Một số kết quả đạt được sau 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 158-KH/TU về tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện Bảo Yên
Lượt xem: 1863

Là một huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên 82.791,25ha; Toàn huyện có 17 đơn vị hành chính, trong đó 16 xã và 01 thị trấn với 213 thôn, bản, tổ dân phố; dân số 85.876 người, với 26 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74% dân số toàn huyện. Trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ban, ngành cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn đã có bước phát triển khá, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tuy đã được quan tâm bảo tồn, phát huy, song một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống đồng bào, như: tục thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tang ma, mê tín dị đoan,... đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Thực hiện Kế hoạch 158-KH/TU, ngày 26/7/2018 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020, Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành Kế hoạch 174-KH/HU, ngày 21/9/2018 về tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020; đồng thời tổ chức quán triệt, phổ biến tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm được các nội dung Kế hoạch 158-KH/TU. Căn cứ Hướng dẫn số 13-HD/BDVTU, ngày 02/10/2018 của Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn thực hiện Kế hoạch số 158-KH/TU của Tỉnh ủy, Huyện ủy Bảo Yên đã xác định phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện cụ thể, trong đó tập trung các nội dung: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc cưới, việc tang, lễ hội; Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn căn cứ kế hoạch của Huyện ủy triển khai, thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện, Huyện ủy Bảo Yên tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành và cơ sở rà soát, lựa chọn những tập quán còn lạc hậu trong từng dân tộc đang cản trở và ảnh hưởng không tốt đến tiến trình xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền, vận động Nhân dân từng bước cải tạo hoặc xóa bỏ; Chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện tổ chức gặp mặt những người có uy tín, đội ngũ thầy mo, thầy cúng trong đồng bào dân tộc thiểu số để bàn các giải pháp cải tạo tập quán lạc hậu; Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy và các ngành liên quan biên soạn tài liệu tuyên truyền, vận động cải tạo tập quán lạc hậu lồng gắn với hội nghị báo cáo viên và nội dung hoạt động của Ban tuyên vận, tổ tuyên vận hàng tháng; Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa thể thao - Truyền thông xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về việc cưới, việc tang, trong sinh hoạt đời sống, kịp thời biểu dương các mô hình thực hiện tốtphê phán những hành vi chưa tốt trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở địa phương. Qua 02 năm chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch 158-KH/TU, huyện Bảo Yên đã đạt được một số kết quả như sau:

Trong việc cưới: Các hủ tục lạc hậu trong việc cưới của đồng bào các dân tộc như tục thách cưới cao đã giảm đáng kể. Tục ép hôn, gả bán đã được loại bỏ; Đặc biệt dân tộc Mông đã xóa bỏ được tục kéo vợ. Các cặp kết hôn trong độ tuổi đã thực hiện kết hôn đúng luật hôn nhân và gia đình. Tình trạng tảo hôn đã có xu hướng giảm dần và không còn hôn nhân cận huyết thống, cụ thể: Tảo hôn đã giảm từ 44 trường hợp năm 2017 xuống còn 27 trường hợp năm 2018 và năm 2019 giảm còn 24 trường hợp; 7 tháng đầu năm 2020 còn 9 trường hợp. Trong tổ chức đám cưới đã thực hiện theo nếp sống văn minh, phù hợp với đời sống kinh tế của từng gia đình và địa phương; Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã hạn chế việc tổ chức "bữa nháp" mời nhiều người gây lãng phí.

Trong việc tang: Với sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, đến nay trên địa bàn huyện nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào cơ bản đã thay đổi hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật trong đám tang sang các hình thức khác phù hợp hơn; cải tạo việc chôn (mai táng) người chết quá nông; hạn chế thực hiện lễ “Ra nắng” cho người chết trong một số dòng họ trong đồng bào dân tộc Mông; hạn chế mổ trâu trong đám tang, vừa góp phần chống lãng phí, vừa không phải thực hiện lễ “Ra nắng” trong đám tang. Thời gian tổ chức lễ tang đã được rút gọn, không còn tổ chức đám tang dài ngày. Ở trung tâm thị trấn, các tổ dân phố Nhân dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để căng phông rạp; giảm thiểu việc ăn uống, không khóc thuê trong đám tang, không mở loa to, không đốt, giải vàng mã xuống đường gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của cư dân. Trong đồng bào dân tộc Nùng, Giáy, Dao đã tuyên truyền, vận động được các thầy mo, thầy cúng rút ngắn được bài cúng trong đám tang. Hiện nay tại các thôn, bản trên địa bàn đã thành lập được ban lễ tang với nhiệm vụ giúp đỡ, phối hợp cùng các gia đình tổ chức tang lễ cho người chết theo đúng quy ước, hương ước; Tại mỗi thôn, bản đều quy hoạch, bố trí nơi chôn cất tập trung cách xa khu dân cư, nguồn nước đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trong lễ hội: Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện như: Tết Nguyên đán; lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày; lễ hội cúng rừng của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông… được tổ chức với nội dung phong phú, lành mạnh, vui vẻ, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Đặc biệt là lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao đã được rút ngắn thời gian, không còn tình trạng giết mổ nhiều gia súc gây tốn kém, lãng phí và kéo dài nhiều ngày. Trong các lễ hội không còn tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, vụ lợi...; không tổ chức các hoạt động trái với truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong sinh hoạt đời sống: Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tích cực vận động Nhân dân làm chuồng trại nuôi nhốt, không thả rông gia xúc, chủ động thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng, chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn, ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây rau, quả trái vụ nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác; vận động Nhân dân giảm thiểu và chấm dứt tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, hạn chế ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước; vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa sạch để phát triển bền vững. Các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “5 không, 3 sạch” của Hội phụ nữ, các hoạt động cải tạo cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp của Đoàn thanh niên... đã góp phần tuyên truyền rộng rãi tới bà con Nhân dân trong thôn, bản và các xã về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện tốt vệ sinh môi trường nông thôn; tổ chức tốt việc thu gom rác thải, xử lý chất thải từ sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt của Nhân dân đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền, vận động tại một số cơ sở còn chung chung, chưa xác định được nội dung cụ thể cần cải tạo của địa phương, dân tộc mình; Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chưa nắm bắt được đặc điểm, tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao; Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành vẫn còn nể nang; Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nhằm giảm thiểu các tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống.

Để tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt việc cải tạo tập quán lạc hậu, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 158-KH/TU của Tỉnh ủy Hướng dẫn số 13-HD/BDVTU, ngày 02/10/2018 của Ban Dân vận Tỉnh ủy; Cần xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dụng cụ thể cần cải tạo phù hợp với thực tế của địa phương, dân tộc; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống, đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tiếp tục đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy cúng, thầy mo trong công tácc tuyên truyền, vận động; Trong quá trình tổ chức thực hiện cần nhân rộng các điển hình tiên tiến có cách làm hay sáng tạo; tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên và người dân không chấp hành việc cải tạo tập quán lạc hậu.

Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập