Xã Thanh Bình vận động Nhân dân trồng Chè theo tiêu chuẩn VietGap
Lượt xem: 85

Xác định cây chè là một trong 3 cây trồng chủ lực, trong những năm qua xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất kinh doanh chè, chú trọng việc quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng chè, phân vùng nguyên liệu rõ ràng cho các cây trồng chủ lực, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến chè để tập trung phát triển, nhờ vậy chất lượng và sản lượng chè búp tươi của địa phương tăng cao. Hiện nay, diện tích chè nguyên liệu toàn xã đạt 678,7 ha, trong đó chè kinh doanh 450 ha, chè kiến thiết cơ bản 228,7 ha, tập trung nhiều ở các thôn Sín Chải, Sín Hồ, Nậm Rúp….Hiện các hộ dân đã thu hoạch xong lứa chè Xuân, là thời điểm luôn được mong chờ vì lứa chè đầu tiên trong năm bao giờ cũng có hương vị thơm ngon đặc trưng nên dù sản lượng chưa nhiều như chính vụ nhưng giá thành tốt, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

 Để đảm bảo vụ chè Xuân cho năng suất, hiệu quả kinh tế, ngay từ cuối năm 2021, chính quyền xã, cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn các hộ trồng chè của xã đã tiến hành đốn, sửa chỉnh tán chè, chuẩn bị phân bón, nhất là phân hữu cơ và tính toán thời gian đốn để bước sang vụ chè xuân thu hái chè được thuận lợi. Gia đình ông Giàng Seo Lìn thôn Sín Chải, đang tập trung nhân lực thu hoạch lứa chè đầu tiên. Ông Lìn cho biết, đầu tháng 11 âm lịch, gia đình đã tiến hành đốn cành tạo tán để cây chè hồi sinh, nảy mầm khi xuân về. Chính vì vậy, vụ thu hái chè xuân được gia đình ông và các hộ trồng chè trong thôn đặc biệt quan tâm, bởi chăm sóc ở giai đoạn này sẽ giúp cây chè hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng, cây phát triển cho năng suất cao hơn ở những lứa thu hoạch tiếp theo. Với 4 ha lứa chè xuân đầu tiên, gia đình ông thu hoạch được hơn 3.000 kg chè tươi, chè được các đơn vị thu mua với giá từ 6 đến 8 nghìn đồng/kg, tùy vào từng loại chè, như vậy lứa chè xuân đầu tiên gia đình ông thu được trên 21 triệu đồng, sau khi trừ tri phí gia đình ông thu lãi trên 15 triệu đồng ngay từ lứa chè xuân đầu tiên.

Thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TU, ngày 28/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, giai đoạn 2022-2025, xã đã xác định trong năm 2022 sẽ thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người người nông dân thực hiện hiệu quả 3 nội dung đột phá: (1) Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; (2) Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; (3) Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất. Áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao vào trồng. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022 xã đã thành lập 08 tổ Hợp tác xã và đã tổ chức cho các tổ Hợp tác xã ký kết hợp đồng thu mua chè búp tươi với các nhà máy, các cơ sở chế biến khô trên địa bàn huyện đảm bảo ổn định giá. Ngoài ra, xã cũng có nhiều giải pháp giúp các hộ dân thay đổi nhận thức trong chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi nhằm dần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu chè đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao.

Với sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền xã; sự nỗ lực, tích cực của mỗi người dân, tin rằng với việc thực hiện trồng chè theo tiêu chuẩn VIETGAP sẽ sớm giúp người dân Thanh Bình thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình./.

Huy Tường
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập