Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tham mưu triển khai hiệu quả Chỉ thị số 45-CT/TW và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU
Lượt xem: 609
Hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai là 461.715 người, chiếm 64% dân số trên địa bàn (trong đó, dân tộc Mông có số dân đông nhất khoảng 32.309 người). Là tỉnh miền núi biên giới có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải hứng chịu thiên tai rất lớn; vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội và khoa học kỹ thuật còn khó khăn, cộng với trình độ dân trí hạn chế nên đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn ở mức thấp.

Trước những khó khăn, thách thức đó, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông và Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai, quan tâm đến đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, kịp thời triển khai các chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước, bằng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, cụ thể như: Đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương để nâng cao trình độ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là tập thực hiện Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Chương trình sắp xếp ổn định dân cư, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đầu tư các công trình Thủy lợi và công trình nước sinh hoạt khu vực nông thôn; Chương trình hỗ trợ phương thức sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn triển khai các dự án đầu tư; với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh; sự năng động sáng tạo của cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, cho nên thời gian qua Lào Cai đã có bước phát triển tột bậc về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; cơ bản nhân dân vùng núi, vùng đồng bào dân tộc đã được hỗ trợ tạo điều kiện ổn định cuộc sống; phát triển sản xuất bền vững nâng cao thu nhập, đời sống từng bước được cải thiện và ổn định, hạ tầng nông thôn được đầu tư cải thiện rõ nét, đến nay toàn tỉnh đã có 45 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) chiếm 31,7% tổng số xã; trong đó có gần 50% (20 xã) vùng đồng bào các dân tộc đã hoàn thành NTM. Kết quả đầu tư hỗ trợ trong 25 năm qua:

Về thực hiện sắp xếp dân cư: Từ năm 1994 đến 2018 toàn tỉnh bố trí sắp xếp ổn định được 20.107 hộ, Trong đó: Sắp xếp, bố trí vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai: 8.223 hộ. Sắp xếp, bố trí dân cư vùng ĐBKK: 9.274 hộ. Sắp xếp ra biên giới: 2.610 hộ. Bố trí đất ở: Tổng diện tích bố trí cho các hộ là 595,2 ha/19.839 hộ, bình quân 3002/hộ (Gồm 25 dự án sắp xếp dân cư tập trung/905 hộ và 18.934 hộ là sắp xếp xen ghép - còn 268 hộ là ổn định tại chỗ). Bố trí đất sản xuất: Bố trí 10 ha/51 hộ/01 điểm dự án tập trung, bình quân 1.960 m2/hộ).

Về chính sách hỗ trợ về nhà ở (xóa nhà tạm) theo Quyết định 167/QĐ-TTg; hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg ngày 25/8/2009, Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016). Đã hỗ trợ trên 10.000 hộ nghèo được làm nhà ở; sắp xếp ổn định cho trên 7.000 hộ gia đình ở phân tán, rải rác, hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Về thực hiện sản xuất và giao đất, giao rừng, hiện nay tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Lào Cai là 429.536 ha, chiếm 66,7% diện tích tự nhiên. Trong đó: Diện tích đất có rừng 353.597 ha; đất chưa có rừng 75.939 ha, các diện tích này đã được giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp, UBND xã và các hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 54,81%, tăng gần 2,5 lần so với năm 1994.

Về hỗ trợ cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất và chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ cây có chưa chất ma túy vùng đồng bào dân tộc. Nước sản xuất: toàn tỉnh có 1.136 hệ thống công trình thủy lợi, đã góp phần đảm bảo nước tưới cho 133.412 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó: có 31.185 ha gieo trồng lúa (diện tích canh tác sản xuất lúa gần 23.500 ha); 75.867 ha đất trồng cây hàng năm; 26.360 ha đất trồng cây lâu năm) và 2.523 ha đất nuôi trồng thủy sản (theo niên giám thống kê năm 2018). Về cấp nước sinh hoạt: Đã đầu tư các công trình cấp nước tập trung phục vụ cho sinh hoạt của người dân vùng cao, vùng đồng bào DTTS; tổng số công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh là 1.042 công trình và hơn 50.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ (mạch lần, giếng đào,...) cho 93.927 hộ hưởng lợi, đảm bảo cấp nước sinh hoạt được 90% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 45 xã/143 xã hoàn thành NTM, chiếm 31,4% tổng số xã (Vượt 3,46% mục tiêu Chính phủ giao đến năm 2020) và có 96 thôn đạt thôn NTM, 70 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu. Từng bước xoá bỏ cây chứa chất ma tuý gắn liền công tác xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng bằng hình thức đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Giai đoạn 2008-2018, tổng vốn lồng ghép triển khai thực hiện các Chương trình, đề án dự án tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh là 578.594 triệu đồng, diện tích trồng cây thuốc phiện lần lượt được thay bằng trồng các loại cây có giá trị kinh tế, cho thu nhập cao, ổn định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại như:

Mức hỗ trợ ổn định đối tượng dân di cư tự do chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Về cơ chế hỗ trợ chưa có nguồn vốn hỗ trợ đầu tư riêng cho những địa bàn có tiềm ẩn về di cư tự do và các hộ hồi cư trở về. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nên đối với những thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, tỉ lệ hộ nghèo cao; một số địa bàn thôn, bản chưa đủ điều kiện phát triển sản xuất bền vững.

Lào Cai là một tỉnh nghèo, chủ yếu là sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư hàng năm cho tỉnh, việc sắp xếp ổn định dân cư rất khó khăn nên các dự án sắp xếp dân cư tập trung phải thực hiện kéo dài trong nhiều năm.

Đối tượng tham gia dự án hỗ trợ, chuyển đổi, phát triển sản xuất phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác tác lạc hậu, việc tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, khí hậu thời tiết khắc nghiệt như rét đậm, sương muối vào mùa đông; hạn hán, mưa đá, lũ quét, sạt lở vào mùa hè đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của đồng bào vùng này.

Công tác tổ chức, quản lý và thực hiện dự án phát triển sản xuất của cấp chính quyền địa phương còn rất hạn chế, năng lực rất kém, đặc biệt trong công tác lập dự án, thực hiện dự án chưa đúng theo trình tự và quy định hiện hành. Việc triển khai thực hiện một số dự án định canh, định cư cho đồng bào DTTS ở một số địa bàn huyện hiệu quả chưa cao, một số địa phương chưa định hướng được cho các hộ dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún… nên chưa hình thành được vùng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

    Để thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ nhà ở, quy hoạch sắp xếp dân cư, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lào Cai trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế đặc thù để tạo động lực hỗ trợ vùng này phát triển bền vững, xem xét tăng mức hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình sắp xếp dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg.

Tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí hoàn thiện các dự án sắp xếp dân cư tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt.

Chính quyền các cấp đẩy mạnh triển khai các chương trình đề án, dự án đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Tập trung thực hiện sắp xếp ổn định dân cư; tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM theo chương trình kế hoạch, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy thế mạnh tiềm năng của địa phương (các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù đã được xác định) gắn với thị trường đầu ra; đẩy mạnh tổ chức sản xuất, tập trung mở rộng quy mô gắn với chế biến tiêu thụ, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, đảm bảo nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân./.

 Tác giả: Thảo Nguyên
Thảo Nguyên
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập