Hướng đi mới ở xã Thào Chư Phìn huyện Si Ma Cai
Lượt xem: 104

Là người đầu tiên đưa cây vải thiều về trồng, đến nay, gia đình ông Séo Sèo Lẻng, thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn đã có thu nhập trên 30 triệu đồng/năm từ trồng cây vải thiều với diện tích 0,5ha. Ông Lẻng cho biết mới đầu ông chỉ trồng 30 cây, qua 3 năm chăm sóc cho thấy cây trồng rất phù hợp với khí hậu ở địa phương, cho quả nhiều, bán được giá. Do đó, ông đã quyết định trồng 0,5 ha đến nay đã cho thu hoạch, ông dự kiến sẽ nhân rộng mô hình lên diện tích 1 ha, trồng trên 100 cây vải.

Trong năm 2021 và 2022 gia đình ông đã thu được trên 30 triệu đồng. Từ 30 gốc vải hiện có, ông cho biết vải của gia đình ông hái đem ra bán tại các chợ phiên rất được người dân ưa chuộng và bán rất chạy, bởi quả vải chín đỏ vỏ mỏng, cùi dầy và rất ngọt. Theo ông Lẻng, trồng vải đến năm thứ bảy sẽ cho năng suất ổn định.

Nhận thấy mô hình trồng vải sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đặc biệt là đối với vùng đất của thôn Sán Chá, lại rất phù hợp để trồng các loại cây ăn quả xứ nóng như: Vải, bưởi, xoài và cam. Trong thời gian tới, xã Thào Chư Phìn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trong xã học tập gia đình ông Lẻng chuyển đổi những diện tích nương đồi trồng ngô, lúa kém hiệu quả để trồng vải, nhằm mục đích nhân rộng các loại cây ăn quả trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, xã sẽ hỗ trợ người dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc.

Trao đổi với chúng tôi ông Giàng Seo Xăm, Chủ tịch UBND xã Thào Chư Phìn cho biết: Qua thực tế, người dân trồng và chăm sóc cho thấy, cây vải rất thích hợp với đất đai thổ nhưỡng ở đây. Cây vải cũng là loại cây trồng lâu năm, tuổi thọ của cây có thể lên tới hàng trăm năm. Là cây dễ trồng, khoảng 3-5 năm chăm sóc, cây sẽ cho trái bói và qua năm thứ 6 sẽ cho trái ổn định. Trung bình mỗi cây có thể thu về từ 1-1,5 tạ/mùa. Sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần tiến hành cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh, sau đó bón phân ủ oai và giữ ấm cho cây.

Trong thời gian tới, xã Thào Chư Phìn sẽ có các chính sách khuyến khích  nhân rộng mô hình vải ra diện rộng. Đây là hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế trong việc đa dạng hoá cây con để nâng cao giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.


Ngô Nam
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập