Đọc bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suy nghĩ về công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay
Lượt xem: 152

73 năm trước, ngày 15 tháng 10 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, với bút danh XYZ. Bài báo thật gắn gọn, ngôn ngữ giản dị nhưng chứa đựng bao điều quý giá mà mỗi cán bộ, đảng viên nhất là những người làm công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải luôn ghi nhớ để thực hiện cho đúng, cho tốt lời dạy của Người

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, phong tục tập quán riêng nhưng hòa quện vào nhau tạo nên một bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng. Đồng bào các DTTS hầu hết cư trú ở các địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh. Những năm qua, hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho miền núi, vùng DTTS được tỉnh triển khai mạnh mẽ, với phương châm hướng về cơ sở, do đó, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Diện mạo nông thôn vùng cao có nhiều khởi sắc. Phong trào xây dựng Nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó công tác dân vận có những đóng góp không nhỏ.

Công tác dân vận vùng đồng bào DTTS được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chú trọng, có nhiều đổi mới, sáng tạo và thực sự đi vào cuộc sống. Mô hình “dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Những mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến nông-lâm sản; mô hình du lịch cộng đồng, dịch vụ vận tải; mô hình bảo vệ an ninh tổ quốc…xuất hiện ngày càng nhiều, ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực ngành nghề. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn có những nơi chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội. Đâu đó công tác vận động quần chúng còn mang tính hình thức, chưa sâu sát thực tế; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận chưa cao… dẫn đến có những vấn đề liên quan đến người dân chưa được giải quyết đúng đắn, kịp thời, làm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai các chương trình, dự án ở địa phương. Để làm tốt công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, mỗi cán bộ, đảng viên cần đọc lại bài báo Dân vận của Hồ Chí Minh, vận dụng những tư tưởng lớn của Người vào thực tiễn. Bài báo ngắn gọn, súc tích, chỉ có 612 từ, được chia làm 4 phần có kết cấu chặt chẽ, lô gic, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Ở phần I của bài báo, Hồ Chí Minh viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Người khẳng định rõ bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Ở đó, mọi lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm đều thuộc về Nhân dân, nên phải thực hiện tốt quy chế dân chủ. Thực hành dân chủ cần giải quyết đồng bộ, nhất quán mối quan hệ giữa lợi ích, quyền hạn với nghĩa vụ của Nhân dân. Mọi công việc quan trọng triển khai ở địa phương phải có sự tham gia của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Theo Người, muốn được Nhân dân đồng tình ủng hộ thì “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Một điều quan trọng nữa đối với các cấp chính quyền là: “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Theo Bác, công tác dân vận là “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Đối với những người làm công tác dân vận vùng DTTS cần khắc ghi lời dậy ấy của Người. Phải thường xuyên đi sâu, đi sát cơ sở, đến tận thôn bản, từng gia đình, từng người dân để lắng nghe tâm tư, nguyên vọng chính đáng của đồng bào; phải nắm chắc tình hình Nhân dân; những gì dân chưa rõ thì kiên trì giải thích thật thấu đáo sao cho đồng bào hiểu đúng mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bởi Nhân dân hiểu đúng thì sẽ đồng thuận cao và mọi công việc sẽ được thuận lợi. Ngược lại, Nhân dân chưa hiểu, chưa rõ thì khó đạt được kết quả như mong muốn. Trách nhiệm làm công tác dân vận là tất cả cán bộ, đảng viên, là cả hệ thống chính trị phải thực hiện việc này. Người yêu cầu: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể[1] và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”. Tuy trong bài báo, Người không chỉ ai là người phụ trách chính, ai là người tahm gia, nhưng không phải ngẫu nhiên mà cán bộ chính quyền laị đặt trước tiên. Bởi lẽ cán bộ chính quyền, một trong những chủ thể không chú trọng làm công tác dân vận trong thực hiện chức năng quản lý kinh tế - xã hội, đề ra những chủ trương, nghị quyết, kế hoạch không hợp lòng dân, thì công tác dân vận của toàn hệ thống chính trị không đem lại hiệu quả. Làm công tác dân vận vùng đồng bào DTTS lại càng phải chú ý vấn đề này hơn. Trước khi thực hiện một chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cần phải đi tập trung tuyên truyền sâu rộng, bàn bạc kĩ lưỡng, giải thích rõ cho nhân dân. Trong quá trình thực hiện, phải luôn luôn đến với Nhân dân, nắm rõ tình hình, kịp thời động viên, khuyến khích, biểu dương những cá nhân tập thể tích cực tham gia các phong trào. Sau khi hoàn thành chương trình, dự án, phải có đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, những việc còn hạn chế. Có như vậy, công tác dân vận mới phát huy đúng vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Về phương pháp dân vận, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Nghĩa là, người làm công tác dân vận phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, những kinh nghiệm quý để phổ biến, tuyên truyền cho Nhân dân; vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả. Cán bộ phải gần dân dân, hiểu dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ những khó khăn với Nhân dân. Như thế mới được dân quý, dân tin, dân nghe và dân làm theo. Có dân là có tất cả. Đồng bào DTTS chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe; chỉ nghe những cán bộ nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, giữ đúng lời hứa với Nhân dân. Những lời hứa suông, nói nhiều làm ít, hay nói “một đằng làm một nẻo”, “nói trước quên sau” sẽ làm mất lòng tin của Nhân dân. Và khi dân không còn tin tưởng cán bộ nữa thì không thể làm được việc gì nữa. Bài báo Dân vận được Hồ Chí Minh viết cách đây hơn 70 năm, nhưng những tư tưởng của Người về công tác này vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Cán bộ dân vận nói chung và những người đang công tác vùng đồng bào DTTS cần khắc sâu ghi nhớ những lời dạy của Người. Bài báo Dân vận chính là “cẩm nang” quý báu về công tác dân vận để chúng ta học tập và làm theo.



[1] Từ cuối năm 1945 đến đầu 1951, để đảm bảo bí mật trong hoạt đông,  “Đoàn thể” được hiểu là tổ chức Đảng

Lê Đình Lợi - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập