Lào Cai thực hiện tốt quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp
Lượt xem: 218

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ, hướng tới xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân. Ngày 04/12/2019, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Quy chế số 17-QC/TU, về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Hằng năm, Tỉnh ủy tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo cơ quan tham mưu giúp việc trực tiếp trao đổi với cơ sở để chọn chủ đề, thống nhất nội dung, địa điểm và xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể cho từng cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Các đề xuất, kiến nghị của người dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền giải đáp, trả lời trực tiếp tại các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp. Sau mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại đều có kết luận để chỉ đạo các ngành, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ giải quyết những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân theo từng nội dung, từng vấn đề; giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo từng nhóm lĩnh vực. Trong 03 năm từ 2020 - 2022, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức được 05 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức 05 cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì 01 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Ở các huyện, thị xã, thành phố, cấp ủy, chính quyền đã tổ chức được 137 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 1.172 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân.

Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung nghe Nhân dân phản ánh, góp ý về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; những vấn đề trọng tâm, liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân như: Về lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, sắp xếp dân cư; về xây dựng, đô thị, giao thông; tình trạng ô nhiễm môi trường; tình hình an ninh - trật tự an toàn xã hội; chính sách ưu đãi đối với cán bộ vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; những khó khăn của cán bộ, đảng viên, người lao động trong ngành y tế... Các nội dung, chủ đề được đưa ra bàn luận tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân đều là những vấn đề rất thiết thực, được Nhân dân quan tâm và cần được tháo gỡ.

Có thể nói, sau 3 năm thực hiện Quy chế số 17-QC/TU, cấp ủy, chính quyền các cấp đã trở thành nền nếp; nội dung của mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại, trực tiếp với Nhân dân đã đi vào trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những vấn đề đang được Nhân dân và dư luận quan tâm. Các đề xuất, kiến nghị của Nhân dân phần lớn được chủ trì trả lời, giải đáp tại hội nghị. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân được xem là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tăng cường và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

Để tiếp tục thực hiện tốt Quy chế số 17-QC/TU, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của Nhân dân về tầm quan trọng của hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại, đặc biệt là việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân để người dân hiểu và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Phát huy dân chủ với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn. Tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại đảm bảo dân chủ, cởi mở, để người dân chủ động, mạnh dạn nêu lên những ý kiến đóng góp, những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Ba là, làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của người dân, dự báo tình hình, lựa chọn đúng nội dung quan trọng, cần thiết để thực hiện đối thoại theo nhu cầu chính đáng của Nhân dân; tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm; tại các địa bàn phức tạp, không để xảy ra “điểm nóng”.

Bốn là, lựa chọn hình thức, nội dung tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân phù hợp với thực tế. Công tác tiếp xúc, đối thoại đảm bảo quy trình, chất lượng và số cuộc đối thoại theo Quy chế. Trước khi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại cơ quan chủ trì tham mưu tiếp xúc, đối thoại cần phải rà soát, chuẩn bị chu đáo về nội dung; có kế hoạch, chương trình cụ thể. Sau khi tiếp xúc, đối thoại phải ban hành thông báo kết luận, chỉ đạo các vấn đề cần giải quyết; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Năm là, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở đối với những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, đề xuất của Nhân dân. Hàng năm đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp xúc, đối thoại, thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân.

Có thể khẳng định, công tác tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân giúp cấp ủy, chính quyền có thông tin toàn diện, phong phú, từ đó lãnh đạo và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh sâu sát với thực tiễn của địa phương. Đồng thời, đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Lê Đình Lợi - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập