Một số kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 2183

Sau khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 15-KH/TU, ngày 10/01/2016 về triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW với 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện; đồng thời chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ Kế hoạch của Tỉnh ủy cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, 100% các chi, đảng bộ đã nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt thực hiện Chỉ thị 49 đến cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Thông qua việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn xã hội; Trong những năm qua Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận theo phương châm hướng mạnh về cơ sở; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 03-KL/TW, ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Quyết định số 783-QĐ/TU, ngày 02/12/2013 của Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 15/9/2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai”, Quyết định 1902/QĐ-UBND, ngày 01/6/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định thực hiện công tác dân vận trong thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quy chế số 17-QC/TU, ngày 04/12/2019 của Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh…

 

Các cấp chính quyền tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 16-CT/TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Kết luận 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”... Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức với phương châm gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu gây phiền hà đến Nhân dân; Triển khai thực hiện có hiệu quả năm "Dân vận chính quyền" với các hoạt động thiết thực, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, trong công tác tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi... Nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số triển khai đạt hiệu quả, như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ; Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 51/127 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới; Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,17%/năm; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia và đường ô tô đến trụ sở UBND xã; trên 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 95% số hộ được xem truyền hình; trên 90% dân số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; Công tác giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả; Văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, củng cố tổ chức; đa dạng hóa các loại hình tập hợp, hướng mạnh về cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy tốt vai trò là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân; là người đại diện cho lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đồng thời tiếp nhận những phản ảnh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân đến với Đảng, Nhà nước gắn với việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương. Trong 05 năm MTTQ và các đoàn thể đã vận động Nhân dân ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, "Quỹ cứu trợ" được trên 39 tỷ đồng; vận động Nhân dân làm mới 3.096 km đường giao thông nông thôn, trong đó: bê tông xi măng 1.627,02 km, cấp phối 987,34 km, mở mới 482,59km; làm mới 38.058 nhà tiêu hợp vệ sinh, 17.078 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh, đào được 46.823 hố rác gia đình, xây dựng được 455 mô hình nhà sạch vườn đẹp; đóng góp trên 2 triệu ngày công lao động; hiến 622.982,9m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi trong cộng đồng.

Các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đã tổ chức các tổ, đội công tác, đội xây dựng tăng cường cơ sở bám sát địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới, tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay các lực lực lượng vũ trang đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các xã, phường biên giới củng cố được 486 tổ chức chính trị xã hội; cử 96 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản; tổ chức trên 1000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia hàng ngàn ngày công giúp dân xây, sửa chữa lớp học, nhà văn hóa, làm đường giao thông, thủy lợi, giúp dân lao động sản xuất, khắc phục thiên tai... qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cấp ủy các cấp luôn quan tâm công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ dân vận; tăng cường đổi mới nội dung và phương thức vận động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới; Đồng thời phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng dòng họ, thầy cúng, thầy mo và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai, thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Một số cấp ủy đảng, nhất là ở cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đội ngũ cán bộ dân vận nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng trong hệ thống chính trị tuy đã được quan tâm nhưng chất lượng và số lượng, cơ cấu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động chưa phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý của từng dân tộc, từng địa phương, do vậy hiệu quả chưa cao...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các sở, ban ngành; xây dựng chính quyền các cấp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Gắn công tác tuyên truyền vận động với công tác đối ngoại Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng; Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chú trọng biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập