Tư tưởng Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số và sự vận dụng ở Lào Cai hiện nay
Lượt xem: 399

Trong trái tim vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chứa đựng một tình cảm yêu thương, sự quan tâm lớn lao đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Người đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của cán bộ người DTTS và nhắc nhở tổ chức Đảng, chính quyền phải thường xuyên chú trọng đến công tác “huấn luyện” cán bộ. Tư tưởng ấy cũng thể hiện trong những bức thư gửi đồng bào và bài nói chuyện với cán bộ, Nhân dân Lào Cai vào dịp Người lên thăm 65 năm trước.

 Khắc ghi lời dạy của Người 

Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến Lào Cai. Cán bộ và nhân dân Lào Cai vinh dự được nhận 06 bức thư của Người[1]. Và, một sự kiện lớn, mãi khắc sâu trong tâm khảm của đồng bào các dân tộc Lào Cai: Ngày 23/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ Chính phủ lên thăm Lào Cai. Tại đây, Người gặp gỡ, nói chuyện thân mật với Nhân dân và cán bộ của tỉnh. Người để lại những lời căn dặn, chỉ dẫn để Đảng bộ Nhân dân Lào Cai làm theo. Người nói: “Phải ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ dân tộc và các địa phương. Dù lúc đầu những cán bộ ấy trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít, công tác chưa quen, cán bộ lãnh đạo phải chịu khó dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ. Muốn công tác cán bộ tốt trong các dân tộc, trong các địa phương nhất định phải có cán bộ của dân tộc ấy. Cán bộ dân tộc phải cố gắng học tập để tiến bộ, đoàn kết chặt chẽ với miền xuôi, tránh tư tưởng dân tộc hẹp hòi” […] “Tiền đồ của cán bộ cũng như tiền đồ của mọi người, nó nằm trong tiền đồ dân tộc[2].

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến công tác cán bộ người dân tộc thiểu số ở tất cả các khâu từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đến luân chuyển cán bộ. Trong đó, trọng tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ DTTS, là vấn đề vừa có tính trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài. Bởi theo Hồ Chí Minh, cán bộ vừa là “gốc của mọi công việc” vừa là “cầu nối” giữa tổ chức Đảng, chính quyền với Nhân dân. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng có trình độ, kiến thức sẽ tuyên truyền giải thích cho đồng bào hiểu rõ về mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người luôn đánh giá cao vị trí vai trò, tầm quan trọng của cán bộ DTTS. Cán bộ tốt mới lãnh đạo được nhân dân. Cán bộ kém không thể hoàn thành nhiệm vụ muôn việc sẽ “thất bại”. Thực tiễn đã chứng minh: Cán bộ nào, phong trào ấy. Ở đâu đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, ở đó kinh tế - xã hội phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ngược lại, nơi nào cán bộ yếu kém, ở đó sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nên cán bộ phải “làm đầu tàu” để lôi cuốn đồng bào làm theo. Một đội ngũ cán bộ DTTS đảm bảo cơ cấu, đủ phẩm chất, năng lực, đảm đương được nhiệm vụ không thể hình thành một cách tự phát mà phải thông qua đào tạo, bồi dưỡng mới có được. Với tỉnh miền núi như Lào Cai, cán bộ DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Do sự phát triển không đồng đều giữa các địa bàn trong tỉnh đặt ra nhiều vấn đề chúng ta phải quan tâm: Vùng DTTS sinh sống vẫn là vùng nghèo về kinh tế, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong cộng đồng, dễ bị kẻ xấu lợi dụng… Trong lần lên thăm Lào Cai năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì hoàn cảnh lạc hậu mà có những nơi và những dân tộc theo mê tín, còn giữ phong tục tập quán không tốt, có hại cho vệ sinh, hại cho sản xuất, thâm chí có hại đến sự sống và phát triển của cả dân tộc ấy. Cán bộ và đồng bào phải chịu khó giải thích cho họ hiẻu rõ, để họ tự giác tự nguyện học những tập quán tốt, bỏ những phong tục xấu để tiến bộ dần[3]. Lời dạy ấy của Bác đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Do đó trách nhiệm của các cấp ủy là phải xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS vững mạnh cả chất và lượng - đây là yếu tố tiên quyết để mọi chủ trương, Nghị quyết, chính sách được đi vào cuộc sống, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, với nhà nước, từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở nông thôn vùng cao. Người nói: “Cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, phải một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phải làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng…”[4]

  Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai từ khi tái lập tỉnh đến nay - Những con số đầy ấn tượng

          Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS được thực hiện toàn diện, theo quy hoạch các chức danh, trong đó có cả những cán bộ dự nguồn các cấp. Nội dung đào tạo toàn diện: Học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, kĩ năng, nghiệp vụ công tác. Ngoài ra còn chú trọng đến việc rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của cán bộ để gắn đào tạo với các khâu bố trí, bổ nhiệm sau này.

           Trong giai đoạn 2001-2015, tỉnh Lào Cai ban hành nhiều đề án, cụ thể như: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2001-2005”;  đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, thôn bản, giai đoạn 2006-2010”; đề án “Quy hoạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011-2015”… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đảm bảo tiêu chuẩn và có cơ cấu phù hợp. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy chủ trương ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người DTTS; đào tạo gắn với bố trí sử dụng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cao. Nâng cao năng lực đào tạo của các trường chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; quy hoạch lại hệ thống các trường chuyên nghiệp, cơ cấu ngành, trình độ đào tạo của các trường theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội.

 Từ năm 2015 đến năm 2020, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 16.379 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh là 7.358 người (cán bộ DTTS: 3.352 người = 45,5% tổng số), chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ công chức: 6.744 người. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ, Tỉnh ủy chỉ đạo xã hội hóa đối với việc đào tạo cao cấp lý luận hệ tại chức và trung cấp lý luận chính trị tại một số đơn vị có nhu cầu và điều kiện thực hiện[5]. Do đó, chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS được nâng lên rõ rệt, hầu hết đạt chuẩn về trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị. Đó là một thành tựu lớn trong công tác cán bộ của Lào Cai - một tỉnh miền núi, biên giới, nhiều DTTS. Đội ngũ cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng đã có sự chuyển biến về “chất” góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương.

Từ nay đến 2025, theo Đề án số 06/ĐA/TU của Tỉnh ủy, trong giai đoạn 2020-2025, sẽ tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho khoảng 2.000 người, cụ thể: Tiến sĩ: 50, Thạc sĩ: 660; Bác sỹ chuyên khoa: 200; tuyển chọn người xuất sắc đi học đại học: 350; học nghề: 740... Với đề án này, cán bộ DTTS được quy hoạch đào tạo theo cơ cấu chuyên ngành chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

 Để tiếp tục thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS, trong giai đoạn tới, chúng ta cần tập trung vào những công việc sau:

          Một là, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ DTTS ở tất cả các khâu: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển cán bộ. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng phải được coi là trọng yếu, vì: “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Một đội ngũ cán bộ DTTS có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị vững, kiến thức QLNN tốt thì chắc chắn “muôn việc sẽ thành công”.

Hai là, các cấp, các ngành phải tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; noi gương Bác về tự học, tự rèn luyện bản thân với các đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là những người không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt; phải là những người có tâm - tầm - tài - tình; chống những biểu hiện ngại học, lười học, học hình thức, bằng cấp nhiều mà không có thực chất, không giúp ích được gì cho công việc.

Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS cần mang tính toàn diện nhưng phải có trng tâm, không dàn trải; trang bị kiến thức ở các lĩnh vực, nhưng chọn lọc từng nội dung thực sự cần thiết mà thực tiễn đang đặt ra. Đặc biệt là phải ‘huấn luyện” để cán bộ DTTS hình thành tư duy khoa học, tầm nhìn dài hạn, có “tầm chiến lược” trong lãnh đạo, quản lý.

Bốn là, phương pháp phải phù hợp đối tượng người học, vừa học lý thuyết vừa thực hành; lấy ví dụ từ cuộc sống ở địa phương để chứng minh những nội dung lý luận; dành nhiều thời gian để học viên trao đổi, thảo luận… như thế mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Năm là, các cơ sở đào tạo phải được kiện toàn về tổ chức bộ máy, cơ cấu chuyên môn hợp lý, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy đảm bảo; không ngừng đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với tình hình mới, hướng vào những vấn đề khó và phức tạp nảy sinh từ cuộc sống, trang bị cho cán bộ DTTS những kĩ năng về lãnh đạo, quản lý và công tác dân vận. Nói cách khác đào tạo bồi dưỡng những kiến thức mà cán bộ DTTS “cần” chứ không phải là chỉ truyền đạt những thứ mà chúng ta đang “có”.

 Thay cho lời kết

 Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua nhiều bài viết, bài nói của Người lúc sinh thời. Mong muốn của Hồ Chí Minh là xây dựng được một đội ngũ cán bộ có chất lượng, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống; để miền núi tiến kịp miền xuôi, để “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã đi xa cách đây hơn nửa thế kỉ, nhưng tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách của Người vẫn còn mãi với non sông, đất nước, với dân tộc Việt Nam. Mỗi chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong học tập và làm theo những lời căn dặn của Bác để xây dựng Lào Cai ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, xứng đáng với niềm tin yêu, quý mến của Người.



[1](1) thư gửi đồng bào Lào Cai ngày 18/19/1945; (2) Gửi nhi đồng Xã Ba (Sa Pa-TG), Lào Cai (19/11/1946; (3) Thư gửi anh em thương binh mặt trận Lê Hồng Phong (01/5/1950); (4) Thư gửi đồng bào Lào Cai (27/11/1950; (5) Thư gửi chiến sỹ và cán bộ Lào Cai; (6) Thư gửi công nhân và cán bộ mỏ Apatit Lào Cai (1.1959).

[2] Bác Hồ trong người Yên Bái-Lào Cai, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2005, tr. 177.

[3] Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Lào Cai ngày 24/9/1958 (dẫn theo cuốn Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Lào Cai 1988-2018. Lào Cai, 2019, tr5)

[4] Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Lào Cai ngày 24/9/1958 (dẫn theo cuốn Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Lào Cai 1988-2018. Lào Cai, 2019, tr5)

[5] Xem Báo cáo 981-BC/TU, ngày 11/8/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai: Tổng kết thực hiện Đề án 16-ĐA/TU, ngày 27/11/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XV, nhiệm kì 2015-2020.

Lê Đình Lợi - Phó trưởng, Ban Dân vận Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập