Thực hiện dân chủ ở cơ sở và vấn đề tăng cường ý thức trách nhiệm của nhà nước
Lượt xem: 504
Ngày 20/4/2007, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký đã được ban hành. Đây là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đẩy mạnh sự phát triển lành mạnh của đất nước ta trong thời đại toàn cầu hoá, hiện đại hoá. Ở đây có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, quy định lẫn nhau giữa việc nâng cao tính tự giác, tích cực tham gia công việc chung của xã hội của mỗi cá nhân công dân với việc tăng cường ý thức trách nhiệm của bộ máy nhà nước Việt Nam.
Pháp lệnh đã nêu rõ:

Một là, những nội dung công khai để nhân dân biết.

Hai là, những nội dung nhân dân bàn và quyết định gồm: Những nội dung và hình thức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, những nội dung và hình thức nhân dân biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định.

Ba là, những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bốn là, những nội dung nhân dân giám sát

Nhân dân nói chung, công dân trong cả nước và chính quyền nhà nước các cấp đều có trách nhiệm thi hành Pháp lệnh này. Ở đây, quyền hạn và trách nhiệm người dân, của nhà nước là 2 vế không đối lập nhau mà hỗ trợ cho nhau, hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau, thúc đẩy và giám sát việc thực hiện.

1. Trách nhiệm và quyền hạn của người dân, đặc biệt là ở cơ sở trong việc thực hiện Pháp lệnh này

a) Điều quan trọng là năng lực làm chủ của người dân được nâng cao và khuyến khích tạo cho họ thói quen làm chủ. Khi người dân có kiến thức có sự hiểu biết về nội dung quyền dân chủ của mình và trách nhiệm làm người chủ, thì họ mới biết hưởng quyền dân chủ và biết dùng quyền dân chủ dám nói, dám làm, để mưu cầu hạnh phúc của cá nhân công dân, cũng như hạnh phúc chung của cộng đồng.

Năng lực làm chủ của dân không phải tự nhiên mà có. Nó liên quan đến 2 vấn đề: quyền được thông tin và trình độ học vấn, sự hiểu biết về xã hội của người dân.

Để thực hiện dân chủ ở cơ sở cần bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật, chính sách của Nhà nước, các vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, đặc biệt là ở cơ sở xã, phường, có liên quan đến lợi ích hàng ngày của người dân. Công việc của chính quyền, cơ quan đơn vị sản xuất, việc phân phối, thu chi tài chính các khoản đóng góp của dân v.v. phải được công khai hoá.

Trình độ học vấn, hiểu biết của người dân giúp họ tiếp cận với các thông tin dễ dàng hơn, nắm vấn đề và kịp thời phát hiện đúng sai để dám nói, dám can thiệp. Trình độ học vấn lại tuỳ thuộc hoàn cảnh từng người có điều kiện được học tập đến mức độ nào.

b) Với số đông dân chúng ở cơ sở, trước hết họ cần có kiến thức và hiểu rõ quyền làm chủ của họ một cách cụ thể, gồm những vấn đề gì và điều kiện thực hiện quyền đó như thế nào.

Việc này có thể thực hiện thông qua hệ thống báo chí, truyền thanh, truyền hình để giới thiệu các nội dung cụ thể về quyền dân chủ của người dân Việt Nam hiện nay, với những cách trình bày hấp dẫn, dễ hiểu… Đồng thời có thể được truyền đạt, giải thích trực tiếp cho dân trong các cuộc họp ở thôn xóm, phố phường, kết hợp với những cuộc mạn đàm trao đổi của người dân trong sinh hoạt nhóm dân cư ở cơ sở. Họ nêu lên những nhận thức tiếp nhận được và những băn khoăn, thắc mắc còn tồn tại để đề nghị cán bộ cấp trên giải thích, cán bộ cấp phường, huyện, thị trấn, tỉnh, thành phố v.v. Cán bộ cần khuyến khích họ nói, không khó chịu, cản trở và trù dập người dám nói.

c) Từ sự hiểu biết về quyền dân chủ đến việc làm của người dân, dám nói, dám làm không phải dễ dàng. Họ phải hành động theo luật pháp và dũng cảm đối đầu với các tư tưởng cản trở họ, cả chủ quan lẫn khách quan.

- Cản trở chủ quan từ sự hạn chế về năng lực cá nhân, kiến thức cá nhân và vốn sống cá nhân dẫn đến khó nắm bắt được vấn đề, nêu lên những thắc mắc cụ thể, chính xác để đấu tranh yêu cầu làm rõ, hoặc thực hiện đúng v.v.. Đó còn là những cản trở từ phía gia đình, bạn bè. Họ lo sợ cho hậu quả việc làm, nội dung đấu tranh, chẳng biết được lợi ích gì, lại có hại cho bản thân và liên quan đến gia đình, họ hàng.

Về cản trở khách quan, trước hết là những khó khăn về thủ tục họ phải vượt qua để có thể đề xuất ý kiến của mình lên cấp có thẩm quyền.

Nội dung cá nhân khiếu kiện đưa ra lấy ý kiến của tập thể nhỏ, nơi họ sinh hoạt thường ngày ở phường, thôn xóm để trao đổi lại ít được cộng đồng ủng hộ tích cực mà có thái độ thờ ơ, mặc kệ, không quan tâm. Có những người không muốn dính líu vào vụ việc đấu tranh của cá nhân nêu lên, sợ liên lụy đến bản thân, bị theo dõi, trả thù v.v..

Như vậy, vấn đề quan trọng ở đây khi một công dân đấu tranh cho một vấn đề cụ thể nào đó, thường vì lợi ích chung, không phải là của một cá nhân, cần được tập thể số đông người ủng hộ, tán thành. Áp lực của số đông khiến cấp có thẩm quyền phải chú ý giải quyết. Điều này liên quan đến tính hợp lý, hợp pháp trong kiến nghị đề xuất, dù nội dung đấu tranh cho một quyền lợi cá nhân, nhưng là quyền lợi chính đáng của công dân một nước dân chủ. Vì vậy, cộng đồng cần đồng tình ủng hộ mà không thể có thái độ thờ ơ, bỏ mặc người dám đấu tranh.

d) Như vậy, việc nâng cao sự hiểu biết của người dân, cung cấp những kiến thức về quyền làm chủ và làm chủ thế nào phải nhằm động viên đông đảo quần chúng tham gia. Số đông dân chúng được tiếp cận với các kiến thức chính xác, cụ thể, dễ hiểu về luật pháp, Hiến pháp, về các chủ trương và chính sách của Nhà nước đang thực hiện; từ đó, họ mới biết sử dụng quyền làm chủ vào những việc làm chính đáng và có những hành động cần thiết, kịp thời để bảo vệ quyền làm chủ.

Số đông biết ủng hộ, hỗ trợ, làm chỗ dựa tinh thần và vật chất cho những cá nhân tích cực dám đứng lên khởi xướng cuộc đấu tranh cho dân chủ ở cơ sở. Khi có số đông dân chúng tham gia thì việc phát huy dân chủ ở cơ sở mới có kết quả hữu hiệu, từ việc họ chủ động tham gia đến việc họ hỗ trợ tích cực cho những cá nhân xuất sắc dám mạnh dạn đứng đầu cuộc đấu tranh.

Nhưng muốn được số đông quần chúng tham gia thì nội dung dấu tranh cho việc phát huy dân chủ ở cơ sở phải hợp hiến, hợp pháp vì lợi ích chung của cộng đồng, của đất nước mà không vì lợi ích hẹp hòi, thiển cận hay không hợp pháp của một cá nhân nào.

e) Sách lược đấu tranh cần mềm dẻo, linh hoạt, đi từ việc nhỏ đến việc lớn, biết thương lượng, thoả hiệp khi cần thiết, để đi tới sự đồng thuận bước đầu, để hai bên tiếp tục có thể chung sống hoà bình và đi tiếp các bước sau, có lợi cho cả 2 bên, nhân dân và chính quyền nhà nước. Người dân cần có thiện chí trong việc đòi hỏi thực hiện dân chủ ở cơ sở và chính quyền cấp địa phương cũng có thiện chí giải quyết vấn đề kịp thời.

Đồng thuận là biểu hiện cao nhất của sự chung sống. Nếu không có sự đồng thuận làm nền tảng thì không có sự chung sống giữa con người, sự chung sống toàn cầu. Đồng thuận là tự giác, là kết quả của cuộc thảo luận xã hội, muốn có đồng thuận phải có dân chủ về chính trị. Xã hội đồng thuận là xã hội đoàn kết.

Tóm lại, muốn phát huy dân chủ ở cơ sở, bản thân người dân cần có ý thức giữ gìn trật tự công cộng, biết tôn trọng pháp luật, thực thi đúng pháp luật đã ban hành, không làm ăn phi pháp. Đồng thời, có tinh thần dám phê phán, tố cáo, ngăn chặn những hoạt động tiêu cực, vi phạm pháp luật, khắc phục thái độ né tránh, thờ ơ, bỏ mặc chỉ vì sợ liên lụy đến bản thân. Khi tiến hành đấu tranh, họ cần có thái độ mềm dẻo, biết thương lượng, thoả hiệp trong các vụ tranh chấp giữa người dân với nhau hay giữa người dân và chính quyền sở tại, để đi đến sự đồng thuận cần thiết, từng bước đạt được sự nhất trí qua các vụ mâu thuẫn, tranh chấp.

2. Thái độ, việc làm của chính quyền nhà nước các cấp trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở

Cần xác định rõ vị thế và trách nhiệm của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nhà nước của dân chứ không phải một cơ quan đứng trên dân để cai quản nhân dân, dân là chủcủa chính quyền nhà nước các cấp.

Nhà nước do dân bầu ra, làm đại diện cho họ để giữ gìn trật tự công cộng và bảo vệ quyền làm chủ của dân.

Nhà nước vì dân, do đó luôn hành động bảo vệ quyền dân chủ của người dân và vì lợi ích của người dân trong mọi hoạt động kinh tế chính trị, văn hoá của mình.

Vì vậy, giữa cơ quan chính quyền nhà nước và người dân không phải là hai đối tác đối lập nhau mà có sự hợp tác chặt chẽ với nhau, có sự hiểu biết lẫn nhau trong hoạt động vì sự phát triển của đất nước, cùng nhau xây dựng nền dân chủ đã được công bố trong Hiến pháp và các điều luật của quốc gia.

Nhà nước cần tạo mọi điều kiện, cơ hội thuận lợi cho người dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, được hưởng thụ các quyền tự do dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hoá; được sử dụngquyền dân chủ để mưu cầu lợi ích cá nhân và bảo toàn lợi ích công cộng. Nhà nước cần đặc biệt chú ý việc nâng cao năng lực làm chủ của dân, tạo cho họ thói quen làm chủ.

+ Trong hoạt động thường ngày các cấp chính quyền nhà nước phải xem trọng những điều người dân đã khiếu kiện, kêu ca về việc làm của các cơ quan nhà nước các cấp đối với họ, vi phạm lợi ích của họ, cản trở họ làm ăn sinh sống v.v..

Nhà nước phải minh bạch, các cấp chính quyền phải làm rõ đúng sai về những điều dân thắc mắc. Cái gì làm sai phải thừa nhận công khai và xin lỗi dân, sửa chữa kịp thời. Cái gì đã làm đúng cần giải thích cho dân hiểu, cần nhắc nhở họ việc tôn trọng Hiến pháp đã được người dân nhất trí (qua phổ thông đầu phiếu) và được Nhà nước ban hành, tôn trọng các cơ quan chính quyền nhà nước là người đại diện cho dân (mà họ đã bỏ phiếu tín nhiệm).

+ Phải kiên quyết chống nạn tham nhũng và quan liêu của cán bộ chính quyền các cấp. Họ đã làm sai các nguyên tắc được quy định, lạm dụng các chủ trương chính sách đã ban hành để thu vén cho lợi ích cá nhân. Họ sa vào nạn quan liêu giấy tờ, gây khó khăn, cản trở cho người dân trong việc giải quyết công việc thường ngày.

+ Trong việc xử lý công việc của người dân, cán bộ chính quyền các cấp phải đảm bảo nguyên tắc công bằng và dân chủ, hợp hiến và hợp pháp.

- Không trù dập, trả thù những người đã mạnh dạn tố cáo những sai trái của cán bộ nhà nước.

- Không bỏ qua những kẻ vi phạm luật pháp, vi phạm lợi ích của dân, lợi ích công cộng do nể tình là người quen biết hay vì chức vụ địa vị của kẻ vi phạm, hoặc bị mua chuộc bằng tiền bạc, chức vụ, v.v..

Khi các cấp chính quyền làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, bảo vệ Hiến pháp và luật lệ đã ban hành, bảo vệ quyền dân chủ của người dân, thì họ sẽ hết lòng ủng hộ nhà nước, tôn trọng và thực hiện đúng những chủ trương, chính sách, điều luật đã ban hành.

Trách nhiệm của nhà nước và trách nhiệm của người dân trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở có mối quan hệ gắn bó trực tiếp, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng thực hiện để đi tới một mục đích chung: Tạo lập một nền dân chủ thực sự trong cuộc sống thường ngày của người dân, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh như Hồ Chủ tịch đã từng mong ước./.

 Tác giả: Nguyễn Trung Tuyến
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập