Công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1146
Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai tình hình an ninh, trật tự cơ bản được giữ vững và ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tuy nhiên tình hình an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ”, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”; hoạt động tôn giáo trái pháp luật về an ninh nông thôn, tình hình di cư tự do trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng khiếu kiện đông người liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, tranh chấp đất đai vẫn xảy ra. Vẫn còn xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng như tội phạm ma túy, giết người, hiếp dâm và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng, tội phạm mua bán phụ nữ và tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ lý do, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lấy chồng, làm thuê vẫn diễn biến phức tạp. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có những bước phát triển mới nhưng có nội dung chưa thực sự vững chắc; còn có cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan doanh nghiệp chưa quán triệt, nhận thức sâu sắc về công tác xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; một bộ phận cán bộ, nhân dân còn mất cảnh giác trước thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm. Những vấn đề trên đã tác động mạnh mẽ đến công tác bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trước tình hình đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm tạo ra môi trường ổn định, thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 09 – CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 71 – CTr/TU, ngày 02/5/2012 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09 - CT/TW giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh, các ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Hằng năm, cấp ủy Đảng các cấp đều có Nghị quyết, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ khi ban hành Chỉ thị Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức sơ kết 03 năm, 05 năm  thực hiện Chỉ thị theo đó rút ra được những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện tiếp theo, trong đó chủ động đến công tác tuyên truyền, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn về ANTT. Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào đã đạt được nhứng kết quả cụ thể:

Lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương về công tác bảo vệ an ninh trật tự đã đạt được những kết quả quan trọng, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nâng cao: Công tác tuyên truyền, vận động luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm chú trọng, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành … đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức hội họp của các ngành, tổ chức đoàn thể, công tác hội, sinh hoạt câu lạc bộ, qua các lớp tập huấn, hệ thống giáo dục quốc dân, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên... Tổ chức được hơn 19.183 buổi tuyên truyền, vận động với 1.231.883 lượt người tham gia; biên soạn, phát hành trên 1000 cuốn tài liệu hỏi - đáp về nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự nông thôn; xây dựng 01 phim phóng sự ảo tưởng nhà nước Mông, tổ chức 02 hội thi về Công an xã giỏi và công tác Dân vận khéo, xây dựng trên 215 chuyên mục, phóng sự, đăng 1.417 tin, bài, 4.822 cuốn bản tin xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trên 13.600 tài liệu ảnh tuyên truyền, phát trên 100.000 tờ rơi về an toàn giao thông... qua đó nhân dân đã cung cấp 9.326 nguồn tin, trong đó hơn 5.197 có giá trị giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá 2.098 vụ việc, bắt giữ 2.021 đối tượng, thu giữ tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hàng năm phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng 12 chuyên mục đại đoàn kết dân tộc phát trên sóng Đài phát thanh - truyền hình tỉnh; tổ chức 15 lớp tuyên truyền, tập huấn về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn 09 huyện, thành phố cho cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, công an viên thu hút trên 1500 lượt người tham gia.

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự hòa giải từ cơ sở, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc:  Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ năm 2012 đến nay Tỉnh ủy đã ban hành 01 chương trình hành động, 02 đề án; UBND tỉnh ban hành 02 chỉ thị; Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ban hành các chương trình, kế hoạch về xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.  Công tác xây dựng, củng cố, duy trì và nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản, điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã đạt được những kết quả rất quan trọng đến nay lực lượng Công an các cấp đã xây dựng, duy trì 33 loại mô hình tại 564 điểm tại thôn tổ, cơ quan, doanh nghiệp nhà trường; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp xây dựng, duy trì 15 loại mô hình; nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và các phong trào do địa phương, đơn vị phát động được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia; năm 2015 Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức Hội nghị biểu dương 85 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; năm 2018 Bí thư Tỉnh ủy có thư khen 88 mô hình “Dân vận khéo” của ngành giáo dục được triển khai thực hiện tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến nay toàn tỉnh đã có trên 3000 mô hình “Dân vận khéo” ở cả 4 loại hình: lĩnh vực kinh tế; văn hóa – xã hội; quốc phòng – an ninh; xây dựng hệ thống chính trị.

Lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào có đạo, phát triển đảng viên, xây dựng lực lực lượng cốt cán trong đạo Tin lành; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương: Trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những quan tâm chỉ đạo rất cụ thể về công tác xây dựng, củng hệ thống chính trị ở cơ sở mà đặc biệt là ở vùng đồng bào có tôn giáo. Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo công tác tôn giáo và Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh, hoạt động của 02 Ban chỉ đạo đã thu được những kết quả cụ thể: tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Chú trọng tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ là người có đạo để quy hoạch dự nguồn cán bộ chủ chốt ở cơ sở, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kết quả bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: nhiệm kỳ 2006-2011 có 20 đại biểu, nhiệm kỳ 2011-2016 có 42 đại biểu, nhiệm kỳ 2016 -2021 có 45 đại biểu là tín đồ các tôn giáo tham gia đại biểu HĐND; đến nay có 163 tín đồ tôn giáo tham gia Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; 143 cán bộ công chức là người có tôn giáo. 

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tác động tích cực đến công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên có phẩm chất, lối sống lành mạnh, chống tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân, trong 05 năm (2014 – 2018) đã tổ chức được 3.021 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân theo hình thức hội nghị riêng. Các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân được thực hiện trên các lĩnh vực, trong đó tập trung nghe nhân dân phản ánh, góp ý về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, những vấn đề trọng tâm, liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

 Hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Quân đội nhân dân, Bộ đội biên phòng, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực: Thực hiện việc hợp nhất Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cấp tỉnh, huyện và cấp xã. Chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã phối hợp triển khai thực hiện tốt Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; bảo đảm duy trì tốt chế độ giao ban, trao đổi tình hình, phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự. MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an các cấp trong việc thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”. Kết quả phân xếp loại phong trào; đánh giá tiêu chuẩn an toàn về ANTT của các cơ quan, đơn vị hàng năm đều được tăng lên, không có đơn vị yếu kém; lực lượng an ninh cơ sở luôn được củng cố, kiện toàn và ngày một phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở..

Với những kết quả đã đạt được trong quá trình tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các cấp ủy đảng, chính quyền cần rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền nhất là cấp xã; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là các đồng chí Bí thư cấp ủy; gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào “xóa đói giảm nghèo”, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Thứ hai: Phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; thông tin, kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; thông báo tình hình, kết quả, kinh nghiệm đấu tranh với các loại tội phạm tệ nạn xã hội, nhằm nâng cao năng lực bảo vệ an ninh, trật tự cho quần chúng nhân dân.

Thứ ba: Thường xuyên kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền vận động cán bộ đảng viên, hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, quản lý, cảm hóa người lầm lỗi và các loại đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư.

Thứ tư: Phải coi trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò của người uy tín trong các dân tộc, tôn giáo; củng cố, xây dựng lực lượng cốt cán tôn giáo trong vùng đồng bào có tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng Công an phong trào và trách xã về an ninh, trật tự, Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan doanh nghiệp và các tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, có ý nghĩa quyết định chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ năm: Lực lượng Công an các cấp nhất là Công an cấp xã phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương kịp thời xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; tập trung xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, xây dựng nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng thôn, tổ, xã, phường thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự, tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt công tác đánh giá phân loại phong trào và công tác thi đua khen thưởng. Chú trọng công tác kiểm tra, sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác xây dựng phong trào trong thời gian tiếp theo.

 Tác giả: Hà Dinh
Hà Dinh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập