Mẹ của các con người Mông
Lượt xem: 506

Gặp Chị tại Hội nghị điển hình tiên tiến Hội chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai lần thứ V, giai đoạn 2016-2020, một người phụ nữ bé nhỏ nhưng toát lên sự mạnh mẽ và đầy nhân từ. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Minh, giáo viên trường Mầm non số 2 thị trấn Phong hải, huyện Bảo Thắng. Là người con của quê hương Hải Phòng lên xây dựng kinh tế mới những năm 60 của thế kỷ XX, năm 1989 chị tốt nghiệp sư phạm, được phân công về dạy tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Trong quá trình công tác và xây dựng hạnh phúc gia đình với nhiều gian nan vất vả, nhưng với một nghị lực mạnh mẽ chị luôn nỗ lực vươn lên. Từ xuất phát ban đầu chị học sơ cấp nuôi dạy trẻ, chị phấn đấu vừa học vừa làm học lên Trung cấp rồi Đại học Mầm non năm 2009. Trong công tác chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được nhân dân và đồng nghiệp quý mến. Năm 2010 chồng chị ốm mất, một mình chị gắng sức vừa công tác ở vùng cao, vừa tần tảo nuôi 2 con ăn học chuyên nghiệp, đến nay con gái lớn chị đã xây dựng gia đình, hiện công tác tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh, con trai chị học xong đại học Điện lực nay đã có việc làm ổn định.

Với 30 năm công tác gắn bó với công việc giáo viên mầm non, năm 2015 tuy tuổi đã cao, chị đã tình nguyện lên công tác tại các điểm trường vùng cao của thị trấn Phong Hải như phân hiệu Xín Thèn. Năm học 2016-2017 chị tình nguyện lên dạy tại điểm trường thôn Sảng Pả, Trường mầm non số 2 thị trấn Phong Hải. Sảng Pả là một thôn có 54 hộ đồng bào dân tộc Mông, là thôn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, có bản nằm trên đỉnh núi cao tách biệt hẳn với thị trấn Phong Hải, đường lên thôn chỉ là đường mòn luồn lách qua những khe đá, với người lớn còn khó khăn, nên việc đi lại của các cháu nhỏ còn khó khăn gấp bội, thường mất 2 đến 3 giờ đi bộ từ bản về trung tâm thôn. Có tháng chị lên bản tới 3-4 lần để vận động học sinh đi học, đến thăm các hộ trong bản, tìm hiểu điều kiện từng gia đình mới thấy nhiều gia đình hết sức khó khăn. Đầu năm học 2016 cả bản chỉ có một cháu 5 tuổi học nhờ trường Tiểu học, còn các cháu 3-4 tuổi không được đi học mầm non. Khi trường có chủ trương đưa toàn bộ học sinh về phân hiệu dưới học, chị lại phải vận động, động viên các gia đình, bố, mẹ các cháu đồng ý cho con xuống núi học, nhưng từ nhà đến điểm trường đó rất xa, không thể đi về trong ngày được. Tại lớp không có phòng cho các cháu ở. Trong hoàn cảnh ấy chị rất thương và nói với phụ huynh muốn đón các cháu về nhà mình ở, cô giáo sẽ nuôi các cháu, không cần bố, mẹ đóng góp gì cả, cô chỉ mong sao bố, mẹ đưa con đi học đều để cô giáo chăm sóc các cháu cho bớt phần thiệt thòi. Nhờ sự kiên trì thuyết phục của chị, các hộ đồng bào Mông trên núi mới đồng ý cho con xuống núi học và ở lại nhà cô giáo. Ngày đầu tiên đến lớp chia tay bố, mẹ hai hàng nước mắt các cháu rơi làm chị cũng rơi nước mắt theo. Nhìn các cháu mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo bẩn thỉu trông rất tội. Chị ôm các cháu vào lòng động viên, an ủi tạo tâm thế cho các cháu yên tâm. Ngày đầu tiên về nhà cô giáo cháu nào cũng ngơ ngác nhìn cái gì cũng lạ. Thế là công việc chăm sóc các cháu đầy vất vả bắt đầu. Vào các buổi sáng, chị dậy sớm nấu cơm, cho các cháu ăn, sau đó chở các cháu vượt chặng đường 6km đến phân hiệu mầm non thôn Sảng Pả học. Chiều về, đưa các cháu từ trường về nhà, lại tiếp tục công việc chăm sóc các cháu ở nhà, tắm, giặt, gội đầu, nấu cơm cho các cháu ăn, lo cho giấc ngủ... Những ngày đầu tiên các cháu được tắm gội bằng dầu thơm cháu nào cũng lạ, cũng sợ, tắm xong, mặt mày sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, được mặc quần áo mới các cháu nhìn nhau cười khúc khích, lòng chị xốn xang niềm hạnh phúc. Tuần đầu tiên bố, mẹ đến đón các cháu về nhìn thấy con sạch sẽ, khỏe mạnh ai cũng cười và phấn khởi. Sau một thời gian được đến lớp học, được chăm sóc chu đáo sức khỏe cháu nào cũng tăng, vui nhất là cháu nào cũng ngoan, tới bữa ăn đều biết mời cô giáo ăn cơm, tự xúc được cơm, biết chào hỏi bằng tiếng phổ thông. Đêm nào cũng vậy, trên chiếc gường nhỏ 5 cháu nằm ngủ phía trên, còn chị nằm ngang dưới chân chúng ở cuối gường. không phải nhà thiếu giường, mà chị không yên tâm để các cháu ngủ một mình, lo sợ vì đêm rét còn đắp chăn cho các cháu, dỗ dành khi các cháu giật mình quấy khóc hay ốm đau.Từ đó đến nay năm học nào chị cũng đón các cháu về nhà chăm sóc với tất cả tình cảm của một người mẹ, người bà. (Trong 4 năm chị đã đưa về nhà chăm sóc được 19 cháu).

Có một kỷ niệm khiến chị nhớ mãi. Đó là đêm một mùa đông giá rét, cháu Cư Thị Chứ bị viêm phổi cấp, 2 giờ đêm lên cơn sốt cao, khó thở, tình trạng rất nguy hiểm. Chị vội vàng đưa cháu đến phòng khám đa khoa thị trấn Phong Hải cách nhà 5 km cấp cứu, đêm ấy trên đường trời mưa rả rích không một bóng người, chỉ có 2 cô cháu với chiếc xe máy. Đến phòng khám đưa cháu vào cấp cứu, nằm cạnh chăm sóc cháu Chứ sốt mê man, tay ôm cháu mà lòng thì lo cho các cháu ở nhà, chỉ mong trời nhanh sáng để về với các cháu. Mờ sáng chị xin bác sỹ cho cháu Chứ về nhà để chị còn nấu cơm cho các cháu ăn rồi đưa các cháu đến lớp học. Quay về nhà đưa cháu Chứ đến bệnh viện điều trị rồi điện cho bố, mẹ cháu xuống chăm con ốm. Khi hỏi đến thẻ bảo hiểm y tế không có, bố cháu nói, 2 vợ chồng lấy nhau đã lâu, nhưng chưa đăng ký kết hôn, anh cũng không có Chứng minh nhân dân. Vì thế cháu Chứ 2 tuổi chưa có giấy khai sinh, cũng không có thẻ bảo hiểm y tế. Bố, mẹ cháu Chứ nghèo không có tiền chữa bệnh, nên định mang con về nhà, chị lo tính mạng của cháu bị đe dọa nên hết sức khuyên can. Chị nói , không có tiền cô giáo sẽ cho tiền chữa bệnh cho con, gia đình cháu đồng ý. Một tuần sau cháu Chứ khỏi ốm, bố, mẹ cháu rất xúc động nói lời cảm ơn. 5 năm công tác tại vùng cao không chỉ chăm sóc nuôi dạy các cháu mà có lúc chị còn phải đưa bố, mẹ các cháu đi làm chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho con…Chị rất xúc động, khi được bà con trong thôn Sảng Pả đặt cho cái tên “Mẹ của các con người Mông”.

Khi được hỏi và được sự cảm phục của các đại biểu dự hội nghị về những việc làm của chị, chi khiêm nhường trả lời: Tôi luôn nghĩ việc làm của tôi là rất nhỏ bé trong xã hội, nhưng tôi luôn cảm thấy vui vì đó là việc làm có ích, nên tôi làm không tính toán thiệt hơn. Hơn nữa, được sống cùng các cháu với tình cảm gắn bó cũng là động lực để tôi làm tốt hơn công việc của mình đã làm, để góp phần đem tri thức cho các cháu nhỏ vùng cao còn nhiều khó khăn. Chị nói rằng, thông điệp chị muốn gửi tới mọi người đó là hãy làm những gì mình có thể làm, dành những gì tốt đẹp nhất cho những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, trong đó có trẻ em, bởi, trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai./.

Trung Tuyến
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập