“Dân vận khéo” ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường
Lượt xem: 331

Biên phòng - Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường, BĐBP Lào Cai đã vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp trong công tác vận động quần chúng, đặc biệt chú trọng làm “Dân vận khéo” thông qua những việc làm thiết thực, giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào, gắn kết tình đoàn kết quân - dân, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trịnh Tường hướng dẫn “con nuôi” học bài. Ảnh: Phạm Thúy

Đồn Biên phòng Trịnh Tường được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 15km đường biên giới thuộc địa bàn 2 xã: Trịnh Tường và Cốc Mỳ của huyện Bát Xát, với 28 thôn, trên 2.500 hộ dân. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông, người Dao, người Giáy, người Hà Nhì... chiếm trên 70%. Với đặc điểm dân cư phân bố không đều, khí hậu khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dễ bị các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, gây mất an ninh, trật tự vùng biên...

Xác định vai trò quan trọng của công tác dân vận, bảo đảm thế trận lòng dân, tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân với dân như “cá với nước”, tạo động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, thời gian qua, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã chú trọng thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể.

Thiếu tá Đỗ Trọng Chung, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng xã Cốc Mỳ, Đồn Biên phòng Trịnh Tường cho biết: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, thời gian qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Cốc Mỳ đã được nâng lên rõ rệt. Cùng với cấp ủy, chính quyền xã, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, cán bộ tổ công tác luôn nắm chắc địa bàn, sát sao trong tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Chị Chảo Thị Chiêm, một người dân trong thôn cho chúng tôi biết: “Các anh BĐBP luôn sát cánh cùng người dân trong mọi hoạt động của địa phương, từ việc tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật, đến từng nhà dân để vận động con em đồng bào Mông, Dao trong xã không tảo hôn, đến việc lên nương trồng dứa, trồng ngô đều có bàn tay của các anh giúp sức. Người dân chúng tôi luôn đặt trọn niềm tin vào các anh BĐBP”.

Rời địa bàn xã Cốc Mỳ, chúng tôi đến với thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, để tìm hiểu về cách “dạy” và cách “học” của lớp xóa mù chữ với 100% học viên là người dân tộc Hà Nhì. Mặc dù thời tiết vẫn còn giá rét, nhưng tại đây, chúng tôi được cảm nhận một không khí học tập sôi nổi, những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười ấm áp, không gian được làm ấm lên bởi những tiếng đọc bài, trao đổi giữa các học viên với thầy giáo của mình. Cả lớp có 20 học viên mà có đến 19 học viên là nữ.

Khi được hỏi rằng, có gặp khó khăn gì khi đến lớp học này hay không? Anh Sần Thó Che, học viên nam duy nhất của lớp ngập ngừng chia sẻ: “Lúc đầu khi được vận động đi học, mình rất e ngại, bởi cả lớp chỉ có mỗi mình là nam giới nên sợ chị em sẽ cười chê”. Sau khi được cán bộ thôn và người thân trong gia đình động viên, đặc biệt là sự trợ giúp về mặt tâm lý của thầy giáo Hiếu (Thượng úy Bùi Trung Hiếu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trịnh Tường) và thầy giáo Quân (thầy giáo Nông Văn Quân, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trịnh Tường), vượt qua mặc cảm của bản thân, anh Che đã quyết tâm đến lớp và trở thành một trong những học viên khá của lớp. Anh bộc bạch thêm: “Ngày xưa, gia đình mình rất khó khăn, cái ăn còn chẳng đủ nên bố mẹ không cho đi học, không biết chữ. Bây giờ, được các thầy giáo giảng dạy, biết đọc một tí, biết viết một tí, biết cộng, trừ, nhân, chia nên đi chợ bán con gà, con lợn, mình đã biết tính toán và không sợ bị người ta bắt nạt nữa. Mình rất cảm ơn các thầy giáo Biên phòng”.

Nổi bật trong quá trình làm “Dân vận khéo” của Đồn Biên phòng Trịnh Tường là thông qua triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Đến nay, đơn vị đang thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ 5 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Với những đứa trẻ có hoàn khó khăn như hai em học sinh là Sùng A Chí (học sinh lớp 7) và Tẩn Chí Dũng (học sinh lớp 4) thì việc được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường nhận là “con nuôi”, đón về chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị là điều rất đáng quý.

Em Tẩn Chí Dũng nói với chúng tôi: “Bố bị bệnh và mất từ lúc cháu còn rất nhỏ. Mẹ cháu làm việc trên nương vất vả lắm, cháu muốn nghỉ học để ở nhà giúp nhưng mẹ không cho. Bây giờ, cháu được các chú bộ đội đón về ở đồn, được ăn ngon, mặc ấm, mỗi ngày đi học có cả anh Chí đưa đi và đón về; buổi tối có bài nào chưa hiểu thì được các chú giảng cho nghe. Cháu chỉ mong mình lớn thật nhanh, học thật tốt để có thể giúp mẹ được nhiều hơn, lớn lên được là bộ đội như các chú là mơ ước của cháu ạ!”. Có lẽ, với những đứa trẻ thiệt thòi này, các anh đã thực sự trở thành “người cha” thứ hai của chúng.

Trung tá Lý Sín Sẩu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trịnh Tường khẳng định: “Phát huy những kết quả đạt được trong công tác dân vận, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đấu tranh phòng, chống buôn lậu; phòng chống di dân tự do, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Cùng với đó, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”.

Có thể khẳng định, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa trong quá trình triển khai công tác “Dân vận khéo”, Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã góp phần giúp đồng bào vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống mới, hướng tới ấm no và trên hết là củng cố tình đoàn kết quân - dân, tăng cường niềm tin của đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì, Giáy… vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và những người lính mang quân hàm xanh nơi biên cương Bát Xát.

Nguồn Cổng TTĐT Biên phòng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập