Làm giàu trên quê hương
Lượt xem: 115

Yêu nghề nông, quyết tâm làm giàu trên đất quê hương, anh Nguyễn Thế Dự, thôn Liêm, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp bằng mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng.

Khác với đa số thanh niên lựa chọn đi làm xa, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Thế Dự trở về quê nhà. Nhận thấy xã Liêm Phú có nguồn nước quanh năm từ các sông, suối, cùng với việc kết hợp tìm hiểu đặc tính của các loài cá, anh đã tận dụng diện tích ao có sẵn của gia đình để thử nghiệm thả cá bỗng và trắm cỏ.

Sau gần 7 năm nuôi cá, đến nay anh Dự đã có hơn 3.000 m2 mặt nước nuôi chủ yếu là các loại trắm cỏ, cá bỗng và cá chày mắt đỏ. Anh Dự cho biết: Ngoài 500 m2 ao có sẵn thì phần lớn diện tích ao bây giờ trước đây là ruộng sình, gia đình chỉ cấy lúa nhưng hiệu quả không cao. Nhận thấy có thể chủ động nguồn nước nên tôi thuê người đào ao và đi tìm hiểu thêm về cách nuôi cá. Tôi cũng xác định nuôi cá sạch để cung cấp ra thị trường, vì nuôi bằng cám thì cá lớn nhanh nhưng thịt kém ngon.

Để có nguồn cá sạch, anh Dự dùng cỏ, bỗng rượu và lá sắn làm thức ăn cho cá. Mỗi khi thu hoạch cá, nhiều thương lái và các nhà hàng đến tận nhà mua. Đối với cá trắm cỏ, mỗi năm có thể cho thu hoạch 2 lứa, mỗi con có trọng lượng từ 1 đến 1,5 kg, bán với giá trên 120 nghìn đồng/kg. Còn cá bỗng tuy phát triển chậm hơn so với các giống cá khác nhưng sức kháng bệnh tốt, nuôi trong 2 năm sẽ đạt trọng lượng khoảng 2-3 kg, rất phù hợp nuôi dân dã và có giá bán khoảng 400 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh có thể thu về khoảng 40 triệu đồng từ bán cá.

Cùng với nuôi cá, năm 2016, anh thực hiện thêm mô hình nuôi bò sinh sản. Anh lựa chọn phương thức nuôi nhốt chứ không chăn thả ngoài tự nhiên, ban đầu gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, khi khắc phục được nguồn thức ăn bằng việc phát triển vùng trồng cỏ, đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố thì mô hình nuôi nhốt bò sinh sản mang lại tín hiệu khả quan. Với 6 con bò cái có sẵn của gia đình, anh mua thêm 4 con bò cái giống lai sin và 1 con bò đực giống lai để cải thiện tầm vóc, chất lượng bò địa phương. Năm 2018, anh Dự bán ra thị trường 8 con bò 2 năm tuổi, thu về gần 200 triệu đồng. Anh cho biết: Hiện tại, trong chuồng có 25 con bò và 5 con trâu, đang chăn nuôi theo hình thức sinh sản và cho ăn cỏ. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò và trâu, gia đình tôi chuyển đổi thêm 1 ha đất cấy lúa không hiệu quả sang trồng cỏ.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Dự còn là người “thổi lửa” cho phong trào đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Trong các cuộc họp, gặp gỡ với thanh niên địa phương, Đoàn Thanh niên xã cũng hướng dẫn thanh niên đến tham quan, học hỏi mô hình của anh Dự. Anh Vũ Bách Khanh, Phó Bí thư Huyện đoàn Văn Bàn cho biết: Việc lựa chọn trở về quê hương khởi nghiệp và những kết quả gặt hái được trong sản xuất của anh Dự không chỉ phát huy vai trò xung kích, dám nghĩ, dám làm, mà còn thể hiện sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ của tuổi trẻ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của thanh niên nông thôn.


 

Thanh Nhàn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập