Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 507
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình, dự án với sự tham gia trực tiếp của người dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo, sắp xếp ổn định dân cư, đào tạo nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số.

Trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển sản xuất, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án số 01, Đề án số 02 thuộc chương trình 1 giai đoạn 2011-2015 (Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp); Đề án số 01 về tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020; tham mưu cho Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp để triển khai thực hiện. Qua đó, sản xuất nông nghiệp của Lào Cai đã có những bước phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân luôn đạt trên 6%/năm, cụ thể:

Trồng trọt chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi như lúa chất lượng cao, rau trái vụ, hoa; dược liệu, cây ăn quả ôn đới; chè…ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh, đặc biệt sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh, năm 2015 bắt đầu triển khai đến hết năm 2018 đạt 1.953 ha, giá trị sản phẩm bình quân 250 triệu đồng/ha. Diện tích tăng vụ Đông được mở rộng, trở thành vụ sản xuất chính, năm 2018 đạt 10.206 ha, tăng 4.192,4ha so với năm 2014, giá trị thu nhập 82,58 triệu đồng/ha. Sản xuất lương thực được mùa, tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt 319.947 tấn, tăng 53.897 tấn so với năm 2014, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho nhân dân các dân tộc vùng cao và công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn.

Chăn nuôi hàng hóa phát triển tốt: Sản lượng thịt xuất chuồng đạt 62.579 tấn, tăng 31.482ha so với năm 2014, thủy sản phát triển nhanh, sản lượng cả năm 8.000 tấn tăng 2.300 tấn so với năm 2014. Sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh. Hiện nay đã phát triển được 08 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà. Vùng cao với lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu hiện đang tập trung ưu tiên phát triển chăn nuôi trâu, bò và các giống vật nuôi bản địa như: Lợn đen bản địa, gà đen, Vịt Sín Chéng, …theo hướng tạo sản phẩm đặc sản hữu cơ, chất lượng thịt thơm, ngon, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là phục vụ khách du lịch.

Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, chất lượng rừng ngày càng tăng, năm 2018, diện tích trồng rùng mới đạt 7.540 ha, tổng diện tích rừng hiện có là 353.597 ha, tăng 2.214 ha so với năm 2014. Về phát triển kinh tế tập thể có 172 hợp tác xã nông nghiệp, toàn tỉnh có 552 trang trại. Các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận tập trung vào các nghề như thêu dệt thổ cẩm, nấu rượu, mây tre đan và chế biến thực phẩm, rèn đúc. Liên kết sản xuất được đẩy mạnh bằng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước.

Triển khai, thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững, tổng vốn giao năm 2014-2018 là 186.909 triệu đồng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện, số lao động nông thôn được hỗ trợ nghề nông thôn được cấp chứng chỉ là 11.240 người, đào tạo không cấp chứng chỉ 9.904 lao động do các tổ chức phi chính phủ, các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ đào tạo.

Công tác đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương luôn được quan tâm, hàng năm bằng nhiều nguồn vốn đã đầu tư xây dựng góp phần nâng cao diện tích, năng suất cây trồng. Kết quả đầu tư số công trình giai đoạn 2014-2018 là 424 công trình với diện tích tưới là 9.925 ha với tổng chiều dài 528km kênh mương. Thực hiện có hiệu quả chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, đến nay tổng số công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh là 1.042 công trình đảm bảo cấp được 90% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Sắp xếp, ổn định dân cư được 1.237 hộ, 5.195 khẩu chủ yếu đối với các hộ ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai nguy hiểm, hộ đặc biệt khó khăn và sắp xếp hộ dân cư ra khu vực biên giới.

Tình hình dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh từ 2014-2018 có 50 hộ, 239 khẩu di cư đi các tỉnh chủ yếu gồm: Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Đắc Nông, Đắc Lắc, Sơn La, Tuyên Quang, Lâm Đồng; có 15 hộ, 72 khẩu hồi cư trở về. Các hộ đi chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn; trình độ canh tác còn nhiều lạc hậu. Do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thường sống quần tụ thành làng bản, dòng họ nên khi có anh em trưởng dòng họ di cư đi trước thì các hộ còn lại cũng di cư theo. Dân số tăng nhanh, nhiều gia đình có nhu cầu tách hộ dẫn đến thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đời sống khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ đói nghèo cao. Trước năm 2014 đời sống người dân tại các điểm bố trí dân cư cơ bản thuộc hộ nghèo, khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3,5 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên sau khi thực hiện các dự án bố dân cư, đời sống của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người 6,3 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân hộ 31,5 triệu đồng/hộ/năm; tỷ lệ hộ nghèo 0%; tỷ lệ hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt 100%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với việc phát động phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn nên đã làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đồng bộ, xây dựng đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi thôn, bản và người dân. Đến nay 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa; có 54/143 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 43 xã so với năm 2014, có 98/143 xã đạt tiêu chí về hệ thống điện nông thôn, tăng 48 xã so với năm 2014; có 75/143 xã đạt tiêu chí trường học, tăng 41 xã so với 2014.

Vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải tạo. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng cao. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Hết năm 2018, toàn tỉnh có 44/143 xã hoàn thành Nông thôn mới đạt 88% so với mục tiêu đề án nông thôn mới đến năm 2020, vượt 2,67% so với trung ương giao cho tỉnh Lào Cai đến năm 2020.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế chủ yếu nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tham mưu hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa kịp thời. Bên cạnh đó một số địa phương chưa định hướng được cho các hộ dân để lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; nhiều dự án thực hiện mang tính chất cấp phát, bình quân, chia đều, nhỏ lẻ, manh mún như dự án hỗ trợ lúa, ngô, phân bón không hình thành được mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, do đó hiệu quả đầu tư các dự án chưa cao và thiếu tính bền vững. Cán bộ làm công tác giảm nghèo chuyên trách ở cơ sở chưa được bố trí để đáp ứng nhiệm vụ, năng lực hạn chế nhất là các xã vùng sâu, vùng xa dẫn tới các dự án triển khai còn chậm chưa đảm bảo tiến độ, kế hoạch.

Để thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên thông về giảm nghèo để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số; đổi mới công tác tuyên truyền thông qua các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo; tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Chú trọng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, cập nhật thông tin thường xuyên về hộ nghèo, tình hình thực hiện các dự án, chính sách để có đủ căn cứ cho phục vụ công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành ở cơ sở. Phát huy mạnh mẽ dân chủ trong cộng đồng mọi hoạt động từ việc xác định hộ nghèo, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, bình xét thoát nghèo.

Phân công trách nhiệm cụ thể cho Ban chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, đánh giá và giám sát thực hiện các chính sách chương trình giảm nghèo; gắn các dự án giảm nghèo với định hướng phát triển kinh tế địa phương và quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn./.

 Tác giả: Lý Seo Dìn
Lý Seo Dìn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập