Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 765
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, diện tích đất tự nhiên 6.383,89 km2, có 182,086 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Dân số trên 705 ngàn người, gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 66 % dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 8 huyện và 1 thành phố với 12 phường, 9 thị trấn, 143 xã; trong đó có 104 xã đặc biệt khó khăn, biên giới được hưởng chính sách 135 theo Quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa IX về công tác dân tộc, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Kế hoạch và tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt trong cán bộ chủ chốt của tỉnh, các huyện ủy, thành ủy; Đồng thời cụ thể hoá Nghị quyết bằng chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; Đặc biệt, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU, ngày 08/5/2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai về thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình 168-CTr/TU, ngày 28/4/2010 của Tỉnh uỷ Lào Cai về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX);  ban hành Chỉ thị 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn và một số văn bản chỉ đạo khác... Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung của Nghị quyết; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân tộc; kịp thời đánh giá kết quả thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương IX về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như sau:

Một là, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc đạt được nhiều kết quả: Tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội... Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao (bình quân trên 10%/năm); năm 2018 GRDP bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng/người, trong đó thu nhập người dân vùng nông thôn đạt 35,4 triệu đồng/người; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp giảm từ 34% năm 2003 xuống còn 13,07% năm 2018; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá; Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 319,9 nghìn tấn, tăng 53,74% so năm 2003 (171,93 nghìn tấn); Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 69 triệu đồng; Đời sống vật chất tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; năm 2003 thu nhập đầu người bình quân toàn tỉnh đạt 3,9 triệu đồng, đến năm 2018 là 58 triệu đồng/người (thu nhập trong vùng nông thôn đạt 35,4 triệu đồng/người). Công tác xóa đói, giảm nghèo chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3-5%/năm; năm 2018 toàn tỉnh còn 27.364 hộ nghèo, chiếm 16,25% số hộ toàn tỉnh, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2018 còn 25.413 hộ/98.043 hộ, chiếm 25,9%, không còn tình trạng hộ đói. Đến nay có 142/143 xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã; trên 94,3% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; trên 95% số hộ được xem truyền hình; trên 90% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; hết năm 2018, toàn tỉnh có 44/143 xã hoàn thành nông thôn mới.

Hai là, công tác giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc được nâng lên, các giá trị văn, truyền thống thống tốt đẹp của đồng bào được bảo tồn và phát huy: Toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT với 127 lớp, 4.412 học sinh; 127 trường PTDT bán trú với 2.064 lớp, 47.366 học sinh; cơ sở vật chất được đầu tư kiên cố, đảm bảo đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh. Chất lượng và hiệu quả giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 96,06%; đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai thực hiện tích cực. Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, đến nay 100% số xã có trạm y tế được đầu tư kiên cố, trong đó có 138 trạm đạt chuẩn y tế theo quy định, hầu hết các thôn, bản đều có cán bộ y tế. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,68%. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc được đặc biệt chú trọng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc các dân tộc được phục dựng, một số lễ hội đã trở thành sản phẩm thương hiệu phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương.

Ba là, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ người dân tộc tiếp tục được củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số được quan tâm chú trọng. Hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc được củng cố kiện toàn theo hướng ngày càng vững mạnh, tập trung vào đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Chú trọng tạo nguồn, xây dựng và quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, đến nay đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng thực hiện công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ cho các xã vùng đồng bào dân tộc.

Bốn là, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được đảm bảo và giữ vững: Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức an ninh, quốc phòng cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; quan tâm xây dựng đội ngũ cốt cán, nòng cốt ở thôn, bản; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác vận động quần chúng; tăng cường các tổ, đội công tác bám nắm địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội; công tác đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh tư tưởng, văn hóa, an ninh thông tin được tăng cường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn: Công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục; Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở một số nơi; mức sống của đồng bào, nhất là vùng cao còn thấp so với nhiều vùng khác; Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị tuy đã được quan tâm nhưng chất lượng và số lượng, cơ cấu vẫn chưa hợp lý; Việc thực hiện một số chủ trương, chính sách cho vùng đồng bào các dân tộc còn thiếu đồng bộ, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy khai thác; Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là: Tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiêm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân tộc; Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc; Tập trung sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo; tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; tổ chức tốt các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao; nâng cao thời lượng, chất lượng các chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng dân tộc; tăng cường việc sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ và đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

 Tác giả: Lý Seo Dìn
Lý Seo Dìn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập