Nông nghiệp huyện Bát Xát hướng đến sản phẩm OCOP
Lượt xem: 197

 

Xác định chương trình OCOP là nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của nông dân, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2018, huyện Bát Xát đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP đến các xã, thị trấn. Để thực hiện chương trình, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, trên hết là phải đảm bảo chất lượng, quy định về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sản phẩm phải có tên, bao bì ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa theo quy định, được niêm yết giá... Điều này buộc nhà sản xuất phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, giá trị thương hiệu. Chính vì thế, cùng với việc tuyên truyền, huyện đã vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap, hữu cơ... Chỉ đạo các địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất, như vùng sản xuất chuối xuất khẩu quy mô 1.000 ha trên bàn 4 xã biên giới với 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất hàng năm trên 700 tấn phục vụ dân dân, có 800 ha được cung cấp mã vùng để xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Đông âu và Nga. Vùng sản xuất đao riềng để sản xuất miến đao quy mô 90 ha tại 4 xã. Vùng sản xuất chè quy mô 330 ha gồm 2 doanh nghiệp liên kết với nhân dân hàng năm 700 tấn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Vùng sản xuất rau an toàn, rau trái vụ 100 ha trong đó có 5 ha đã được chứng nhận hữa cơ và 5 ha được chứng nhận tiêu chuẩn Vietgap. Vùng sản xuất lúa Sén cù Mường Vi diện tích 190 ha được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Vùng sản xuất Hoàng Sin Cô 90 ha sản lượng 2.000 tấn. Ngoài ra một số vùng sản xuất khá như dược liệu, cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi cá nước lạnh đang được đầu tư để để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, xây dựng sản phẩm OCOP. Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung, có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Huyện Bát Xát đã tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Các hợp tác xã đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hoá hình thức truyền thông, chú trọng vào hình thức truyền thông qua mạng xã hội. Huyện đã thực hiện có hiệu quả việc “Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP” với nhiều hình thức như: Tham gia các hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại, Hội nghị kết nối đối tác OCOP nhằm cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; kết nối sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài tỉnh. Đến nay, huyện Bát Xát đã  có 6 sản phẩm OCOP, tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống, với 6 sản phẩm được đánh giá cao, xếp hạng từ 3-4 sao. Trong đó có 3/6 sản phẩm đạt 4 sao là Miến đao sâm của hợp tác xã Minh Phúc, sản phẩm Gạo Séng Cù và sản phẩm gạo lứt Séng Cù của hợp tác xã Tiên Phong xã Mường Vi.

Thời gian tới, UBND huyện Bát Xát sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phối hợp với xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia Chương trình mỗi cây trồng, con vật chủ lực phấn đấu có 01 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, xây  dựng tối thiểu từ 20 sản phẩm vào năm 2025 cụ thể như: Sản phẩm từ rau an toàn, sản phẩm từ chè, sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm từ cây ăn quả, sản phẩm từ thịt ngựa, sản phẩm từ củ hoàng sin cô, sản phẩm chuối, sản phẩm từ đao riềng, sản phẩm từ cá nước lạnh… Tăng cường sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hàng hoá, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, hướng tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao, lấy giá trị sản xuất, lợi nhuận thu nhập cao làm thước đo hiệu quả nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác đạt trên 85 triệu đồng/ha vào năm 2025. Đồng chí Phạm Năng Chung - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Để đạt được mục tiêu trên bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận; xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Bát Xát đã xây dựng đề án phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025 với kinh phí trên 40 tỷ đồng. Đồng thời phối hợp với Viện rau quả Trung ương, Viện chăn nuôi và Viện dược liệu giúp huyện khảo sát các điều kiện tự nhiên từng vùng và có lộ trình triển khai đề án”.

Thời gian tới, Bát Xát tiếp tục triển khai trồng mới 1.200 cây ăn quả tập trung quy mô liên vùng tại các xã Y Tý, Nậm Pung, A Lù, Dền Sáng, Trịnh Tường, A Mú Sung, Quang Kim,... gồm các chủng loại cây trồng chính là các cây Xoài, Hồng, Lê tai nung, Mận, Đào, Chanh leo,... Củng cố nâng cao chất lượng vùng trồng 200 ha cây Lê tai nung đã có trong đó có 50 ha xây dựng hệ thống giàn kiên cố, hệ thống tưới tự động để nâng cao chất lượng cây trồng.  Phát triển củng cố vùng trồng rau an toàn có ứng dụng công nghệ cao quy mô đến năm 2025 diện tích vùng quy hoạch đạt 200 ha, diện tích sản xuất trong nhà lưới đạt 03 ha (duy trì 01 ha và mở rộng 02 ha); xây dựng mô hình du lịch, tham quan trải nghiệm (Farmstay) các sản phẩm rau an toàn, sản phẩm OCOP tại xã Y Tý, Trịnh Tường. Đến năm 2025 liên kết với doanh nghiệp liên kết sản xuất duy trì phát triển ổn định 100 ha dược liệu ứng dụng một phần công nghệ cao (Đương quy, Đan sâm, Đẳng sâm, Vân mộc hương,...) tại các xã Y Tý, Trịnh Tường, Pa Cheo…

Với những giải pháp đồng bộ, bám sát đặc điểm địa phương, tin tưởng rằng Bát Xát sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.

 

 

Đức Tiến
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập