Lào Cai thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2013-2020
Lượt xem: 728

Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới, dân số 730.420 người (tính đến 31/12/2020), dân số khu vực thành thị chiếm 23,5%, khu vực nông thôn chiếm 76,5%; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 483.664 người, chiếm 66,2% dân số. Thực hiện Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tỉnh Lào Cai đã chủ động  tổ chức quán triệt, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ban hành các chỉ thị, quyết định, chương trình hành động cụ thể; quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực trong thực hiện chiến lược. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng báo các DTTS, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Với nhiệm vụ, phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các DTTS: Tỉnh lào Cai đã xây dựng Đề án số 06 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2015-2020”. Thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chăm lo hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng DTTS. Hết năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT, với 127 lớp, 3.894 học sinh; 134 trường PTDTBT với 1.557 lớp, 39.057 học sinh và 131 trường phổ thông có học sinh bán trú với 15.262 học sinh. Trường học các xã đã được kiên cố hóa và có nhà công vụ cho giáo viên, phòng ở nội trú, bán trú cho học sinh, đạt 62,5% mục tiêu (MT). Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục, đã hỗ trợ trên 120 ngàn học sinh, chiếm gần 60% tổng số học sinh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung từ 47,75 % năm 2013 lên 65% năm 2020, số lao động là người DTTS chiếm 59,5%.

Từ năm 2014 đến nay đã có trên 20 ngàn lượt cán bộ là người DTTS tham gia các chương trình đào tạo. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS công tác tại các cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh chiếm 22,92%, cao hơn  7,92%; cấp huyện chiếm 34,21%, cao hơn 4,21%; cấp xã chiếm 60,69%, cao hơn 20,69% so với mục tiêu của Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ đổi mới được Chính phủ phê duyệt năm 2016. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được gữi vững, chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong vùng đồng bào DTTS. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần củng cố thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo vùng đông bào DTTS, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các xã ĐBKK; các đề án phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi; tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ; công nghiệp; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp với tổng nguồn vốn 79.521.709 triệu đồng; dạy nghề cho 1.143 người tại 3 huyện đặc ĐBKK với tổng kinh phí 10.363 triệu đồng. Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của tỉnh là 270.570,5 tỷ đồng ( tăng 184 tỷ so với giai đoạn 2011-2015); có 8.794 người được vay vốn quỳ quốc gia hỗ trợ việc làm, trong đó lao động là người DTTS chiếm 68%. Đã đưa 289 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 159 lao động là người DTTS chiếm 55%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,22%/năm, vượt mục tiêu 1,22%. Tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2013-2020 là: 12.420.996 triệu đồng, đảm bảo kết cấu hạ tầng của tỉnh tiếp tục được cải thiện qua các năm, đặc biệt là các tuyến giao thông chính, hạ tầng nông thôn; về giao thông có 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 100% đường tới xã được cứng hóa (đạt 100% MT); 80% đường tới thôn, bản được cứng hóa (đạt 160 % MT). Toàn tỉnh có 75 xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới (NTM) về giao thông, vượt 0,9% MT; 97% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, vượt 0,2% MT; về thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất, đời sống của dân cư nông thôn, có 127/127 xã đạt chuẩn NTM về thủy lợi, tăng 13 xã so với năm 2013; về nước sinh hoạt: toàn tỉnh có 1.051 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó có 240 công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững, 624 công trình hoạt động kém bền vững, 187 công trình không hoạt động; hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 95% MT. Về y tế: 125 công trình được nâng cấp, sửa chữa, 02 công trình được xây mới, có 125/127 xã có trạm y tế đạt chuẩn, đạt 164% MT; về giáo dục-đào tạo: có 86/127 xã đạt chuẩn NTM về trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều có nhà, lớp học kiên cố tại trường chính, đạt 100% MT; về văn hóa, thể thao: toàn tỉnh có 127/127 xã đạt chuẩn NTM về cơ sở vật chất văn hóa, có 1.234 thôn, bản có nhà văn hóa, vượt 25% MT.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được duy trì, 100% đồng bào DTTS trên địa bà các xã ĐBKK được cấp bảo hiểm y tế, 100% thôn, bản có y tế thôn, bản, số bác sỹ trên 01 vạn dân đạt 1,23, vượt MT. Không có dịch lớn, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, không có tử vong do dịch bệnh; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng hàng năm đều giảm. Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa- xã hội vùng DTTS được quan tâm, có 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú, bảo tồn 08 lễ hội, gìn giữ và phát huy giá trị phong tục truyền thống tiêu biểu, đạt 160% MT. Hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được tỉnh quan tâm. Trong giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh không để phát sinh cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không có sự cố và suy thoái môi trường. Việc phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa hoc và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS được chủ động áp dụng mang lại hiệu quả góp phần hình thành các vùng sản xuất hang hóa,  tập trung, xây dựng các sản phẩm đặc sản, OCOP được thị trường chấp nhận.

Sau 06 năm triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả bước đầu: Công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh. Các nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Quản lý nhà nước về công tác dân tộc được quan tâm, bộ máy quản lý điều hành các chính sách  được thành lập và kiện toàn tử tỉnh đến cơ sở; công tác lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc được quan tâm, đã đạt được những kết quả bước đầu với sự tham gia vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và nhân dân. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã phát huy hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm đem lại thu nhập tương đối ổn định cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Tuy vậy, do các chính sách ban hành với cơ chế quản lý khác nhau, nên việc lồng ghép còn gặp nhiều khó khăn. Việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện mục tiêu Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chưa đạt 100%.

Từ kết quả bước đầu thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh, để thực hiện có hiệu qủa công tác dân tộc trong giai đoạn mới cần xác định nhiệm vụ và giải pháp cơ bản là: Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về tầm quan trọng về công tác dân tộc, từ đó có những biện pháp tập trung lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt. Phải có sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, để tạo ra nguồn lực sâu rộng trong triển khai thực hiện. Cần có nguồn lực đủ mạnh và ổn định. Cơ chế thực hiện chính sách trong vùng đồng bàn DTTS phải có tính đặc thù, dễ thực hiện. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở, thực hiện đồng thời và đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ, có cơ chế lồng ghép hiệu quả để tạo ra nguồn lực tổng hợp. Coi trọng công tác quy hoạch, kế hoạch, việc đầu tư chương trình phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương và các dự án khác trên địa bàn. Kế hoạch hàng năm phải được xây dựng khoa học, đảm bảo theo quy hoạch tổng thể. Xác định đúng đối tượng đầu tư, địa bàn ưu tiên để tập trung nguồn lực, tránh việc hỗ trợ dàn trải, hiệu quả thấp. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong nhân dân và cộng đồng phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát các dự án, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư. Luôn xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị ./.

Trung Tuyến
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập