Phong trào thi đua “dân vận khéo” tỉnh Lào Cai – 10 năm nhìn lại
Lượt xem: 972
Ngay sau khi Ban Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch số 70 – KH/BDVTW ngày 26/2/2009 kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 48 – KH/TU ngày 23/3/2009 kế hoạch tổ chức phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh, theo đó Ban Dân vận Tỉnh ủy có Hướng dẫn số 06 – HD/DV ngày 8/5/2009 hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá và xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền rộng rãi các hoạt động trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại cơ sở, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn việc lựa chọn, đăng ký giới thiệu các điển hình tiên tiến, các mô hình hay. Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo chương trình, kế hoạch cụ thể thu hút tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia.

Trong quá trình triển khai thực hiện, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức phong phú như: Phối hợp các cơ quan báo chí, Đài phát thanh – truyền hình tỉnh, thành phố để xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến nội dung xây dựng điển hình “Dân vận khéo”; lồng ghép nội dung tuyên truyền “Dân vận khéo” tại các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận hằng năm cho cán bộ chủ chốt tại cơ sở; các hội nghị tuyên truyền về nông thôn mới tại các xã 30a và các Hội nghị tuyên vận tổ chức tại các xã.

Công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện phong trào thi đua luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo; các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra theo định kỳ. Hằng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác dân vận, tôn giáo và QCDC, đồng thời lồng ghép việc kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại các đảng bộ, các huyện, thành phố. Thông qua các cuộc kiểm tra đã phát hiện được những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở cũng như ở các cơ quan, đơn vị, trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó đã kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác, đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể:

 Về lĩnh vực kinh tế gắn với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững: Việc triển khai các mô hình “Dân vận khéo” đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, tập trung vào các lĩnh vực mới trong phát triển kinh tế, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chuyển đổi từ ruộng lúa nước sang đào ao thả cá; mô hình trồng cây Sa Nhân tím, thảo quả và cây tam thất tại huyện Si Ma Cai; trồng cây Atiso (xã Sa Pả, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa); trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn đen bản địa, cá chày mắt đỏ (Huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát); mô hình trồng chè sạch phát triển kinh tế hộ gia đình (huyện Mường Khương); mô hình trồng dâu nuôi tằm; mô hình ‘‘Trồng rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới” (huyện Bảo Yên). Việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia giúp công, giúp của làm đường giao thông nông thôn đã giúp nhân dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong xây dựng nông thôn mới, tính riêng từ năm 2015 đến hết năm 2018 toàn tỉnh đã huy động nhân dân tham gia tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới, thi công được 1.679 km đường giao thông nông thôn, trong đó BTXM 925,97 km, cấp phối 480,07 km, mở mới 264,55 km, làm mới 19.037 nhà tiêu hợp vệ sinh, 13.652 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh, đào được 28.936 hố rác gia đình, xây dựng được 407 mô hình nhà sạch, vườn đẹp, huy động các cơ quan, đơn vị tập thể, doanh nghiệp, nhân dân tham gia tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền mặt trên 20 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.

 Về lĩnh vực văn hóa xã hội: Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền hội viên, đoàn viên và nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh; điển hình là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các mô hình gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và “thôn văn hóa”;  các mô hình “Dòng họ không có tảo hôn”, “Cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng người Dao, người Mông”; mô hình “về cải tạo  vệ sinh môi trường nông thôn”. Các mô hình “Dân vận khéo” đều mang tính thực tế, hiệu quả tác động trực tiếp đến người dân như: mô hình cải tạo tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, vệ sinh môi trường, làm nhà tiêu hợp vệ sinh; mô hình “phòng chống thả rông gia súc”; mô hình “khu dân cư không tệ nạn xã hội”; Các câu lạc bộ về “khắp nôm”; “hát then” được duy trì và thực hiện có hiệu quả tại (huyện Bảo Thắng, Văn Bàn); các mô hình trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân của ngành y tế đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

 Về lĩnh vực an ninh, quốc phòng: Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không di cư; không vượt biên sang Trung Quốc làm thuê; phụ nữ không bỏ đi khỏi địa phương, nâng cao ý thức tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vận động nhân dân thực hiện phong trào bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, mô hình “Tổ an ninh tự quản”; mô hình “Điểm sáng khu dân cư, gia đình bình yên, hạnh phúc”; Mô hình “ Kết nghĩa thôn, bản Biên giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc, mô hình này đã được nhân rộng hiện nay có 6 cặp cụm dân cư kết nghĩa; nhiều mô hình tiêu biểu trong quân đội như: “Lực lượng dân quân vững mạnh, thôn bản bình yên”; mô hình “Tuyên truyền nhân dân không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, trong lực lượng công an nổi bật là mô hình “còn dân chờ, còn giờ làm”; …các mô hình “Dân vận khéo” bảo vệ quốc phòng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

 Về lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân; mở rộng dân chủ, phát huy tốt hơn trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân. Các mô hình về lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia với lực lượng vũ trang trong tỉnh; phối hợp tổ chức tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, bản, bảo vệ biên giới Quốc gia, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện gây rối an ninh trật tự tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Lào Cai qua 10 năm triển khai và thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cụ thể: Tính đến tháng 6/2019 toàn tỉnh đã có 5.318 mô hình và 1.640 điển hình “Dân vận khéo” (trong đó lĩnh vực phát triển kinh tế 1.735 mô hình; lĩnh vực văn hóa – xã hội 1.682 mô hình; lĩnh vực an ninh – quốc phòng 783 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị 1.118 mô hình); trong 10 năm qua đã có 1.044 tập thể, cá nhân được khen thưởng ở các cấp. Bên cạnh những kết quả đạt được phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Lào Cai vẫn còn một số hạn chế như: Phong trào chưa được thực hiện rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; một số nơi triển khai còn hình thức, việc lựa chọn nội dung, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều mô hình không phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến kết quả chưa cao. Sự phối hợp của một số ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai, tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ; điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp còn ít; việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa được như mong muốn. Với những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Lào Cai đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:

Thứ nhất, phong trào phải được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.

Thứ hai, việc xây dựng mô hình phải đem lại lợi ích, nhu cầu thiết thực, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nội dung phong trào phát động phải bám sát nghiệm vụ chính trị mà cấp ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo; việc nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đa dạng và xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu chính trị của địa phương, đơn vị.

 Thứ ba, hệ thống dân vận các cấp phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tiêu chí thi đua; chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả thực tế các mô hình, điển hình trước khi nhân ra diện rộng.

 Thứ tư, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng, khảo sát, lựa chọn mô hình “Dân vận khéo” cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo”.

Trong thời gian tới với những kinh nghiệm thực tiễn đúc kết được, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Bám sát các văn bản của Ban Dân vận Trung ương, của Tỉnh ủy về phong trào thi đua “Dân vận khéo” để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.

 Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Phối hợp với các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

Hệ thống công tác dân vận tăng cường nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV.

Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tổ chức phát động, triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” tới cán bộ công chức, viên chức. Xây dựng phong cách cán bộ hiểu dân, gần dân, trách nhiệm với dân. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ phụ trách công tác dân vận của chính quyền các cấp.

Qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, với những kết quả đã đạt được có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, một phong trào thiết thực, hiệu quả hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng tham gia, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.

 

 Tác giả: Hà Dinh
Hà Dinh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập