Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1318
Là tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 66 % dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; các cấp, các ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ thức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị 40-CT/TU, đồng thời cụ thể hóa thành chương trình, đề án phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị. Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Công tác giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm

Quy mô và hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 9/9 trường PTDTNT có cấp THPT, trong đó có 02 trường đạt chuẩn Quốc gia với 127 lớp, 4.412 học sinh (tăng 11 trường so với năm học 2015-2016). Chất lượng và hiệu quả giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có nhiều chuyển biến rất rõ nét; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 96,06%; hiện trên địa bàn tỉnh có 359/617 trường đạt chuẩn Quốc gia chiếm 58,18%.

Thực hiện tốt chính sách cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số vào các trường Đại học, Cao đẳng; từ năm 2014-2018 đã có 73 con em người dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Cùng với đó đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, đào tạo bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đến nay toàn tỉnh có 5.827 cán bộ, giáo viên và nhân viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 37,79%; trong đó cán bộ quản lý 285, chiếm 18,73%; giáo viên 4.911, chiếm 36,32%; nhân viên 631, chiếm 34,5%.   

2. Hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chú trọng. Qua đánh giá hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trên 90%, trong đó đạt trong sạch, vững mạnh trên 60%. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 94,1%, trong đó có 16,14% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thực hiện Kết luận 64-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về sắp xếp các chức danh cán bộ thôn bản, tổ dân phố, đến nay đã có 1.768/1.926, thôn, bản, tổ dân số đã sắp xếp xong, đạt 91,8%. Thường xuyên thực hiện tốt Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, địa phương nơi cư trú... Đến 31/12/2018 toàn tỉnh đã có 899/1.518 chi bộ thôn bản có ban chi ủy, bằng 59,2%, gần đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, từ năm 2014 đến hết quí I năm 2019 toàn tỉnh kết nạp được 12.903 đảng viên, trong đó 6.352 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 49,22%, đến nay 100% các xã có tổ chức cơ sở đảng, 100% các thôn bản có chi bộ, đã xóa được thôn, bản trắng đảng viên. 

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 16-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy về xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững về tổ chức, mạnh về đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 - 2016... Đến nay, tỉnh Lào Cai có 31.437 cán bộ, công chức, viên chức các cấp, Trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số có 9.262 người, chiếm 29,46%. Kết quả bầu cử Quốc hội có 3/6 đại biểu là người dân tộc thiểu số; đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 chiếm tỷ lệ cao: cấp tỉnh: 35/56 đại biểu, chiếm tỉ lệ 62,5%; cấp huyện: 167/317 đại biểu, chiếm tỉ lệ 52,68%; HĐND xã: 2886/4122, chiếm tỉ lệ 70%.

Cùng với đó công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số được quan tâm. Giai đoạn 2010 - 2015, tổng số cán bộ, công chức, viên chức đã quy hoạch 1.631 người, trong đó người dân tộc thiếu số 289 người, chiếm 17,7%. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số cán bộ, công chức, viên chức đã quy hoạch 1.234 người, trong đó người dân tộc thiếu số 128 người, chiếm 10,3%; Trong 05 năm đã bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho 8.500 lượt cán bộ người dân tộc thiểu số.

3. Phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc đạt được nhiều kết quả

Các cấp các ngành đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn thâm canh tăng vụ; cung cấp giống mới có năng xuất cao, khuyến khích và giúp đỡ đồng bào thay đổi tập quán canh tác, phát triển kinh tế hộ gia đình... Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt giá trị kinh tế cao, như cánh đồng một giống lúa tại huyện Văn Bàn, lúa séng cù chất lượng cao tại huyện Mường Khương, huyện Bát Xát; vùng ngô hàng hóa ở Si Ma Cai, Bắc Hà; vùng dứa chuối ở Mường Khương; vùng quế ở Bảo Yên; vùng hoa ở Sa Pa và thành phố Lào Cai; vùng dược liệu ở Bắc Hà, Sa Pa. Khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu, rèn đúc; phát triển mô hình trang trại; đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp giảm xuống còn 13,07% năm 2018; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá, đặc biệt đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2018 đạt 319,9 nghìn tấn, tăng 53.897 tấn so với năm 2014, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó các cấp các ngành triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều chương trình, dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đạt hiệu quả, như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg; Quyết định 755/QĐ-TTg; Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Nhờ đó, công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 5%/năm; đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 16,25%; trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 25.413 hộ/98.043 hộ, chiếm 25,9%, không còn tình trạng hộ đói.

4. Công tác y tế vùng đồng bào dân tộc được nâng lên; các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào được bảo tồn và phát huy

Công tác y tế trong vùng đồng bào dân tộc luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, đến nay 100% số xã có trạm y tế kiên cố, trong đó có 138 trạm đạt chuẩn y tế theo quy định (chiếm 84,1%), hầu hết các thôn, bản đều có cán bộ y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm được tiêm chủng, đạt trên 95%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,68%. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em được triển khai rộng khắp, tỷ lệ phụ nữ DTTS có thai được khám thai 3 lần/3 kỳ thai nghén năm 2018 đạt 74% (tăng 10.5% so với 2014); tỷ lệ phụ nữ đến các cơ sở y tế sinh đẻ đạt 87,2% (tăng 16,2 với 2014). Trong 5 năm đã thực hiện 7.234.684 lượt khám chữa bệnh BHYT, trong đó có 1.495.424 lượt người DTTS; Khám chữa bệnh người nghèo được 1.421.519 lượt, trong đó có 288.417 lượt người dân tộc thiểu số nghèo.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng. Hiện nay tỉnh Lào Cai đang thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh tại 500 làng; sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm các dân tộc thiểu số dưới 3.000 người đối với các nhóm có nguy cơ mai một cao, gồm các dân tộc: Bố Y, Xá Phó, Phù Lá, Pa Dí, Hà Nhì...; phục dựng và lập 19 hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó di sản văn hóa phi vật thể “nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn lập Hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc như: La Chí, Bố Y, Pa Dí, Hà Nhì, Phù Lá; nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc các dân tộc được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội "Gặt Tu Tu" của người Hà Nhì đen ở Ý Tý (Bát Xát), Lễ hội tạ ơn trâu (Sừ dề pà) của người Bố Y, Lễ hội Gầu tào người Mông, Lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy, Hội cốm của dân tộc Tày huyện Bảo Yên, Lễ bảo vệ rừng (cấm rừng) của dân tộc Nùng, dân tộc Mông, Lễ cấp sắc của người Dao... Các lễ hội này đã được người dân duy trì tổ chức hàng năm; nhiều lễ hội đã được xây dựng thành sản phẩm thương hiệu phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương như: lễ hội Gầu tào của người Mông xã Pha Long, huyện Mường Khương; lễ hội Roóng Poọc của người Giáy xã Tả Van, huyện Sa Pa... thu hút rất đông khách du lịch đến tham dự khám phá, tìm hiểu.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU vẫn còn hạn chế, tồn tại, đó là: Việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị tại một số cơ sở chưa nghiêm túc; Địa bàn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đều thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, nguồn vốn đầu tư không kịp thời; Kết cấu hạ tầng KT - XH tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị về số lượng và cơ cấu vẫn chưa hợp lý; tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc vẫn tiếp tục xảy ra...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TU trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là: Tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiêm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân tộc; Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc; Nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo, dạy nghề và công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; Tăng cường việc sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; Tiếp tục củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc.

 Tác giả: Xuân Định
Xuân Định
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập