Nông nghiệp công nghệ cao góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 89

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là xu hướng chuyển dịch tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong xã hội hiện đại. Mặc dù Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, đa số là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn có khoảng cách nhất định so với các vùng đồng bằng và đô thị, song nông dân Lào Cai không chậm trễ, không đứng ngoài cuộc mà tích cực chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển NNCNC góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giầu chính đáng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong tỉnh.

Đến hết năm 2021 toàn tỉnh đã có 3.360 ha NNCNC (Gồm: 710 ha rau, 200 ha hoa, 315 ha dược liệu, 550 ha cây ăn quả ôn đới, 1.215 ha chè, 370 ha dâu tằm) tập trung ở huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai. Giá trị sản phẩm ước đạt trên 260 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bảo Thắng, Bắc Hà. Có 10 tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nước lạnh với quy mô 10.341 m3 tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà[1].

Diện tích NNCNC nêu trên so với tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh còn khá khiêm tốn, song đó là kết quả bước đầu rất đáng khích lệ và là tiền đề quan trọng để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển NNCNC trong thời gian tới.

Thật đáng khích lệ khi được chứng kiến một số hộ nông dân, hợp tác xã trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà công nghệ, nhà lưới, canh tác trên giá thể, luống đất phủ nhựa PE, sử dụng hệ thống tưới phun, tưới tự động, tưới theo phương pháp nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ; chăn nuôi sử dụng các giống mới; hệ thống chuồng kín, công nghệ hiện đại, xử lý Biogas; sử dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn và xử lý chất thải; sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ đèn LED, công nghệ cảm ứng... vào sản xuất giúp người nông dân chủ động trong kế hoạch sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, tránh được rủi ro thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. 

Thật phấn khởi khi chứng kiến nông dân là người dân tộc thiểu số ở Mường Khương biết bán quýt thông qua hình thức livestream trên Facebook; nông dân ở Sa Pa bán hoa, cây cảnh, rau, sản phẩm cá nước lạnh bằng hình thức online; nông dân ở thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên… bán phong lan, chè, mật ong, bưởi, hồng… trên sàn thương mại điện tử. Việc làm mà chỉ mấy năm trước còn rất xa lạ với nông dân, điều đó chứng tỏ nông dân Lào Cai đã và đang tiến cùng thời đại.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển NNCNC và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”[2]. Nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương vào điều kiện của tỉnh, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định: “Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ”[3]. Đề án phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025 của Tỉnh ủy xác định: “phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp”.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển NNCNC theo Nghị quyết, Đề án của Tỉnh ủy đề ra cần phải tiến hành đồng thời nhiều nội dung, trong đó trước hết các cơ sở cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung rất quan trọng như:

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ, nhất là cấp cơ sở và người nông dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển NNCNC, coi đó là đòi hỏi tự thân trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là giải pháp về tư tưởng nên cần được thực hiện tốt cả trước và trong quá trình phát triển NNCNC.

Các cơ sở dạy nghề tích cực đào tạo nguồn nhân lực kể cả cán bộ quản lý và người lao động để họ có đủ trình độ kỹ thuật, kỹ năng thực hiện NNCNC. Các cấp có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, thuế, ưu đãi vay vốn… để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình nông dân tích cực đầu tư vào phát triển NNCNC.

Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình nông dân tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩn đầu ra ổn định lâu dài để các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình nông dân yên tâm đầu tư vào phát triển NNCNC. Đặc biệt phải tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - nhà doanh nghiệp - nhà phân phối); trong đó, Nhà nước là “nhạc trưởng” của mối liên kết để thúc đẩy phát triển NNCNC.

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện để tăng nhanh diện tích phát triển NNCNC không chỉ mang lại thu nhập cao, ổn định, là cơ hội làm giầu cho người nông dân, mà còn góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, đưa nông dân từng bước trở thành lao động có trình độ khoa học công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh nhanh, hiệu quả, bền vững.



[1] Theo số liệu của Sở NNVPTNT

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, HN 2021, tập 1, tr.124

[3] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.80

Đỗ Văn Lược
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập