Kết quả sau 08 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương
Lượt xem: 655

Trước thực trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh, ngày 25/5/2012 Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung của Chỉ thị, đồng thời cụ thể hóa Chỉ thị 21-CT/TU bằng các chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TU; ngày 18/12/2012 Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về “Một số giải pháp phòng, chống tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, giai đoạn 2012-2015; trong đó giao Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện Đề án và tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; chỉ đạo các cấp các ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tình trạng phụ nữ đi khỏi địa phương gắn với Chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011- 2015 và đến năm 2020; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị.... Qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU đã đạt được kết quả như sau:

1. Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện với nhiều hình thức phong phú

Trong 8 năm qua các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh, công tác tuyên truyền, vận động động quần chúng nhân dân đấu tranh, tham gia tố giác tội phạm, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua các hội nghị, các hội thảo; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tờ rơi, áp phích... cụ thể như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên tập và in 6.800 cuốn tài liệu tuyên truyền phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương phát cho các xã, thôn bản, các trường THCS, THPT; 02 bộ áp phích (song ngữ Việt - Mông) tuyên truyền về phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương và những hệ lụy dễ mắc phải cho 534 thôn, bản có đông đồng bào Mông; phối hợp với Sở Tư pháp, biên soạn tài liệu và cử báo cáo viên tuyên truyền trong 162 hội nghị chuyên đề về phòng, chống mua bán người cho đội ngũ Ban Tuyên vận các xã phường, thị trấn trong tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã tổ chức trên 2.411 buổi tuyên truyền lưu động kết hợp cổ động trực quan, văn nghệ; xây dựng 17 chương trình tuyên truyền, 19 kịch bản thông tin; 02 phim phóng sự về phòng, chống tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, đồng thời dịch và lồng tiếng Mông, Dao, Phù Lá; tổ chức 1.121 buổi chiếu phim lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa tình trạng phụ nữ đi khỏi địa phương; In sao và cấp phát 2.241 băng đĩa về chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm; phát hành 860 đĩa hình dân ca Mông với chủ đề “Không lầm đường lạc lối” tại 35 xã có đông đồng bào Mông sinh sống. Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên đề pháp luật về phòng, chống mua bán người phát trên chuyên mục “Pháp luật và đời sống” định kỳ 1 lần/1 tháng; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chuyên đề pháp luật về phòng, chống mua bán người cho đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tuyên truyền trên sóng phát thanh 460 tin, bài và phóng sự về tình trạng phụ nữ đi khỏi địa phương; 319 tin, bài trên sóng phát thanh - truyền hình bằng tiếng dân tộc; tuyên truyền trên sóng truyền hình trên 480 tin, bài, phóng sự và được biên dịch ra tiếng Mông phát trên sóng truyền hình Lào Cai. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức được 1.331 buổi truyền thông, 06 diễn đàn phòng, chống nạn buôn người với 114.817 lượt người tham gia; thiết kế in ấn trên 40.000 tờ rơi về phòng, chống mua bán người; 15 pa nô, 180 băng zôn, 9.600 sổ tay “ bài học về những câu truyện thực tế về nạn mua bán người”; tổ chức 03 lớp giáo dục kỹ năng sống cho 160 nạn nhân bị mua bán trở về và tập huấn nâng cao năng lực cho 241 lượt cán bộ làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Cùng với đó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng vũ trang, các ngành liên quan tổ chức trên 10 ngàn buổi tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống, ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, tập trung tại các địa bàn trọng điểm, khu vực giáp biên, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số dễ bị lôi kéo, dụ dỗ; quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng làm công tác tuyên truyền, vận động; Duy trì và củng cố nâng cao hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương...

2. Công tác phối hợp đấu tranh, phòng ngừa, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng đạt được nhiều kết quả

Các lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng phụ nữ, trẻ em bỏ đi khỏi địa phương. Chú trọng thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em, ngăn chặn tình trạng phụ nữ đi khỏi địa phương. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng và các địa phương đã điều tra, khởi tố 40 vụ, 56 đối tượng có dấu hiệu tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em; phát hiện và kịp thời ngăn chặn được 24 vụ, 30 đối tượng mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; giải cứu 60 nạn  nhân bị buôn bán...

 3. Thực hiện nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương; phòng chống mua bán người ở các thôn, bản thuộc các xã, phường biên giới được cấp ủy các quan tâm chỉ đạo kịp thời, hiệu quả

Thực hiện nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, phòng chống mua bán người ở các xã biên giới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao. Các cấp ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phòng, chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương; Tổ chức vận động và thực hiện ký cam kết giữa các thôn, bản với các dòng họ; từng dòng họ với các gia đình; Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xây dựng và nhân rộng các mô hình thôn, bản, dòng họ phòng, chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, như: mô hình “Hội phụ nữ tự quản”, “Thôn, bản bình yên, gia đình hạnh phúc”,“Nhóm tự lực”,“Bạn giúp bạn”; câu lạc bộ “Không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”, các tổ “Phản ứng nhanh”, “An ninh thôn, bản”... Hằng năm, xây dựng kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chức năng phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn lừa bịp, dụ dỗ của bọn tội phạm mua bán người; phát động các phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh nông thôn”, phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm”; tổ chức điều tra, khảo sát, nắm số lượng phụ nữ, trẻ em bỏ đi khỏi địa phương không rõ lý do, số đối tượng phạm tội mua bán, người, số đối tượng có biểu hiện tham gia hoạt động mua bán người; tăng cường công tác quản lý giám sát, tuần tra, kiểm soát trên các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương; phòng chống mua bán người qua biên giới.

Sau 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Tỉnh ủy, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; tình trạng phụ nữ, trẻ em bỏ đi khỏi địa phương trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần, năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 700 trường hợp, đến năm 2019 giảm xuống còn còn 100 trường hợp, 3 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn còn 13 trường hợp. Đặc biệt, một số huyện vài năm gần đây đã không còn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, như thành phố Lào Cai, huyện Bảo Yên, huyện Bảo Thắng . Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 21-CT/TU của Tỉnh ủy; Công tác quản lý địa bàn ở một số nơi còn lỏng lẻo, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời, chủ yếu phát hiện sự việc sau khi đã có phụ nữ bỏ đi hoặc vắng nhà lâu ngày; Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động về công tác phòng, chống ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương tại một số địa phương hiệu quả chưa cao.

Đề tiếp tục triển khai thực có hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TU, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý biên giới trong việc ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương; Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao năng lực của đội ngũ tuyên truyền viên, tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, quản lý hộ tịch, hộ khẩu để kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả việc phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, mua bán phụ nữ, trẻ em; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong công tác quản lý biên giới, quản lý xuất nhập cảnh; hợp tác trong công tác giải cứu nạn nhân bị mua bán; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ, tạo việc làm cho nạn nhân trở về sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Lý Seo Dìn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập