Văn Bàn nỗ lực phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Lượt xem: 121

Huyện Văn Bàn có tổng diện tích tự nhiên là 141.978,15 ha, dân số toàn huyện trên 95 nghìn người với 11 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,6 % dân số toàn huyện, gồm dân tộc Tày 47 %, Dao 19 %, Mông 14 % còn lại là các dân tộc khác. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.

Chính sự đa dạng của nhiều thành phần dân tộc đã hình thành cho Văn Bàn có được nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc, độc đáo; xong cùng với đó đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, một trong những vấn đề được xã hội hết sức quan tâm đó là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống, là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 33 – CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Huyện ủy Văn Bàn đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 25-CT/HU ngày 02/02/2018 về đẩy mạnh ngăn chặn, giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo khác gắn với việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “giảm thiểu tinh trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.

anh tin bai

Quang cảnh hội nghị

Sau 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU của Tỉnh ủy bằng nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực, đồng bộ từ công tác tuyên truyền, vận động, công tác quản lý điều hành của Nhà nước, sử lý nghiêm theo các quy định, thậm chí cả sử lý hình sự….. với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn bản, công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết rõ nét, đó là: Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được nâng lên. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được triển khai thường xuyên với nhiều hình thức phong phú; kết hợp phổ biến pháp luật gắn với hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Làm tốt công tác quản lý nhà nước gắn với sử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Đình Tom – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Văn Bàn trình bày báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU

Với cách làm đó đến nay trên địa bàn huyện Văn Bàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã có bước chuyển giảm nhất định: Giai đoạn 2018-2022 về hôn nhân cận huyết thống đã giảm hẳn, chỉ có 01 cặp tại xã Nậm Mả; xảy ra 64 trường hợp tảo hôn, trong đó là dân tộc Mông chiếm 95,31 %; số tảo hôn còn lại là dân tộc Tày chiếm 4,69 %. giảm 80 trường hợp so với năm 2017.

Nguyên nhân cơ bản để xảy ra tình trạng tảo hôn như trên được Huyện ủy Văn Bàn chỉ ra đó là:

Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện về công tác này; việc sử lý những vi phạm liên quan đến tảo hôn chưa được quyết liệt, còn nể nang, ngại va chạm; có biểu hiện bao che, sợ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ sở.

Việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động chưa chặt chẽ, nội dung tuyên truyền còn chưa cụ thể; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, vận động chưa cao.

Kinh phí cho công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn ít, gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hội nghị tập huấn, xây dựng các mô hình….

Việc trẻ em vị thành niên thường xuyên tiếp cận với mạng xã hội, trong đó có những nội dung ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào năm 2025, theo Chỉ thị số 33-CT/TU của Tỉnh ủy. Huyện ủy Văn Bàn đề ra những nhiệm vụ giải pháp sau:

Thứ nhất: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa trong nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thứ hai: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thứ ba: Tập trung xây dựng và thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước, tự giác chấp hành các nội quy, quy định của địa phương. Phát huy tích cực tự quản của dòng họ, gia đình góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật hôn nhân.

Thứ tư: Tăng cường nắm chắc tình hình Nhân dân, kịp thời phát hiện và sử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, các trường hợp tảo hôn, các gia đình cố tình vi phạm cho con em tảo hôn. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Vũ Văn Chung – Ban Dân vận Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập