chúng nhân dân, cho dù là những thành tích rất nhỏ, điều đó có tác dụng cổ vũ, động viên, tạo cho họ có tình cảm tích cực và quyết tâm hành động.

- Cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhất là lối sống trung thực, giản dị, khiêm tốn, nêu gương, gần gũi với quần chúng... Đó mới là thực chất của việc thuyết phục để làm tốt hơn công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay./. ơn nữa, phải có phẩm chất mẫu mực

                                                             

 Tác giả: Nguyễn Trung Tuyến
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập