Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng Lào Cai đối với công tác dân vận
Lượt xem: 990
Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, giao thông còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hết năm 2018 còn 17,94%, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Là một tỉnh đang trên đà phát triển mạnh về công nghiệp, giao thông, xây dựng đô thị có yêu cầu cao về giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận Nhân dân. Mặt khác, một số tập quán lạc hậu, tình hình di cư tự do, xuất cảnh sang Trung Quốc lao động làm thuê, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu kích động để thành lập “Nhà nước riêng”. Năng lực, trình độ của một số cấp uỷ cơ sở và cán bộ làm công tác dân vận còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng.

Từ tình hình thực tiễn trên những năm qua Lào Cai đã đẩy mạnh phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận bằng các chủ trương, nghị quyết, cụ thể:

 Về công tác vận động quần chúng, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành các quyết định, chỉ thị, chương trình hành động để lãnh đạo hệ thống chính trị trong tỉnh tốt nhiệm vụ công tác dân vận như: Quyết định số 123-QĐ/TU, ngày 24/01/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chương trình hành động số 127-CTr/TU, ngày 7/8/2013 thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy ban hành: Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 25/5/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng chống, ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”; Đề án số 01 về “Một số giải pháp phòng chống tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”; Đề án số 24 về “Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác vận động quần chúng”; Đề án số 14 về “Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, trọng tâm là vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu”; Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 07/5/2012 về “Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn”; Quyết định 783-QĐ/TU ngày 02/12/2013 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân”; Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 29/8/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218; Kế hoạch số 03-KH/TU, ngày 20/10/2015 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận 114-KL/TU, ngày 14/7/2015 của Ban bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”. Giai đoạn 2016-2020: Đề án 15 về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Lào Cai”; Đề án 17 về “Tiếp tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai”.

Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tăng cường tổ chức ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận theo Nghị quyết 25-NQ/TW. Định kỳ hàng quý, Thường trực cấp ủy tổ chức giao ban với Ban dân vận và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tập trung đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng theo phương châm phù hợp với từng đối tượng, hướng các hoạt động về cơ sở; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, các vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan tâm tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

 Về công tác dân tộc, tôn giáo, với đặc thù của tỉnh có trên 64% đồng bào dân tộc thiểu số và có nhiều tôn giáo hoạt động trên địa bàn; để thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 19/4/2011 về việc ngăn chặn tình trạng di cư tự do trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 34-CT/TU, ngày 13/12/2013 về tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Chỉ thị 40- CT/TU ngày 28/3/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Đề án số 18-ĐA/TU “Về quy hoạch và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011-2015”; Đề án số 16-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy về xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững về tổ chức, mạnh về đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 Quy định về ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014-2016 và Quyết định 4127/QĐ-UBND, ngày 26/12/2014 về ban hành chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 43 Nghị quyết về cơ chế chính sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tập trung cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương về công tác tôn giáo của Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo về công tác tôn giáo. UBND tỉnh ban hành nhiều bản chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

 Về công tác dân vận các cơ quan Nhà nước, để chỉ đạo các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Kết luận 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 16-CT/TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 15/9/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai”; cụ thể hóa Chỉ thị số 18 của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1902/QĐ-UBND, ngày 01/06/2017 về việc ban hành Quy định về thực hiện công tác dân vận trong quy hoạch, xây dựng và đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; ngoài ra, ban hành các văn bản về thực hiện công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại với nhân dân trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “Một cửa”. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và nhà đầu tư tích cực giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và quá trình thực hiện đầu tư dự án, nhất là những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh gắn với thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, quy hoạch, những chương trình, dự án lớn của tỉnh, địa phương, đặc biệt là trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, phát hiện và xử lý kịp thời những tồn đọng, sai phạm trong tổ chức thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội trên địa bàn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

 Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận của một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận của chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, chưa làm tròn nhiệm vụ được giao, chưa sâu sát cơ sở. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn hình thức; Công tác phối hợp hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang chưa thực sự thường xuyên, đồng bộ, thiếu chặt chẽ, hiệu quả hạn chế.

Qua đó, đưa ra các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân dận trong trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trước hết là trong cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dân vận.

Thứ hai, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của chính quyền các cấp trong tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân và giải quyết kịp thời đơn, thư tố cáo, khiếu nại. Chú trọng công tác dân vận trong quy hoạch, thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận.

Thứ năm, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá nghiêm túc kết quả, hạn chế, nguyên nhân, các giải pháp trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng về công tác dân vận.

 Tác giả: Đặng Nguyệt
Đặng Nguyệt
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập