Một số kết quả đạt được sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1654

Trước thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh có có chiều hướng ngày càng gia tăng; Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung của Chỉ thị, đồng thời đã cụ thể hóa Chỉ thị 33-CT/TU bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-UBND, ngày 05/6/2018 quy định về trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Chỉ đạo kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống các cấp; Ban hành Kế hoạch hằng năm triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị... Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy đạt được một số kết quả như sau:

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Trong những năm qua các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hội nghị, hội thảo, cung cấp thông tin, tăng cường thông tin lưu động... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Quyết định số 498/QĐ-TTg, Chỉ thị 33-CT/TU... Bên cạnh đó các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã chủ động đưa nội dung giáo dục giới tính, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép vào các môn học để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh. Đồng thời UBND huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức ký cam kết với ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng, các thôn, bản không xem ngày cưới cho các cặp nam - nữ chưa đủ tuổi kết hôn, không hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt đã triển khai xây dựng và phát huy hiệu quả 5 mô hình điểm về “phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 05 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, huyện Bắc Hà, huyện Si Ma Cai); ngoài ra các cấp, các ngành còn xây dựng nhiều mô hình điểm khác như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; Câu lạc bộ “Không cưới tảo hôn”; Diễn đàn “Thanh niên với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để cùng nhau tuyên truyền, vận động từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU gắn với Quyết định số 498/QĐ-TTg, đến nay từ tỉnh đến cơ sở đã kiện toàn Ban chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-UBND, ngày 05/6/2018 quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc thực hiện quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý nhân khẩu trên địa bàn, kịp thời phát hiện các cặp chưa đủ tuổi kết hôn về chung sống với nhau như vợ chồng, từ đó có các biện pháp tuyên truyền, vận động và xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo lập các phiên tòa giả định để xử các trường hợp tảo hôn để làm công tác tuyên truyền; Hướng dẫn các xã rà soát, bổ sung quy ước, hương ước thôn, bản để xử lý tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong thời gian qua, với các biện pháp cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý 377 trường hợp vi phạm hành chính liên quan đến việc tổ chức cho người chưa đủ tuổi kết hôn với kinh phí 133,2 triệu đồng; ngăn chặn và vận động thành công 18 trường hợp học sinh bỏ học về ở chung sống với nhau như vợ chồng quay trở lại trường tiếp tục học tập.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn có chiều hướng ngày càng giảm mạnh: Trong những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả thông qua các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, đến nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã kịp thời được phát hiện, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng giảm mạnh qua các năm; năm 2017 trên địa bàn tỉnh có 601 trường hợp tảo hôn, 05 cặp hôn nhân cận huyết thống, đến năm 2019 trên địa bàn đã giảm còn 283 trường hợp tảo hôn và 02 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 của UBND tỉnh về việc phối hợp quản lý, xử lý các đối tượng vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Công tác quản lý nhà nước về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số địa phương còn có biểu hiện buông lỏng, chưa kiên quyết trong việc xử phạt các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, thậm chí còn tình trạng né tránh, ngại va chạm trong việc xử lý; Việc phát hiện, thống kê, báo cáo số liệu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại một số địa phương có lúc còn chậm, chưa kịp thời; Công tác thông tin, tuyên truyền đã được tăng cường nhưng nội dung và phương pháp vẫn chậm được đổi mới, hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục tuyên truyền, vận động ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị Chỉ thị 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 và Kế hoạch số 158-KH/TU, ngày 26/7/2018 của Tỉnh ủy về tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025"; Không ngừng tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục, định hướng nghề nghiệp để các đối tượng học sinh, thanh thiếu niên, các bậc cha mẹ được nâng cao nhận thức, thấy được những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội trong việc tuân thủ pháp luật về hôn nhân và gia đình; Tiếp tục đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy cúng, thầy mo, ông mai, bà mối trong công tác việc tuyên truyền, vận động; vận động mọi lúc, mọi nơi, từng đối tượng, từng hộ gia đình để giúp họ nâng cao nhận thức, chuyển biến về tư tưởng và hành động trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Trong quá trình tổ chức thực hiện cần nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có cách làm hay sáng tạo, hiệu quả; Định kỳ tổ chức đánh giá, sơ tổng kết việc thực hiện Chỉ thị; Biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên và hộ gia đình vi phạm theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước thôn bản.

Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập